Thi công thủy điện, làm nứt nhà dân…

Từ đầu năm đến nay, tường nhà 17 hộ dân ở buôn E Ma, E Rông A và buôn E Rông B (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) bị nứt liên tục do 2 đơn vị xây dựng nổ mìn thi công kênh xả dòng Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Srêpốk 4A. Cứ vào mỗi buổi trưa và chiều tối, khi đơn vị thi công nổ mìn là người dân ở đây lại “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Thi công thủy điện, làm nứt nhà dân…

Từ đầu năm đến nay, tường nhà 17 hộ dân ở buôn E Ma, E Rông A và buôn E Rông B (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) bị nứt liên tục do 2 đơn vị xây dựng nổ mìn thi công kênh xả dòng Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Srêpốk 4A. Cứ vào mỗi buổi trưa và chiều tối, khi đơn vị thi công nổ mìn là người dân ở đây lại “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Nhà nứt khắp nơi

Đi cùng một số cán bộ huyện Buôn Đôn, chúng tôi đến buôn E Ma khi đơn vị thi công vừa nổ mìn xong. Đất đá, khói bụi bay tung tóe trên khắp nóc nhà dân. Đang dùng cơm trưa nhưng cả gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh vẫn phải bỏ bữa ăn chạy ra ngoài đường vì quả mìn đơn vị thi công nổ cách nhà khoảng 200m.

Ngôi nhà xây kiên cố của gia đình anh mới được xây vào năm 2011 đã bắt đầu nứt nẻ từ 3 tháng nay. Ban đầu chỉ nứt ở tường với những vết nứt nhỏ, nhưng bây giờ nó đã nứt cả trần bê-tông của ngôi nhà.

Anh Thịnh cho biết: “Mỗi khi họ nổ mìn, chúng tôi không dám ở trong nhà vì tiếng ồn và đất đá bay vào nhà, còn vật dụng trong nhà thì rung lắc dữ dội”. Cũng theo anh Thịnh, mỗi tuần đơn vị thi công nổ khoảng vài ba lần vào lúc 11 giờ trưa và 5 giờ chiều.

Ở cùng thôn, nhà anh Nguyễn Đình Thịnh cũng bị nứt nẻ không kém. Ngay tại cửa phòng ngủ, một đường nứt dài khoảng 2m đã xé toạc tường và có nguy cơ làm đổ tường lúc nào không biết. Cách đây 3 tháng, nhà anh mới bắt đầu nứt mạnh và rung lắc khi đơn vị thi công nổ mìn.

“Nhà tôi thuộc dạng nhà bán kiên cố được xây dựng theo chương trình 167 vào năm 2010. Vì thế, mỗi khi mìn nổ là bị rung lắc dữ dội và gia đình chúng tôi không dám ở trong nhà”, anh Thịnh tâm sự. Cạnh đó, nhà chị Nguyễn Thị Chính còn bị nứt mạnh hơn.

Nhà chị Nguyễn Thị Chính ở buôn E Ma bị nứt khi đơn vị thi công cho nổ mìn.

Nhà chị Nguyễn Thị Chính ở buôn E Ma bị nứt khi đơn vị thi công cho nổ mìn.

Ngay bức tường ngăn giữa phòng bếp và phòng ngủ, một đường nứt ngang dài hơn 2m nằm ngay giữa tường. Còn tường phòng khách và phòng ngủ thì nơi nào cũng có những vết nứt dài hơn 1m. Chị Chính nói: “Từ khi nổ mìn thi công thủy điện mới bị nứt, chứ trước đây có bị nứt thế này bao giờ đâu. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, gom góp cả chục năm mới làm được ngôi nhà này. Nếu cứ tiếp tục nổ mìn thế này, nhà tôi sẽ sập lúc nào không biết”.

Không riêng gì ở đây, tại buôn E Rông A và E Rông B, đơn vị thi công nổ mìn cũng làm nứt hàng chục nhà dân như thế. Trừ những ngôi nhà gỗ, còn lại những nhà dân nằm cạnh kênh xả dòng của NMTĐ Srêpốk 4A đều bị nứt như thế. Theo phản ánh của người dân, có khoảng 17 ngôi nhà của 3 buôn bị nứt do nổ mìn.

Ai chịu trách nhiệm?

Dự án NMTĐ Srêpốk 4A có công suất 64MW do Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào năm 2009. Công trình thủy điện này được xây dựng theo phương án kênh dòng dài 15km, làm ảnh hưởng đến 2.014ha đất của người dân 3 xã Ea Huar, Ea Ver và Krông Na (huyện Buôn Đôn). Mặc dù người dân khẳng định việc nổ mìn thi công thủy điện làm nứt nhà dân nhưng đơn vị thi công một mực khẳng định mình làm đúng phương án đã phê duyệt.

Theo ông Phạm Văn Thanh, Phó Giám đốc Xí nghiệp 471 thuộc Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng 470, khu vực này đơn vị thi công được phép nổ mìn tối đa 1.386kg/lần và xí nghiệp chỉ cho nổ khoảng 100kg/lần. Trong khi đó, khoảng cách an toàn về người và nhà cửa người dân quanh đây đều cách xa hơn 200m. “Xí nghiệp đã cho nổ mìn theo phương án đã duyệt, vì thế không thể có chuyện nổ mìn làm nứt nhà dân được”, ông Thanh lý giải.
 
Nhưng ông Khuất Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn, cho biết: “Đoạn kênh xả dòng NMTĐ Srêpốk 4A có nổ mìn đi qua buôn E Ma dài 252m, còn đi qua buôn E Rông A và E Rông B dài khoảng 1km do hai đơn vị thi công là Công ty TNHH Một thành viên Lũng Lô và Xí nghiệp 471. Hiện các đơn vị thi công đang nổ mìn theo đúng phương án đã được phê duyệt, nhưng nếu việc nổ mìn đúng phương án mà vẫn ảnh hưởng đến nhà cửa người dân thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và điều chỉnh lại phương án nổ mìn”.

Còn ông Nguyễn Văn Duyện, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Buôn Đôn, mấy tháng trước đoàn kiểm tra của huyện và xã cũng đã đến kiểm tra những nhà dân bị nứt ở buôn E Ma. “Qua đợt kiểm tra lần này, chúng tôi nhận thấy có nhiều nhà nứt do nổ mìn. Vì thế, sắp tới huyện sẽ đi kiểm tra những nhà dân bị nứt và làm việc với đơn vị thi công để có phương án xử lý tình trạng này”, ông Duyện cho biết.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục