Chủ trương, đường lối của Đảng được triển khai rất nhanh
- Phóng viên:
Ông đánh giá như thế nào về khái niệm “nhất thể hóa” trong bối cảnh hiện nay?
>> PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG: Hội nghị Trung ương 6 dự kiến họp vào tháng 10 tới sẽ tập trung bàn về một vấn đề hết sức quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm, đó là “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thực chất, Đề án này là cụ thể hóa các quan điểm chủ trương Đại hội XII của Đảng đã khẳng định. Đó là phải nghiên cứu, thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng nhiệm vụ. Qua tổng kết 30 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội Đảng gần đây đều thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm: đó là tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Đội ngũ công chức đông nhưng không mạnh. Do đó, nội dung của Hội nghị Trung ương 6 tới đây được dư luận nhân dân, cán bộ, đảng viên trông chờ, quan tâm. Chủ trương “nhất thể hóa một số chức danh” không phải lần đầu tiên đề cập mà đã nói tới từ các khóa trước. Tuy nhiên, chúng ta triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế. Trong số các địa phương làm tốt hơn cả việc nhất thể hóa có tỉnh Quảng Ninh, nhưng không phải là sáng kiến của Quảng Ninh mà là địa phương này đã cụ thể và triển khai thực hiện quan điểm, nghị quyết của Đảng về việc thí điểm Bí thư cấp ủy, đồng thời Chủ tịch UBND cấp xã, huyện ở những nơi có điều kiện.
- Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này, đâu là những cái “được” và “mất” trong quá trình thí điểm đó?
Qua lý luận và thực tế về việc nhất thế hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện cho thấy chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nhanh hơn. Trên thực tế nếu chưa nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp xã và huyện, ở một số nơi đã xảy ra việc nhiều chủ trương của Đảng ban hành, nhưng bên chính quyền không thực hiện hoặc triển khai rất chậm. Do đó, qua việc thí điểm và khảo sát của chúng tôi cho thấy nên làm việc “nhất thể hóa” vì khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện thì triển khai các công việc, chủ trương đường lối của Đảng rất nhanh. Đây chính là ưu điểm lớn nhất, quan trọng nhất, chứ không phải là mục đích bớt đi một biên chế.
Tuy nhiên cũng có những băn khoăn khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thì ai kiểm soát quyền lực các đồng chí đó? Nhiều ý kiến lo ngại rằng, một người mà giữ cả 2 chức vụ quan trọng dễ dẫn tới độc đoán, chuyên quyền và thực tế cũng đã xảy ra. Về mặt lý thuyết, cũng như quy định pháp luật cho thấy HĐND là cơ quan kiểm soát, ngoài ra còn vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng vì Chủ tịch HĐND chỉ là Phó Bí thư nên khó có thể kiểm soát được Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, cũng có một số nơi mà chúng tôi khảo sát, nhiều ý kiến đã thẳng thắn cho biết là hoàn toàn kiểm soát được quyền lực khi nhất thể hóa vì khi làm việc với Bí thư, tôi với tư cách là Chủ tịch HĐND chứ không phải là Phó Bí thư ở cấp dưới.
Rất quan trọng và có ý nghĩa lớn
- Có một thực tế là nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm “nhất thể hóa” ở cấp xã và huyện rồi, nhưng sau đó lại xin thôi, trả lại nguyên trạng ban đầu?
Việc thực hiện chủ trương Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số nơi là tốt, nên làm, nhưng việc một số nơi triển khai thực hiện chủ trương này còn “chập chờn” do có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là, việc triển khai chủ trương này chưa đồng bộ; cần phải làm đồng bộ từ tỉnh trở xuống, Bí thư Tỉnh ủy phải đồng thời là Chủ tịch UBND tỉnh cho tới các cấp cơ sở, như vậy mới không chồng chéo. Thứ hai, một số người nói “chẳng dại gì tôi làm” vì vừa làm Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND thì trách nhiệm rất nặng nề, trong khi lương không tăng được bao nhiêu; nếu được hưởng cao hơn thì làm. Hơn nữa, nhiều người cũng không hào hứng do làm thí điểm nên hàng loạt văn bản liên quan chưa rõ ràng, hoàn thiện và còn vướng mắc. Qua thực tế đó cho thấy và đòi hỏi Trung ương phải tổng kết thí điểm cụ thể, khách quan, để làm rõ cái được và chưa được để xây dựng phương hướng, chủ trương tiếp theo theo hướng nhân rộng ra trên toàn quốc và thực hiện từ cấp tỉnh, huyện, xã.
Thực tế cho thấy, những người nào đã từng qua chức chủ tịch sau đó được bầu làm Bí thư và khi đồng thời là Chủ tịch thì mọi công việc thực hiện thuận lợi hơn. Còn với người chưa qua chức Chủ tịch mà làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch thì khó khăn. Qua đó đặt ra vấn đề muốn làm được thì chúng ta phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ, tức là phải thay đổi nội dung, chương trình của hệ thống đào tạo, từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho tới học viện các khu vực, các trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị. Nội dung đào tạo ở đây đương nhiên tập trung vào chuyên môn nghiệp vụ kết hợp với lý luận chính trị. Bởi lẽ lâu nay, chương trình đào tạo của chúng ta không đào tạo theo đúng chức danh. Gốc của mọi vấn đề vẫn là cán bộ, vì vậy họ phải được đào tạo tốt, qua thực tiễn thì mới làm được. Để nhất thể hóa được, vấn đề gốc rễ là phải đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị. Đây là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.
- Ý kiến của ông như thế nào về việc hợp nhất các cơ quan Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm bớt sự chồng chéo, cồng kềnh hiện nay?
Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của chúng ta còn cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả hoạt động nên Đảng mới đề ra chủ trương thực hiện việc hợp nhất cơ quan Đảng, Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Vì thế, vấn đề ở đây là phải thay đổi về tư duy, cái gì có lợi cho dân thì nên triển khai làm, còn việc nào chưa hợp lý thì chúng ta sửa, kể cả sửa luật.
- Một thực tế là hiện nay ở Quảng Ninh, cấp huyện trở xuống đã thực hiện hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền cùng cấp, có nhiệm vụ tương đồng, thưa ông?
Trên thực tế, hiện chưa có văn bản thống nhất về việc hợp nhất các chức danh hay bộ máy. Ngay cả Điều lệ Đảng, cũng như những văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, chúng ta chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cấp ủy, Bí thư, Phó Bí thư như thế nào. Còn bên chính quyền có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chưa có văn bản quy định rõ Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND có trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào. Vì vậy, nếu triển khai thực hiện đồng bộ vấn đề này, cần phải xây dựng văn bản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Theo tôi, Hội nghị Trung ương 6 tới đây phải thiết kế xây dựng được mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ trên xuống dưới và phải làm tổng thể, chứ không phải chắp vá. Lộ trình từ nay tới năm 2020 làm gì và sau đó sẽ làm gì. Quan trọng nhất là phải chọn được ra người làm và vấn đề gốc là phải chuẩn bị được đội ngũ cán bộ, thay đổi tư duy cũ, đào tạo được đội ngũ cán bộ, chứ không thể đốt cháy giai đoạn được.
- Việc thực hiện được nhất thể hóa có phải là sự đột phá trong đổi mới, xây dựng bộ máy chính quyền hiện nay?
Tôi cho rằng nếu thực hiện được là một đột phá rất quan trọng. Vấn đề này phải làm, không thể trì hoãn được nữa rồi. Đây là vấn đề rất quan trọng và có ý nghĩa lớn. Nhưng cần phải làm như thế nào, lộ trình ra sao để bảo đảm được ổn định tình hình đất nước và đất nước phát triển. Chứ nếu mà làm rối loạn thì rất phức tạp. Vì đây là việc có tác động, ảnh hưởng tới vấn đề con người và toàn xã hội, nếu chúng ta không làm cẩn thận, chặt chẽ thì rất dễ sinh ra lực lượng chống đối, xã hội bất ổn. Tuy nhiên thực tế đã chín muồi và chứng minh rằng chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy từ Đảng tới Nhà nước, cho tới Mặt trận, đoàn thể một cách tổng thể, chứ không thực hiện đơn lẻ. Phải xây dựng được hệ thống từng cơ quan, từng bộ, ngành một. Kể cả sắp xếp theo từng vị trí việc làm trong các cơ quan cấp chiến lược.
- Xin cảm ơn ông!