Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2011 “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường”

Thi ngành nào dễ đậu?

Ngành dễ tìm việc
Thi ngành nào dễ đậu?

Trong số báo hôm nay, Báo SGGP tiếp tục giới thiệu một số câu hỏi được phụ huynh và học sinh nêu ra tại chương trình tư vấn “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường” được tổ chức tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) sáng 27-2.

Học sinh tỉnh Cà Mau tại Chương trình “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường”. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh tỉnh Cà Mau tại Chương trình “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường”. Ảnh: MAI HẢI

Ngành dễ tìm việc

- Có những ngành học nào dành cho học sinh trung bình? Học xong ra trường dễ tìm việc làm?

Nguyễn Văn Ninh (Trường THPT Cà Mau)

>> Em xác định khả năng của mình và tìm ngành, trường phù hợp năng lực để dự thi là quyết định sáng suốt. Theo các chuyên gia tuyển sinh, căn cứ trên sức học của mình em nên tìm những ngành, trường liên tục trong 3 năm nay có mức điểm chuẩn tương đương với điểm sàn hoặc chênh lệch không quá nhiều để có cơ hội trúng tuyển cao. Em có thể tìm kiếm thông tin điểm chuẩn trên website các trường đại học (ĐH) hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các trường ĐH công lập, ngành có điểm chuẩn không cao thường là các ngành mới (có ít thí sinh biết), một số ngành có ít thí sinh dự thi… Đối với nhiều trường ĐH ngoài công lập, đa số các ngành thường có điểm chuẩn bằng điểm sàn.

Việc chọn ngành nào ra trường dễ tìm việc làm còn phụ thuộc vào địa phương nơi em sinh sống. Ví dụ em ở gần khu công nghiệp, các ngành dễ tìm việc là cơ khí, điện, điện tử, dệt may, hóa, môi trường… Nếu em ở TP, nhóm ngành dịch vụ sẽ dễ tìm việc như: kinh doanh, quản lý kinh tế, du lịch, nhà hàng – khách sạn, bán hàng, marketing, tài chính - ngân hàng… Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực có nhu cầu lao động cao hiện nay là xây dựng, cầu đường, kiến trúc, cơ khí, công nghệ hóa, điện, điện tử viễn thông, khoa học vật liệu, công nghệ môi trường…

- Ngành Luật Thương mại đào tạo ở những trường ĐH công và tư nào tại TPHCM? Có hệ cao đẳng (CĐ) không? Điểm chuẩn ngành này gần đây có cao không?

Tú Anh (Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Cà Mau)

>> Ngành Luật Thương mại chỉ đào tạo tại các trường ĐH công lập và không có hệ CĐ. Tại TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM đào tạo ngành Luật Thương mại, điểm chuẩn năm 2010 là: 15 điểm (khối A, D1, D3), 17,5 điểm (khối C); Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế, điểm chuẩn năm 2010: 17,5 (khối A, D1); Trường ĐH Kinh tế TPHCM đào tạo chuyên ngành luật kinh doanh, điểm chuẩn năm 2010: 19. Như vậy, dựa trên sức học của mình, em nên lựa chọn trường dự thi phù hợp để có cơ hội trúng tuyển cao.

Ra trường, làm việc gì là phù hợp?

- Theo trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp được giới thiệu trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, em thuộc kiểu người xã hội (sẵn sàng giúp đỡ người khác…) nên em dự định thi ngành công tác xã hội. Em muốn tìm hiểu kỹ hơn về ngành này?

Nguyễn Công Tâm (Cà Mau)

>> Ngành công tác xã hội đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, có tinh thần phục vụ nhân dân, có tinh thần yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề nghiệp công tác xã hội. Đặc biệt là khả năng tư vấn với cá nhân và cộng đồng. Sinh viên ngành này có khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề xã hội và nâng cao năng lực con người. Có khả năng vận dụng kiến thức đã học vào việc nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm công tác cung ứng dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở và tổ chức xã hội (các cơ sở, cơ quan, tổ chức công và tư); làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, xã hội, văn hóa, môi trường…; làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến công tác xã hội.

- Ngành Công nghệ dệt may của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo những kiến thức gì và ra trường có thể làm việc ở đâu?

Nguyễn Khải Nhi (Trường THPT Nguyễn Việt Khái, Cà Mau)

>> Ngành Công nghệ dệt may đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu mặt hàng và điều hành tốt các dây chuyền sản xuất của ngành dệt may, gồm các ngành kéo sợi, dệt, nhuộm, may mặc, thiết kế thời trang. Khi ra trường, kỹ sư có khả năng công tác ở các công ty, xí nghiệp sản xuất để thiết kế các mặt hàng sản xuất ra thị trường; nghiên cứu khai thác công nghệ mới, mặt hàng mới; điều hành dây chuyền thiết bị công nghệ; quản lý công tác bảo trì thiết bị… Cũng có thể, khi tốt nghiệp làm việc tại các công ty kinh doanh thiết bị, nguyên vật liệu về ngành dệt may hoặc các viện, trung tâm nghiên cứu vật liệu và sản phẩm, các trường, cơ sở đào tạo và chuyển giao công nghệ ngành công nghệ dệt may.

- Em muốn học làm hướng dẫn du lịch thì thi khối nào? Ngành này có dễ trúng tuyển không?

Minh Tiến (Trường THPT Phan Ngọc Hiển, Cà Mau)

>> Tại Trường ĐH Cần Thơ có đào tạo ngành du lịch với chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, tuyển sinh khối C, D1; điểm chuẩn năm 2010 là 16 (khối C), 15 (khối D1). Điểm chuẩn này cũng không quá cao, em cân nhắc năng lực của mình và quyết tâm để thi thì sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển. Ngành này đào tạo hướng dẫn viên du lịch có kỹ năng chuyên môn hoạt động trên lĩnh vực du lịch, sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty du lịch, các tổ chức kinh tế; các cơ quan hành chính nhà nước quản lý ngành về du lịch...

Ngoài ra, nếu thích lĩnh vực du lịch, em có thể thi vào ngành du lịch Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM, tuyển sinh khối C, D1. Hoặc em có thể thi vào ngành quản trị kinh doanh với chuyên ngành quản trị du lịch với khối thi A, D1 (tại Trường ĐH Trà Vinh, ĐH Lạc Hồng...), khối A (tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM)... Chuyên ngành này đào tạo sinh viên có kiến thức nền tảng về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế du lịch, quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý du lịch nhà nước và các tổ chức đào tạo, nghiên cứu du lịch.

- Muốn học về lưu trữ thì thi vào trường ĐH nào? Ngành này tuyển sinh khối nào và đào tạo ra sao?

Văn Hùng (Trường THPT Chu Văn An, Cà Mau)

>> Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM hiện đang đào tạo ngành lưu trữ, quản trị văn phòng, tuyển sinh khối C, D1. Học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức và phương pháp làm việc về văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng cùng với một số môn học bổ trợ khác. Tốt nghiệp ngành này, có thể làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn thư, lưu trữ học ở các trường ĐH, CĐ, trung cấp; làm việc tại phòng lưu trữ các tỉnh thành, các cơ quan khoa học chuyên ngành…

Để khai hồ sơ không bị sai

- Nghe nói thí sinh hay khai nhầm mục 2 và mục 3 trong hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ, vậy khi làm hồ sơ em cần phải làm thế nào để không bị sai?

Thanh Thủy (Bạc Liêu)

>> Khi khai hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh cần đặc biệt lưu ý: Tại mục 2 của phiếu đăng ký dự thi, tất cả thí sinh có nguyện vọng 1 đăng ký vào học tại các trường có tổ chức thi tuyển sinh đều phải ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi, mã ngành của trường mà thí sinh sẽ dự thi và có nguyện vọng 1 vào học, mục 3 sẽ bỏ trống. Còn nếu thí sinh mong muốn học nguyện vọng 1 ở một trường ĐH, CĐ không tổ chức thi, sẽ ghi đầy đủ tên ngành, mã ngành, tên trường, mã trường muốn học ở mục 3; ở mục 2 chỉ cần ghi tên trường, mã trường cần “thi nhờ”. Lưu ý là trường mượn “thi nhờ” cũng phải có cùng khối thi.

- Theo em biết, nhiều ngành đạt điểm sàn là trúng tuyển, vậy điểm sàn và điểm chuẩn có gì khác nhau?

Hoàng Thị Bích Thủy (Trường THPT Đầm Dơi, Cà Mau)

>> Em cần phân biệt điểm thi là điểm mà thí sinh đạt được trong kỳ thi. Điểm thi này được ghi trên giấy báo điểm gửi cho từng thí sinh sau kỳ thi. Điểm sàn của khối thi là điểm do hội đồng xác định điểm sàn Bộ GD-ĐT họp thông qua sau mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ không được ấn định điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn của khối thi tương ứng đã được công bố. Điểm chuẩn trúng tuyển là điểm do hội đồng tuyển sinh của từng trường xác định cho từng ngành (hoặc nhóm ngành) trên cơ sở điểm thi của thí sinh, số lượng thí sinh dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều trường có số thí sinh dự thi ít cũng như điểm thi của các thí sinh khá thấp nên đã ấn định điểm chuẩn trúng tuyển bằng luôn điểm sàn để lấy đủ sinh viên vào đào tạo. Tuy nhiên, thông thường điểm chuẩn luôn cao hơn điểm sàn.

Ban tư vấn

Tin cùng chuyên mục