Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 đợt 2

Thí sinh vi phạm quy chế tăng

Hôm qua 9-7, hơn 633.000 thí sinh đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ 2. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đề thi các khối B, C, D và các khối năng khiếu dễ thở hơn so với đợt thi đầu tiên. Ngoài ra, với tính chất phức tạp của đợt thi này, tình trạng thí sinh vi phạm quy chế tuyển sinh cũng tăng vọt.
Thí sinh vi phạm quy chế tăng

Hôm qua 9-7, hơn 633.000 thí sinh đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ 2. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đề thi các khối B, C, D và các khối năng khiếu dễ thở hơn so với đợt thi đầu tiên. Ngoài ra, với tính chất phức tạp của đợt thi này, tình trạng thí sinh vi phạm quy chế tuyển sinh cũng tăng vọt.

Các thí sinh dự thi vào ĐH Y Dược TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Sinh. Ảnh: MAI HẢI
Các thí sinh dự thi vào ĐH Y Dược TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Sinh. Ảnh: MAI HẢI

Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ 2, báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cho thấy, tổng số thí sinh đến dự thi trên 633.000, đạt tỷ lệ trên 80% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.

Đây là đợt thi có nhiều môn thi tự luận, vì vậy số thí sinh vi phạm quy chế tuyển sinh cũng tăng vọt lên đến 107 thí sinh so với ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ nhất (60 thí sinh). Lỗi vi phạm chủ yếu do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi. Trong đó, thí sinh bị khiển trách 15, cảnh cáo 2, đình chỉ 90 (41 thí sinh mang điện thoại di động). Trong ngày thi đầu tiên của đợt thi đại học thứ 2 có 2 cán bộ coi thi bị cảnh cáo (ĐH Quốc gia TPHCM) và bị đình chỉ coi thi do sử dụng điện thoại đi động (ĐH Vinh).

Tại Hà Nội, công an điều tra một thí sinh dùng điện thoại di động. Ở giờ môn thi Văn, vào lúc 8 giờ 30, tại phòng thi số 26 tại Trường THPT Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội), thuộc Hội đồng thi của Viện ĐH Mở Hà Nội, sau 1 giờ làm bài, giám thị phát hiện một nữ thí sinh lúi húi, có nhiều biểu hiện không bình thường. Qua kiểm tra phát hiện thí sinh này cài điện thoại di động vào cạp quần, gắn cả tai nghe (thí sinh thực hiện các thao tác này tại phòng vệ sinh, trước giờ vào phòng thi). Để che mắt giám thị, thí sinh luồn dây qua áo ngắn và lấy tóc phủ kín. Thí sinh này bị lập biên bản, đình chỉ thi và giao cho lực lượng chức năng xử lý theo quy định.

Giám thị tại Hội đồng thi Trường ĐH Nông Lâm TPHCM kiểm tra phiếu báo danh thí sinh trước khi vào phòng thi. Ảnh: MAI HẢI
Giám thị tại Hội đồng thi Trường ĐH Nông Lâm TPHCM kiểm tra phiếu báo danh thí sinh trước khi vào phòng thi. Ảnh: MAI HẢI

Theo Trung tá Lê Hùng, Đội trưởng Đội An ninh giáo dục Phòng PA 83 Công an TP Hà Nội, thí sinh này tên là Đ.T.P. (Đông Anh, Hà Nội), dùng điện thoại để nhắn tin cho em trai là Đ.V.H. nhờ giải giúp câu số 3, đề Văn khối D. Công an Hà Nội đã xác định, đây không phải là đường dây có tổ chức mà chỉ xuất phát từ quan hệ cá nhân; đề thi chưa bị phát tán ra bên ngoài. Do đó, Đ.T.P. và Đ.V.H. đã được cơ quan công an cho về nhà.

Trong khi đó, tại cụm thi TPHCM, kết thúc ngày thi hôm qua nhiều hội đồng cũng đã phát hiện và đình chỉ nhiều thí sinh mang điện thoại di động, tài liệu vào phòng thi. Ngoài ra, tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, một thí sinh báo bị mất giấy báo thi và mang phiếu số 2 đến đề nghị trường cấp lại giấy báo thi. Qua xác minh, trường phát hiện đây là phiếu giả. Tuy nhiên, thí sinh này ngay lập tức đã bỏ chạy…

Nhận xét đề

Đề Sinh: Chỉ 10% câu hỏi dành cho thí sinh trung bình

Đề thi năm nay có đến 90% số câu dành cho học sinh khá giỏi và chỉ 10% câu dành cho học sinh trung bình. Một số câu lý thuyết có vẻ như đơn giản nhưng cách đặt vấn đề hay nên chỉ những học sinh có suy luận mới có khả năng làm đúng. Lấy mã đề 357 làm ví dụ, câu 19 cho một tỷ lệ của thể đồng hợp lặn của quần thể P, sau đó cho tỷ lệ đồng hợp lặn ở F1 do ngẫu phối nên học sinh dễ nhầm tần số alen ở P theo cách tính quần thể cân bằng.

Câu 24 có phần chọn đáp án cho tần số kiểu gen Aa đều giống nhau ở cả A, B, C, D buộc học sinh phải tính thêm một bước mới chọn đúng đáp án. Một số bài toán đòi hỏi trong quá trình học tập phải được thầy cô rèn luyện kỹ năng mới có phương hướng tính đúng và nhanh. Đặc biệt, phần dẫn khi câu hỏi khá dài nên học sinh khó khăn khi vừa tập trung đọc đề vừa viết các dữ kiện ra giấy và thao tác bấm máy tính để giải toán chính xác. Nhìn chung đề thi phân hóa học sinh theo trình độ tăng dần từ thấp đến cao chứ không phân hẳn nhóm điểm rất thấp và nhóm điểm rất cao. Khó có học sinh đạt điểm 10.

GV Đỗ Thành Triết
(Trường THPT Vĩnh Viễn)

Đề Văn: Khối D khó hơn khối C

Điều thú vị là đề thi Văn khối D năm nay “lội ngược dòng” quy định khó hơn cả đề văn khối C. Câu I theo cấu trúc đề thi là kiểm tra kiến thức nhưng thực chất lại yêu cầu thí sinh phải thao tác phân tích và cảm thụ. So với câu I khối C thì khó hơn nhiều. Ở câu II là kiểu đề không khó, nhưng để giải thích bình luận và làm nổi bật luận đề thì hơi “khó nuốt” với thí sinh khối D. Phần lớn các em chỉ nói được vế sau “trước hết hãy là người có ích”, còn vế đầu sẽ có nhiều thí sinh trình bày lủng củng, rời rạc, các em chủ yếu chỉ lấy được 1/3 số điểm của câu này.

Ở phần nghị luận văn học, câu III.a chỉ dành cho những thí sinh có tâm hồn nhạy cảm, có khả năng cảm thụ sâu sắc và thực sự yêu văn chương. Để hiểu được nét “trữ tình đượm buồn” vừa là một phong cách nghệ thuật, vừa là nội dung, hoàn cảnh đời sống của con người phố huyện trong thiên truyện, quả thật không dễ dàng. Câu III.b khá dễ vì kiểu đề thế này học sinh thi tốt nghiệp THPT cũng đã thực hiện được điểm cao rồi. Đề thi khối D năm nay hay, có độ khó vừa phải, có tính phân loại hợp lý, phù hợp với một kỳ tuyển sinh đại học.

Đề Văn khối C: Chỉ ở tầm kiểm tra học kỳ

Đề thi khối C năm nay dễ, thậm chí còn dễ hơn đề thi khối D. Câu I và câu II hoàn toàn không khó đối với thí sinh học ban C, đều là những câu quen thuộc. Ở câu III.a (5 điểm) dành cho chương trình nâng cao, trọng tâm của câu hỏi là “cảnh cho chữ” nhưng đề thêm từ “tình huống truyện” khiến nhiều thí sinh bối rối. Đây là đề không đánh đố, nhưng chỉ dành cho thí sinh thông minh và bình tĩnh. Câu III.b (5 điểm) dành cho chương trình chuẩn, đây là câu đã ra năm 2005.

Thế nhưng, năm nay chỉ là một đoạn trong phần thơ Đất Nước, chỉ ở tầm thi kiểm tra học kỳ. Vì vậy, thí sinh sẽ dễ dàng có điểm ở câu này. Tính phân loại của đề thi năm nay không nằm ở mức độ khó và dễ mà là cần thí sinh học hết chương trình lớp 11 và 12 một cách chu đáo hay không. Tóm lại, đề thi không lạ, nhưng vẫn đảm bảo được sự phân hóa và đó chính là sự độc đáo của đề thi năm nay.

GV Lý Tú Anh, Phan Thị Thanh
(TT Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn - TPHCM)

Đề Toán: Vừa sức

Ở khối B, đề Toán năm nay dễ hơn so với năm 2010, kiến thức chủ yếu tập trung 80% trong chương trình lớp 12, phần còn lại thuộc về chương trình lớp 11 và lớp 10. Câu khó nhất là câu 5 tuy “dễ thở” hơn năm trước nhưng cũng chỉ dành cho những thí sinh giỏi mới làm được câu này. Đề thi Toán khá hay, phù hợp với kỳ thi tuyển sinh vì vừa kiểm tra được kiến thức, kỹ năng căn bản của chương trình phổ thông vừa có những bài toán dạng lạ để phân loại trình độ thí sinh, chẳn hạn như 2 câu hình học phẳng nằm trong chương trình, nhưng là dạng toán lạ chỉ dành cho học sinh khá giỏi.

Năm nay, Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh trong việc ra đề toán khối D phù hợp hơn so với các năm trước, tức là dễ hơn so với toán khối A và B. Năm nay, đề không có nhiều câu quá khó, phù hợp hơn với yêu cầu đánh giá trình độ của thí sinh khối D.

TS Nguyễn Phú Vinh
(Trưởng khoa Khoa học cơ bản Trường ĐH Công nghiệp TPHCM)

Đề Sử: Nói không với học vẹt

Đề Sử năm nay thuộc mức khó, nếu như đề các năm trước chỉ từ 1-2 câu yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức, suy luận để giải quyết yêu cầu, đề năm nay hầu hết cả 4 câu đều yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng. Ngay câu đầu tiên, đề ra ở chương trình lớp 11 khiến đa phần thí sinh bất ngờ, lúng túng và dễ mất bình tĩnh làm bài. Ở câu này, nếu không hiểu rõ yêu cầu của đề thì dễ bị lạc đề vì chọn sai mốc thời gian. Các câu còn lại cũng yêu cầu thí sinh không chỉ học thuộc lòng mà còn phải biết vận dụng, suy luận để so sánh 2 vế.

Câu số 3 là câu hay nhưng lại mang tính đánh đố, thí sinh rất dễ mắc bẫy, nếu chọn sai sự kiện ở yêu cầu đầu tiên sẽ kéo theo trình bày sai về ý nghĩa của sự kiện đó. Đề thi Sử năm nay cho thấy sự thay đổi rõ nét trong cách ra đề thi tuyển sinh đại học là tránh việc học tủ, học vẹt, đòi hỏi thí sinh phải hiểu và vận dụng được kiến thức. Tuy nhiên, “sạn” duy nhất của đề năm nay nằm ở câu 4b khi người ra đề chọn một vấn đề không hay, không thuộc trọng tâm quan trọng của chương trình lịch sử.

GV Đoàn Văn Đạo
(TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn)

Bên lề

Nhân viên bán hàng đa cấp chèo kéo thí sinh

Trong đợt thi thứ nhất và trong ngày thi hôm qua, tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có rất nhiều nam, nữ nhân viên bán hàng đa cấp đã trà trộn vào trường để lôi kéo thí sinh, phụ huynh trong giờ nghỉ. Chiêu thức của những nhân viên này là hỏi thăm, làm quen, xin số điện thoại và nói rằng “khi nào có kết quả tụi mình sẽ báo cho bạn biết”. Thậm chí, nhiều nhân viên còn rất tử tế khi mời thí sinh, phụ huynh đi ăn cơm và xin địa chỉ, số điện thoại nhà ở quê để liên lạc. Sau khi biết chuyện, nhà trường đã cho sinh viên tình nguyện mời những đối tượng này ra ngoài.

Huế: Cơm chay miễn phí đắt hàng

Trưa 9-7, kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều phụ huynh và thí sinh nghèo tìm đến các điểm Tiếp sức mùa thi 2011 phục vụ cơm chay miễn phí do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế và Phân ban Hướng dẫn gia đình phật tử Thừa Thiên - Huế thực hiện để ghi phiếu ăn nhận cơm. 4.000 phiếu ăn phục vụ bữa trưa và chiều 9-7 đã phát hết nên các tình nguyện viên đành phải báo về trung tâm là đã “cháy” phiếu ăn và ban tổ chức cấp thêm trên 2.500 suất ăn.

Bán thóc cho con đi thi

Sáng 9-7, Hà Văn Tài, sinh năm 1993 tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, dù đang phải làm phẫu thuật, điều trị chân trái sau một vụ tai nạn giao thông vẫn tự tin ngồi xe lăn để ông Hà Văn Tám (bố Tài) đẩy vào trường ứng thí cùng hàng ngàn thí sinh thi vào Trường ĐH Y Dược Huế. Trước đó, trong lần đi lấy giấy báo dự thi, Tài bị ô tô tải chở nước tông gãy chân. Được biết, để có tiền cho con đi thi vào Học viện Hậu cần và ĐH Y Dược Huế, gia đình đã phải bán một tấn thóc vừa thu hoạch để hai cha con cùng “lai kinh”.

Vẫn xuất hiện phao thi

Tại điểm thi Trường THPT Tam Phú (Thủ Đức) một thí sinh còn kéo áo khoe tài liệu lớn có, nhỏ có được dắt đầy trong túi quần, cạp quần. Thí sinh này cho biết, đem theo phòng hờ, nếu giám thị dễ dãi thì sẽ mở tài liệu để chép. Tài liệu được thí sinh này chia theo từng phần để vào phòng thi cho dễ kiếm. Tại một số điểm thi môn Sử, vẫn có một số thí sinh đem tài liệu trong người và sau khi thi xong vừa ra đến cổng những thí sinh này rút tài liệu vứt đi.

Nhảy lò cò đi thi

Sau giờ thi môn Văn vào sáng 9-7, tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế Luật, thí sinh Nguyễn Duy Hiếu (SBD 05911 phòng thi 0006) nhảy lò cò từ phòng thi ra cổng. Hiếu cho biết, hôm trước em bị tai nạn giao thông, sau khi được băng bó Hiếu vẫn cố gắng để tham gia đợt thi này. Do đi nạng không quen, lại hoàn thành bài thi sớm nên không có người đưa ra ngoài, Hiếu đành chọn giải pháp nhảy lò cò ra cổng. Rất may các giám thị hành lang tại điểm thi này đã tới dìu thí sinh này ra ngoài cổng.

Xuất hiện tin nhắn dọa thí sinh

Trong đợt thi thứ hai, trước khi vào phòng thi, nhiều thí sinh ở cụm thi Cần Thơ bị phân tâm khi nhận được tin nhắn lừa đảo, lợi dụng tâm lý của thí sinh để làm lợi. Nội dung của tin nhắn cho rằng “Có một lời nguyền may mắn của một pháp sư tạo ra. Ai nhận được tin nhắn, chỉ cần gửi cho bao nhiêu người khác thì sẽ đạt được số điểm tương đương và ai không gửi sẽ được 0 điểm”. Không những vậy, tin nhắn trên còn khuyến cáo các thí sinh: “Nên gửi cho ít nhất 30 người. Những ai sửa tin nhắn này hay không gửi, 4 ngày nữa sẽ chắc chắn rớt đại học”. Rất nhiều thí sinh vì tâm lý đè nặng đã “sập bẫy” tin nhắn trên với số tiền bị lừa đảo hàng trăm ngàn đồng.

Bị liệt hai chân vẫn tự bò lên phòng thi

Ngoài trường hợp thí sinh Nguyễn Phạm Song Toàn được bố trí riêng một phòng thi và có giám thị chép bài thi hộ vì bị tai nạn không thể tự viết bài, ở ngày thi thứ nhất, Hội đồng thi Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cũng có một thí sinh khá đặc biệt là em Trần Thị Trinh (SN 1992, quê Kiên Giang) thi tại điểm thi Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (quận Ninh Kiều). Trinh bị khuyết tật cả hai chân, do phòng thi của em nằm trên lầu 3, nên việc leo lên phòng thi của em rất khó khăn. Nhiều giám thị tại điểm thi trên muốn cõng em lên phòng thi nhưng Trinh nhất quyết không chịu, em tự dùng chiếc ghế nhựa tự nâng mình bò lên đến tầng 3.

Xử lý 4 đối tượng chuyên móc túi của thí sinh

Ngày 9-7, Công an quận Cầu Giấy đã mật phục và bắt quả tang 4 đối tượng ở Hà Nội chuyên trộm cắp, móc túi thí sinh đi thi ĐH tại các điểm xe buýt dừng đón trả khách ở khu vực Cầu Giấy. 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Nam (36 tuổi, ở huyện Đan Phượng), Đoàn Mạnh Long (34 tuổi, ở huyện Hoài Đức), Nguyễn Tuấn Sơn (37 tuổi, quận Đống Đa) và Đào Thanh Tùng (40 tuổi, quận Ba Đình). Công an đã thu giữ tang vật gồm 4 điện thoại di động các loại.

Hơn 437 triệu đồng giúp gia đình 2 giáo viên bị tai nạn giao thông khi đi coi thi

Chiều 9-7, thầy Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, ngay sau khi 2 giáo viên là Hoàng Tấn Đàn (SN 1978, ở tổ 9, thị trấn Cẩm Xuyên) và Hoàng Hữu Hùng (SN 1980 ở xã Cẩm Huy), đều là giáo viên Trường THCS Sơn Hà, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bị tai nạn giao thông tử vong trên đường đi coi thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011 vào chiều 1-6 (Báo SGGP đưa tin ngày 2-6). Ngành GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi cán bộ, công chức trong toàn ngành quyên góp được tổng số tiền hơn 437 triệu đồng để hỗ trợ trước mắt cho gia đình 2 thầy.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã gửi hỗ trợ số tiền 6 triệu đồng. Được biết, gia đình của 2 thầy hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, riêng gia đình thầy Hoàng Tấn Đàn còn có mẹ già, 2 con nhỏ, cháu lớn học lớp 2, cháu nhỏ mới 2 tuổi bị ung thư máu đang điều trị tại bệnh viện.

Nhóm phóng viên

>> Đợt 2, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Buổi chiều 9-7, có 74 thí sinh bị đình chỉ thi

Tin cùng chuyên mục