Thị trường âm nhạc Mỹ: Kẻ thắng, người bại

Theo số liệu của ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ vừa được tiết lộ, chỉ riêng nửa đầu năm 2015 tại thị trường Mỹ, doanh số bán CD đã sụt giảm đến 31,5%. Con số này cho thấy xu hướng thưởng thức âm nhạc của người tiêu dùng đã có những dịch chuyển đáng kể.
Thị trường âm nhạc Mỹ: Kẻ thắng, người bại

Theo số liệu của ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ vừa được tiết lộ, chỉ riêng nửa đầu năm 2015 tại thị trường Mỹ, doanh số bán CD đã sụt giảm đến 31,5%. Con số này cho thấy xu hướng thưởng thức âm nhạc của người tiêu dùng đã có những dịch chuyển đáng kể.
 
Theo đó, chỉ có 41 triệu bản CD đã được bán ra trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6-2015. Cùng kỳ năm 2014, con số này là 56,8 triệu đĩa. Sự sụt giảm này là điều đã được các chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc dự báo từ trước. Mặc dù vậy, khi được công bố, nó vẫn khiến nhiều người cảm thấy sốc. Trong nửa đầu năm 2015, album bán chạy nhất trên thị trường là 1989 của công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift với hơn 1,3 triệu bản. Nếu tính từ thời điểm phát hành là tháng 10-2014 đến nay, album này đã tiêu thụ hơn 5,2 triệu bản. Đứng thứ hai trong danh sách là ngôi sao hip-hop người Canada - Drake với 965.000 bản đã tiêu thụ cho album thứ 4 If You’re Reading This It’s Too Late. Trong tốp 10 nghệ sĩ có album bán chạy nhất nửa đầu 2015 còn có những cái tên: Sam Smith, Ed Sheeran, đĩa nhạc phim Fifty Shades of Grey.... 

Taylor Swift - nghệ sĩ hiếm hoi có những thành công kỷ lục về doanh số bán lẻ đĩa CD

Những tổn thất nói trên lại được bù đắp bằng sự tăng trưởng về doanh thu của các dịch vụ âm nhạc trực tuyến, với mức tăng 23% và đạt doanh thu hơn 1,03 tỷ USD so với con số 834 triệu USD của nửa đầu năm 2014. Dịch vụ âm nhạc trực tuyến hiện tại đóng góp 33% (năm 2014 là 26%) trong tổng số doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ. Một điều đáng nói là số thuê bao trả tiền để sử dụng dịch vụ theo yêu cầu tăng thêm 25%, đạt mức 478 triệu USD. Tính chung trong nửa đầu 2015, tổng doanh thu tại thị trường bán lẻ Mỹ giảm 0,5% và đạt mức 3,17 tỷ USD. Trong khi đó, ở thị trường bán sỉ, tăng 0,8% đạt mức 2,3 tỷ USD.

Một chỉ số tăng trưởng cũng mang đến những tín hiệu lạc quan cho ngành công nghiệp âm nhạc đó là đĩa than (vinyl). Sự hồi sinh của dòng đĩa này cho thấy xu hướng nghe nhạc của người tiêu dùng ngày càng đi vào chiều sâu khi họ chấp nhận bỏ ra số tiền lớn cho những sản phẩm âm nhạc. Cụ thể, doanh số bán đĩa than đã tăng đến 52% đạt mức 221,8 triệu USD, bằng gần một nửa so với doanh thu từ CD. Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA), số lượng bán ra đĩa than vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với CD truyền thống, bởi cứ 10 CD bán ra mới có 1 đĩa than được bán. Chủ tịch RIAA - Cary Sherman nói rằng, toàn bộ những số liệu nói trên đã chỉ ra “câu chuyện của doanh nghiệp đang trải qua quá trình chuyển đổi rất lớn”. Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng “nhu cầu mãnh liệt và sự tăng trưởng lên mức hàng tỷ USD của thị trường âm nhạc trực tuyến không phải lúc nào cũng tạo ra một sân chơi công bằng”. Những lý lẽ của ông Cary hoàn toàn có căn cứ bởi 2015 là năm chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường âm nhạc trực tuyến với sự ra đời của Apple Music, Tidal của Jay Z hay màn “nhập cảnh” của Amazon trong nỗ lực cạnh tranh với những cái tên đã có thương hiệu: Spotify, Rhapsody, Rdio, Deezer và Google Music.

Trong cuộc đối đầu với các dịch vụ âm nhạc trực tuyến, đối thủ xứng tầm nhất vẫn là hình thức tải kỹ thuật số. Dù có mức giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014 thì dịch vụ này vẫn đạt doanh thu tổng là 1,3 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị của các album kỹ thuật số đạt 572 triệu USD, tăng 4%; doanh thu từ các bản thu kỹ thuật số giảm 9% xuống mức 688 triệu USD.  

Từ số liệu của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ, có thể thấy xu hướng âm nhạc trong nửa đầu năm 2015 đã phản ánh rất rõ tình hình phát triển thị trường. Mặc dù đang chiếm tỷ lệ cao nhất (40%) nhưng các dịch vụ tải và nghe nhạc trực tuyến đang bị đe dọa soán ngôi bởi các dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Trong khi đó, sự sụt giảm của doanh thu từ việc bán CD là xu thế tất yếu. Minh chứng rõ nhất đó là trong năm 2014 chỉ có 2 album giành giải đĩa bạch kim (bán ra doanh số từ 1 triệu bản trở lên) là 1989 của Taylor Swift và In the Lonely Hour của Sam Smith. Con số này sụt giảm đáng kể so với 5 album đĩa bạch kim của năm 2013. Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp dự báo, sau 1989, liệu còn có album nào xác lập được những kỷ lục ấn tượng như trên. Nhiều khả năng danh hiệu đĩa bạch kim năm 2015 sẽ bị bỏ ngỏ. Sự suy thoái của thị trường băng đĩa nhạc trong cuộc cạnh tranh nói trên khiến các ca sĩ ngày càng khó có cơ hội giành được danh hiệu đĩa bạch kim. Điều đó cho thấy mức “báo động đỏ” cho thị trường bán lẻ đĩa CD ngày càng ở mức nghiêm trọng hơn.

NGUYỄN VĂN

Tin cùng chuyên mục