Thị trường âm nhạc - những xáo trộn

Trong mấy năm gần đây, số đông khán giả yêu nhạc đều có chung một cảm nhận: thị trường âm nhạc phát triển ngày càng rối như tơ vò. Bảo rằng “thị trường âm nhạc đang bão hòa” chỉ là một cách nói chung chung.

Xét ở nhiều góc độ sẽ thấy “bệnh” chạy theo trào lưu của ca sĩ, nhạc sĩ trẻ trong việc chọn phong cách, dòng nhạc biểu diễn, sáng tác ca khúc… đã khiến các dòng nhạc phát triển lệch nhau, làm xáo trộn thị trường âm nhạc, kéo theo sự thay đổi “khẩu vị”, mất định hướng trong thưởng thức nghệ thuật của khán giả…

Không ai phủ nhận sự trường tồn của dòng nhạc cách mạng hào hùng, dòng nhạc oanh liệt này vẫn đang sống với hơi thở của đất nước, luôn hiện diện trong các dịp lễ, hội, các sự kiện chính trị… Cũng không ai khẳng định dòng nhạc dân ca thiếu sức sống dù ít khán giả yêu thích, quan tâm.

Thời gian qua, có lúc tại TPHCM và Hà Nội rộ lên trào lưu sáng tác, biểu diễn nhạc dân gian đương đại. Đó là sự kết hợp giữa các nhạc cụ điện tử và nhạc cụ dân tộc truyền thống, sử dụng và làm mới các chất liệu dân gian qua phần hòa âm, xây dựng tiết tấu, khúc thức… Tuy nhiên, trào lưu này cũng chỉ cuộn ào lên như một đợt sóng lớn rồi qua thời, giờ tồn tại như sóng nhỏ lăn tăn…

Có một sự trái ngược nữa, trong các chương trình ca nhạc ở hải ngoại, ngoài sự tôn vinh những tình khúc vượt thời gian thì những ca khúc đậm chất dân ca luôn có chỗ đứng quan trọng trong lòng người Việt xa quê hương. Trong khi đó tại Việt Nam, các nhạc sĩ và cả ca sĩ vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế, ưu thế từ các chất liệu dân ca để làm mới dòng nhạc đã được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ.

Riêng những dòng nhạc du nhập từ nước ngoài như rap, hiphop, dance… sau một thời gian tung hoành, bành trướng trên thị trường âm nhạc thì đến nay cũng phải chịu “lép vế” trước xu hướng thưởng thức âm nhạc theo trào lưu mới: nhạc xưa, nhạc teen và nhạc trẻ.

Đặc biệt, ngay trong thời điểm này, nhạc xưa đang tạo sức ép không nhỏ lên sự phát triển chung của thị trường âm nhạc, lấn át mạnh mẽ sự phát triển còn yếu về nội lực của dòng nhạc trẻ và nhạc dành cho lứa tuổi teen…

Chính ca sĩ và cả các bầu show đã góp phần tạo nên một khuynh hướng thưởng thức cho khán giả. Nhiều ca sĩ hát dòng nhạc đậm chất hoài niệm này trong các chương trình truyền hình, trên các sân khấu ca nhạc, phòng trà, phát hành album... trong đó có các ca sĩ tên tuổi như: Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Phương Thanh, Đan Trường, Hiền Thục, Thanh Thảo, Thanh Thúy, Đức Tuấn, Xuân Phú, Quang Hà, Cao Thái Sơn, Thụy Long…

 Danh sách hãy còn khá dài vì xu hướng “ca sĩ chạy theo trào lưu” vẫn luôn hiện diện trong hoạt động và sự phát triển của thị trường âm nhạc. Tuy nhiên, không phải ca sĩ nào chọn ngã rẽ mới, phá cách mới… đều thành công! Mỗi ca sĩ đều có một tố chất, thế mạnh riêng theo từng dòng nhạc nhất định, vì thế nên phát huy đúng sở trường, giọng hát của mình là hơn hết.

Còn việc chạy theo trào lưu chưa chắc làm ca sĩ nổi danh hơn mà có khi lại tạo hiệu ứng ngược. Mặt khác, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đơn vị âm nhạc cần có những chương trình, tiết mục hướng dẫn thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, định hướng trào lưu và giữ nhịp cho sự phát triển thị trường âm nhạc.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục