Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Hình thành giá bán hợp lý hơn

Từ năm 2016, khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) chính thức hình thành sẽ tạo bước phát triển mới cho các đối tượng tham gia thị trường và giá điện cũng dần hợp lý hơn.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Hình thành giá bán hợp lý hơn

Từ năm 2016, khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) chính thức hình thành sẽ tạo bước phát triển mới cho các đối tượng tham gia thị trường và giá điện cũng dần hợp lý hơn.

Các nhà máy điện đều được tham gia thị trường điện cạnh tranh sẽ giúp giảm giá điện. Ảnh: CAO THĂNG

Mở rộng đối tượng tham gia

Thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 1-7-2012. Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương, qua gần 3 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện, tăng tính minh bạch trong huy động các nguồn điện, tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả. Từ đó, tạo tín hiệu cho thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đầu tư từ nước ngoài. Các kết quả đạt được của thị trường phát điện cạnh tranh cũng như các kiến thức, bài học bổ ích để từng bước hoàn thiện, tạo tiền đề cho việc phát triển lên thị trường bán buôn cạnh tranh.

 

Theo lộ trình, thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Phát điện cạnh tranh (2005 - 2014), bán buôn cạnh tranh (2015 - 2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Hiện Việt Nam ở bước cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh và sắp sang giai đoạn bán buôn cạnh tranh.

 

Thực hiện lộ trình đã được phê duyệt, dự kiến từ năm 2016, khi VWEM hình thành sẽ tạo bước phát triển mở rộng cho các đối tượng tham gia thị trường điện so với thị trường phát điện cạnh tranh hiện tại. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh hiện chỉ có 1 đơn vị mua buôn duy nhất là EVN, do đó để bảo đảm tính cạnh tranh cao hơn, VWEM sẽ mở rộng hơn các đối tượng này. Theo đó, trước mắt sẽ có 5 tổng công ty điện lực trực tiếp mua điện và bán cho các khách hàng. Việc có nhiều bên bán, bên mua, sẽ tăng tính cạnh tranh và làm giảm giá. Về lâu dài, khi thị trường điện phát triển lên các cấp độ cao hơn, khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhiều nhà cung cấp điện và được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện. “Nếu trong thị trường phát điện cạnh tranh mới có trên 50% số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường thì sang thị trường bán buôn dự kiến sẽ bao gồm hầu hết các đơn vị phát điện sẽ tham gia chào giá trên thị trường. Đặc biệt, tất cả tổng công ty điện lực và các khách hàng lớn đủ điều kiện sẽ có cơ hội tham gia thị trường điện bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Về lâu dài, khi thị trường điện được phát triển lên các cấp độ cao hơn, số lượng các khách hàng tiêu thụ điện có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện sẽ tăng dần lên theo thời gian, tài chính các khâu trong ngành điện được cải thiện, giá điện hình thành hợp lý dựa trên quy luật cung cầu khách quan, chất lượng cung cấp điện được tăng lên. Từ đó, việc sử dụng điện sẽ hiệu quả hơn và khách hàng sử dụng điện sẽ được hưởng lợi ích khác từ thị trường điện cạnh tranh.

Tách bạch cơ chế hoạt động

Theo dự thảo báo cáo thiết kế chi tiết, VWEM sẽ tạo bước phát triển mở rộng cho thị trường phát điện cạnh tranh hiện tại. Tuy nhiên, cũng đặt ra một số các vấn đề như vai trò, chức năng của các đơn vị thành viên thị trường điện. Đặc biệt, đối với 5 tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh; cơ chế hợp đồng song phương giữa các tổng công ty điện lực và đơn vị phát điện nhằm quản lý, giảm thiểu rủi ro về biến động giá trên thị trường giao ngay; cơ chế xử lý, chuyển đổi các hợp đồng chênh lệch giá - CFD hiện có sang VWEM và các cơ chế vận hành thị trường giao ngay; cơ chế chào giá cho các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và BOT; cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường cạnh tranh bán buôn...

Trong khi đó, Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị tư vấn đánh giá, hạn chế lớn nhất hiện nay của các đơn vị để tham gia VWEM chính là năng lực của cán bộ, công nhân viên. Đây là yếu tố rất quan trọng cho sự thành công của thị trường điện cũng như các đơn vị phát điện khi tham gia VWEM. Do đó, để có thể từng bước chính thức vận hành VWEM, cục sẽ xây dựng đề án phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho các đơn vị tham gia; đồng thời xây dựng thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh; xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ điện cạnh tranh, đồng thời hoàn chỉnh quy định về thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh…

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long, ngoài yếu tố con người, đến nay, VWEM vẫn chưa hoàn toàn phát triển và phát điện cạnh tranh sẽ tồn tại suốt trong quá trình phát triển các cấp độ khác. Do vậy, trong thời gian tới, cần làm rõ cơ chế hoạt động của 3 tổng công ty phát điện và các công ty này sẽ chào giá theo từng nhà máy cụ thể khi tham gia VWEM.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục