Theo lộ trình, đến năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn, tạo nên sân chơi hấp dẫn giữa các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước; đồng thời, người tiêu dùng cũng được thụ hưởng những dịch vụ hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, để có thể “sống chung” với những tập đoàn phân phối bán lẻ khổng lồ nước ngoài, các DN bán lẻ trong nước cần nỗ lực hơn cũng như sự tiếp sức tích cực từ phía nhà nước.
Thắng lợi trên “sân khách”
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trong đó các tập đoàn nước ngoài chiếm 40%, khoảng 125 trung tâm thương mại. Riêng trung tâm thương mại, các tập đoàn nước ngoài chiếm 25%.
Trên thực tế, khi mới chân ướt chân ráo bước vào đầu tư tại thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ nước ngoài chưa chủ động được vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam chính thức tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nhà bán lẻ nước ngoài đã đưa nhiều mặt hàng nguyên liệu từ Việt Nam vào trong chuỗi siêu thị. Hiện nay, các cơ sở phân phối của DN có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt Nam tương đối cao, lên đến 85%-90%. “Chúng tôi khẳng định rằng, các DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều xác định nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu ở thị trường trong nước. Bởi theo quy luật, họ bắt buộc tận dụng cơ hội cũng như giá trị hiện tại tại thị trường đầu tư chứ không thể nhập hàng từ nước ngoài vào dẫn đến chi phí sẽ rất lớn. Ví dụ, Metro, Lotte… đều có thể xác định là hàng liên doanh nhưng sản xuất tại Việt Nam” - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Nguyên Năm cho biết. Ngoài việc tận dụng tốt vùng nguyên liệu tại nước đầu tư, cũng phải thừa nhận các nhà phân phối, tập đoàn có mặt ở Việt Nam tương đối mạnh, bởi đã được hình thành hàng chục năm, thậm chí có tập đoàn được hình thành gần một trăm năm. Do vậy, tiềm lực tài chính, nguồn lực con người của họ rất tốt. Ngoài kinh nghiệm, các nhà bán lẻ nước ngoài còn chuyên nghiệp về quản lý, chuyên môn, văn hóa ứng xử bán hàng... đã giúp họ thành công ngay trên sân khách tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trần Nguyên Năm, xét về tương quan lực lượng giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài tương đối cao. Tiềm năng thị trường của Việt Nam còn rất lớn, do vậy thời điểm từ nay đến năm 2015, nếu các DN trong nước cố gắng thêm để đẩy mạnh hệ thống bán lẻ của Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, để DN trong nước có thể cạnh tranh tốt và vươn lên, các bộ, ngành trung ương phải phối hợp nhịp nhàng như cập nhật thực tế, kịp thời sửa đổi chính sách phù hợp. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu để có chính sách tích cực hơn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các nhà bán lẻ trong nước có thể cạnh tranh, đồng hành cùng các tập đoàn nước ngoài. Trước mắt, về phía DN, cần học hỏi kinh nghiệm của các nhà bán lẻ nước ngoài về công tác quản lý, chuyên môn, văn hóa ứng xử bán hàng...
Tạo sự liên kết, nâng sức cạnh tranh
Theo ông Trần Nguyên Năm, trong 5 năm hội nhập, đến thời điểm này các DN, tập đoàn phân phối bán lẻ Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đạt được đỉnh cao. Trong thời gian tới, các tập đoàn ở Việt Nam, có thể 10 tập đoàn vươn lên mạnh mẽ, cùng bắt tay nhau hoặc đưa ra chiến lược tổng thể thị trường Việt Nam. Như vậy, DN Việt Nam mới có thể cạnh tranh với DN, tập đoàn phân phối nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hiện nay, mặc dù không có chính sách cụ thể ưu đãi các DN bán lẻ nước ngoài nhưng ở một số địa phương vẫn tạo cơ chế ưu ái. Đơn cử, về vấn đề mặt bằng, các DN nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở tỉnh nhưng không được giải quyết, trong khi vị trí đó đã rơi vào tay DN nước ngoài. Chưa kể, mặt bằng cho Logistic thiếu và khi liên doanh về các tỉnh, thành phố xin quỹ đất xây dựng kho bãi cũng rất khó khăn. Điều này càng khiến sức cạnh tranh của các DN nội thêm đuối sức. Trước thực tế này, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã kiến nghị nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất để phục vụ bán lẻ. Đơn cử, đối với 2 đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, ở các công trình công cộng đề nghị cho các DN bán lẻ Việt Nam tham gia sử dụng có hiệu quả quỹ mặt bằng ở các tuyến metro, điểm bán lẻ dưới lòng đất để phát triển. “Ngoài ra, để nâng sức cạnh tranh cho DN trong nước, thời gian qua, hiệp hội đã cùng các thành viên tham gia xây dựng chính sách và các văn bản pháp luật; chăm lo nâng cao năng lực đội ngũ. Đây là điều chúng tôi lo lắng. Bởi thực tế, nhiều DN mới chỉ đầu tư nguồn nhân lực bán hàng, kinh doanh trực tiếp mà thực tế thì cần đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho ngành bán lẻ. Chúng tôi cũng đang cố gắng liên kết giữa các thành viên hiệp hội, nhà sản xuất và hội bảo vệ người tiêu dùng để lấy ý kiến đóng góp cho phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế”- bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái Phạm Quốc Mạnh, việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết của WTO là không thể “cưỡng” lại. Bảo hộ DN trong nước là quá khứ, việc mở cửa chỉ còn thời gian ngắn. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN nâng tầm quản lý, học hỏi công nghệ, kinh nghiệm. “Hiện Phú Thái đã chuẩn bị tích cực nâng cao nguồn lực quản lý, tái cơ cấu vào nguồn lực cốt lõi. Khi cơ chế mở ra, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với DN nước ngoài, nhưng hợp tác như thế nào, đến đâu, lĩnh vực gì, cần phải tính toán kỹ”, ông Phạm Quốc Mạnh cho biết.
THẢO TIÊN - BÁCH VIỆT