Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, bao giờ?

Thời gian gần đây, giá một số mặt hàng như xăng dầu, gas… liên tục giảm, dù chỉ ở mức khiêm tốn, song cũng đủ làm người tiêu dùng ấm lòng lại. Đặc biệt, trong tình cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân càng mong nhận được nhiều chia sẻ từ phía doanh nghiệp. Trong khi đó, thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện lại một lần nữa gây xôn xao dư luận và khiến người dân bất bình. Bởi lẽ, từ trước tới nay người tiêu dùng chưa bao giờ đón nhận được một thông tin nào “sáng sủa” từ phía ngành điện ngoài việc đến hẹn lại lên, liên tục đòi tăng giá!  

Lần này, lý do EVN đề xuất xem xét điều chỉnh tăng giá điện là để bù vào khoản lỗ khoảng gần 17.000 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm khoản 8.800 tỷ đồng chi phí chênh lệch về tỷ giá và khoản lỗ phát sinh khổng lồ 8.000 tỷ đồng nữa do thuế tài nguyên nước tăng, giá than tăng, phí môi  trường rừng tăng... Sau khi con số này được tổng hợp đã khiến không ít người phải giật mình. Theo một cán bộ EVN, hiện đơn vị đã có văn bản xin Chính phủ cho hoãn xử lý khoản chênh lệch tỷ giá hơn 8.800 tỷ đồng, chậm trả tiền khí cho PVN và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Việc này sẽ quyết định giá điện có tăng hay không và tăng bao nhiêu trong thời gian tới.

Nếu nhìn một cách hệ thống, các doanh nghiệp độc quyền kêu lỗ đã trở thành một điệp khúc lâu nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề quan trọng là họ đã xem xét tất cả các chi phí một cách hợp lý hay chưa, nhìn nhận lại cách quản lý của mình đã tốt hay chưa, chứ không thể cứ báo lỗ rồi bắt dân phải gánh chịu. Điều đáng nói là trong những năm gần đây, năm nào EVN cũng báo lỗ  và đòi tăng giá, nhưng sau khi kiểm toán đầy đủ lại lãi lớn! Điều này càng khiến người tiêu dùng thêm bất bình mỗi lần EVN đề xuất tăng giá.

Còn nhớ trước đây, Bộ Công thương từng đưa ra phương án tái thiết kế tổng thể hệ thống điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện. Phương pháp đưa ra là gom các nhà máy phát điện do EVN quản lý nhằm thành lập một số tổng công ty phát điện hoạt động độc lập theo hướng cạnh tranh; tách Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia hoạt động độc lập, nằm ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của EVN. Tuy nhiên, phương án này đã không được EVN chấp thuận với lý do chia tách sẽ làm tầm bao quát của EVN bị thu hẹp. Chính vì thế, đến thời điểm này, việc thực hiện cơ chế thị trường trong bán lẻ điện hiện vẫn chưa làm được.

Trong khi đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải pháp tốt nhất là phải thực hiện cơ chế thị trường. Nhưng lộ trình này còn quá dài, nhanh nhất cũng phải sau năm 2021, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chính thức đi vào vận hành.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục