Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức. Bài 3: Đòn bẩy từ chính sách

Trong nền kinh tế thị trường, ai nắm hệ thống phân phối, người đó có quyền quyết định đến sản xuất. Việt Nam chỉ còn hơn 1 năm nữa sẽ hoàn tất việc mở cửa thị trường theo lộ trình cam kết WTO, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Hơn lúc nào, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang rất cần những chính sách hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất để họ mạnh dạn đầu tư, phát triển hệ thống phân phối.
Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức. Bài 3: Đòn bẩy từ chính sách

Trong nền kinh tế thị trường, ai nắm hệ thống phân phối, người đó có quyền quyết định đến sản xuất. Việt Nam chỉ còn hơn 1 năm nữa sẽ hoàn tất việc mở cửa thị trường theo lộ trình cam kết WTO, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Hơn lúc nào, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang rất cần những chính sách hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất để họ mạnh dạn đầu tư, phát triển hệ thống phân phối.

        Những mô hình mới

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn phát triển, kể từ khi gia nhập WTO. Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường và số liệu từ các cơ quan thống kê, tỷ lệ mô hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn ở dưới mức 20%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Hiện tại, tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53% và Trung Quốc 64%. Xét theo các thành phố lớn, cho thấy bán lẻ hiện đại tại Hà Nội đạt tỷ lệ 16%, tại TPHCM 37%. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực: tại Thượng Hải (Trung Quốc), tỷ lệ này đã lên mức 88%; Kuala Lumpur (Malaysia) 63%; Bangkok (Thái Lan) 70% và Jakarta (Indonesia) 66%.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, bán lẻ hiện đại càng phát triển thì nhu cầu người tiêu dùng cũng ngày càng khó tính hơn. Để đáp ứng xu hướng này, các DN đã và đang liên tục đa dạng hóa các mô hình bán lẻ từ siêu thị, đại siêu thị, trung tâm phân phối sỉ đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm... Sự phát triển không dừng lại ở số lượng cửa hàng của từng mô hình mà còn ở tính chuyên nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết ngoài việc tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị Co.opMart, Co.opFood… việc phát triển mô hình mới như đại siêu thị, đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn là bước đi cần thiết để Saigon Co.op xác lập vị thế, gia tăng thị phần trên thị trường. Việc bắt tay với tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Singapore là NTUC sẽ giúp Saigon Co.op thực hiện được mục tiêu trên. Cùng việc liên kết với đối tác nước ngoài, Saigon Co.op cũng không ngừng tìm kiếm các đối tác trong nước để hợp tác đầu tư. Việc khởi công xây dựng siêu thị Co.opmart Foodcosa tại quận Gò Vấp, với tổng vốn đầu tư lên tới 230 tỷ đồng vào ngày 20-8 vừa qua là một ví dụ.

Người tiêu dùng mua thịt bình ổn giá tại siêu thị. Ảnh: KIM NGÂN

Người tiêu dùng mua thịt bình ổn giá tại siêu thị. Ảnh: KIM NGÂN

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hưng, chủ đầu tư chuỗi siêu thị Citimart, nhìn nhận, đã đến lúc các DN trong nước cần đa dạng hóa mô hình kinh doanh theo hướng ngày càng hiện đại để có thể bắt kịp xu hướng tiêu dùng. Cách làm này sẽ giúp DN đỡ vất vả trong việc tìm kiếm mặt bằng hơn là chỉ tập trung phát triển một mô hình.

Theo các chuyên gia, hiện tại, tốc độ phát triển các khu cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng hay những khu phức hợp vùng ven trung tâm diễn ra nhanh chóng, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… Với quy mô 4.000 - 10.000m², bày bán khoảng 30.000 - 50.000 sản phẩm, đại siêu thị là điểm đến hấp dẫn với các hộ gia đình, người tiêu dùng với không gian mua sắm tiện nghi, hiện đại cùng nhiều tiện ích khác. Riêng mô hình đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn với quy mô 9.000 - 10.000m² đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng, từ hộ gia đình đến khách hàng là các công ty, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn, sẽ được xây dựng ngày càng nhiều tại vùng ven trung tâm, các khu phức hợp.

        Chính sách phải là người dẫn đường

Mặc dù tốc độ phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam có phần chựng lại do kinh tế khó khăn, người dân tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng”, thế nhưng tốc độ đầu tư phát triển mạng lưới của các thành phần DN vẫn không giảm. Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Saigon Co.op, cho biết đây là thời điểm vàng để các DN tập trung đầu tư chiếm lĩnh thị trường. Nếu các DN có sự liên kết chặt chẽ theo cách, người có mặt bằng, người có vốn và người có kinh nghiệm bán lẻ thì chắc chắn DN trong nước sẽ xây dựng được hệ thống bán lẻ thuần Việt, đủ sức cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các DN đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về mặt bằng và vốn. Giá đất của Việt Nam vẫn đang đứng ở mức rất cao, nhưng khi đầu tư lại vướng bởi các nghị định như Nghị định 121 và một số nghị định khác như đầu tư trung tâm thương mại nhưng chính sách giao đất và trả tiền một lần sẽ không khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư. Trong bối cảnh DN ít vốn, nếu phải trả tiền một lần, sẽ không còn đủ sức để đầu tư cho phần cứng, còn nếu làm sẽ không hiệu quả.

Hơn lúc nào, các DN rất cần nhà nước hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực về chính sách thuê đất, giá thuê đất; hỗ trợ đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng, phát triển hệ thống logistic; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; hỗ trợ ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại; hỗ trợ thông tin thị trường, nguồn hàng; hỗ trợ tư vấn pháp lý trong việc liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối... Nói cách khác, để tạo điều kiện cho các DN lớn mạnh, thì chính sách phải là người dẫn đường, còn nếu để DN tự bơi họ sẽ đuối sức!

Là DN đầu tư xây dựng siêu thị đầu tiên của cả nước, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa day dứt: “Trong tình hình hiện nay, điều tôi mong mỏi là người Việt Nam nên bảo vệ DN Việt. Có nhiều cách để đoàn kết và bảo vệ DN Việt Nam. Thứ nhất, là người Việt Nam nên ủng hộ mua hàng ở những siêu thị của Việt Nam. Thứ hai, các DN phải liên kết để có tiếng nói chung chứ không nên “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Phải có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững mới có thể đương đầu và thắng được các đối thủ nước ngoài”.

Hệ thống phân phối không chỉ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, đến kinh tế, đảm bảo công tác cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, phát triển hệ thống phân phối không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các DN mà cả xã hội phải cùng vào cuộc.

Theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại... Dự báo năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm khoảng 45% tổng mức bán lẻ cả nước.

THÚY HẢI

- Thông tin liên quan:

>> Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức

- Bài 2: Lợi thế “người trong nhà”

Tin cùng chuyên mục