
(SGGP-12G).- Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) đứng trước nguy cơ phá sản khi cổ đông không tin tưởng vào ban lãnh đạo và không tìm được tiếng nói chung. Từ tình trạng này, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, công ty kiểm toán đã đảm bảo sự minh bạch thật sự cho thị trường chứng khoán (TTCK) hay chưa?
Nơi “lành mạnh” đã “vỡ bọc”

Nói đến TTCK, tức là nói đến tất cả các công ty cổ phần, các loại chứng khoán phát hành bởi doanh nghiệp, tổ chức… như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ quỹ… TTCK rộng lớn với hàng chục ngàn loại hàng hóa như thế nhưng thực sự nhà đầu tư chỉ có thể nhìn rõ sự phát triển, giá trị và tính minh bạch của TTCK thông qua thị trường niêm yết với khoảng hơn 300 công ty.
Để được niêm yết lên TTCK, doanh nghiệp cần phải đạt được nhiều điều kiện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nơi niêm yết (Sở hoặc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán). Chính vì vậy, các công ty niêm yết tuy ít, nhưng “tinh” và được xem là những đại diện tiêu biểu, đáng tin cậy. Nhưng BBT là một trường hợp đầu tiên trên TTCK và tính “lành mạnh” nhất của thị trường niêm yết đang phải chờ xét lại.
BBT có khả năng phá sản hay không? Báo cáo kiểm toán sai nhưng vì sao BBT vẫn “bình yên” hơn 1 năm rưỡi qua? Hàng ngàn cổ đông của công ty được đền bù thế nào? UBCK, Sở GDCK theo dõi và công bố thông tin cho nhà đầu tư ra sao sau sự kiện BBT? Và hàng loạt câu hỏi khác đã được nhà đầu tư nêu ra.
Một đại diện của Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán thuộc Bộ Tài chính khi trả lời báo chí đã thừa nhận sự việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, sự minh bạch của thị trường nhưng cho biết những vụ việc như vậy không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra. Ông cho rằng sự kiện BBT lại là dấu hiệu tốt cho các chủ thể liên quan đến TTCK.
Thước đo nào cho đơn vị kiểm toán?
Theo Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1-1-2007, doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin trong vòng 10 ngày kể từ ngày có báo cáo tài chính năm được kiểm toán. Một báo cáo tài chính định kỳ phải được kiểm toán thông qua và cho ý kiến. Nếu công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến hoặc có ý kiến không chấp nhận với báo cáo tài chính năm gần nhất thì chứng khoán của doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Vai trò của công ty kiểm toán trong báo cáo tài chính là rất quan trọng. Nhưng trong trường hợp của BBT, công văn giải trình kiểm toán năm 2007 của Công ty Kiểm toán AISC chỉ ra những khoản ngoại trừ trọng yếu tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của BBT. Khoản doanh số khống (ký hợp đồng bán hàng xuất hóa đơn nhưng khách hàng không mua) trong 2 năm 2006-2007 đến hơn 10 tỷ đồng đã được AISC hồi tố lại, biến BBT từ lãi 2,2 tỷ thành lỗ 8,31 tỷ đồng trong báo cáo kiểm toán 2007 điều chỉnh vừa công bố. Nhưng với nhà đầu tư, hơn 1 năm rưỡi qua họ đã bị “lừa” bởi ban lãnh đạo BBT, sự “yếu kém” của AISC khiến các nhà đầu tư phải mua cổ phiếu BBT với giá cao vì nghĩ rằng công ty có lãi.
Từ báo cáo tài chính của BBT, giới đầu tư đặt nghi vấn lên tất cả các báo cáo tài chính khác của công ty niêm yết. Các công ty kiểm toán khác có tạo thêm những trường hợp sai lệch bất ngờ nào khác trong tương lai? Khó có thể nói không khi nhìn vào danh sách các công ty kiểm toán hiện nay với chỉ khoảng 30 đơn vị nhưng thực hiện kiểm toán cho 300 doanh nghiệp niêm yết và 1.012 doanh nghiệp đại chúng (theo danh sách UBCK công bố ngày 1-8), bình quân 1 công ty kiểm toán phải làm cho hơn 40 doanh nghiệp!? Trong khi đó, ngoài việc kiểm tra chặt chẽ trước khi cấp phép, chưa thấy UBCK hoặc các cơ quan chức năng công bố thẩm định năng lực thường xuyên cho các đơn vị này. Các công ty kiểm toán cũng rất hiếm khi công bố thông tin về mình, hầu hết đến nay đều làm việc “âm thầm”.
Bản thân công ty chứng khoán cũng chưa minh bạch với nhà đầu tư thì khó có thể nói báo cáo tài chính của họ đủ sức minh bạch tuyệt đối. Đến khi “vỏ bọc” minh bạch bị vỡ ra, nhà đầu tư phát hiện doanh nghiệp gian dối ngay cả trong báo cáo đã kiểm toán thì mọi việc đã muộn, tiền đã mất, tật đã mang. TTCK qua trường hợp BBT có thêm bài học mới, nên chăng phải xây dựng thêm lộ trình công bố thông tin cho công ty kiểm toán về tình hình các doanh nghiệp được kiểm toán? Không thể cứ công bố theo kiểu “đùng một phát” còn suốt quãng thời gian dài, nhà đầu tư lại “mù” thông tin….
Tường Châu