Thị trường da giày: Rộng cửa ngoại, hẹp cửa nội

Hiện tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam đã chiếm 9,2% tổng trị giá xuất khẩu giày dép toàn cầu. 
Doanh nghiệp da giày có thị trường xuất khẩu lớn. Ảnh: THÀNH TRÍ
Doanh nghiệp da giày có thị trường xuất khẩu lớn. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng da giày Việt Nam đã chính thức có mặt tại hơn 50 nước trên thế giới. Sản phẩm da giày Việt Nam đã vượt qua Brazil, đứng thứ 3 về sản xuất giày dép trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. 
Cơ hội xuất khẩu lớn

Nhìn nhận về thị trường xuất khẩu, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết cơ hội xuất khẩu hàng da giày Việt Nam đang rất lớn. Với thị trường truyền thống là Mỹ, chỉ dựa trên số tiền thuế nhập khẩu mà ngành da giày Việt Nam đóng góp đã lên tới gần 500 triệu USD. Thị trường này cũng dự kiến sẽ được mở rộng và sâu về thị phần do Mỹ đang thực hiện đánh thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cao hơn hàng hóa đến từ Việt Nam. 

Bên cạnh những thuận lợi từ thị trường Mỹ, dư địa thị trường lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2017 cũng đổ dồn vào thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Á - Âu và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Phân tích về những thuận lợi của các thị trường này, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, chỉ tính riêng năm 2016, trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam đạt 13 tỷ USD, có đến 32% hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng 60% trong năm 2017. Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh thêm, chưa tính đến lợi thế từ hiệp định Thương mại Việt Nam - châu Âu (FTA VN-EU) mang lại thì hàng da giày Việt Nam luôn được hưởng mức thuế suất ưu đãi 3,5% - 4%, thấp hơn so với các nước khác là 7,69%. Trường hợp châu Âu đánh thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước khác sẽ phải đối mặt với mức thuế 16%, trong khi hàng tại Việt Nam chỉ chịu mức thuế 10%. Còn với việc có thêm FTA VN-EU đã được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần thỏa mãn yêu cầu về quy tắc xuất xứ sẽ được giảm thuế nhập khẩu còn 0%. Thị trường này lại có dân số đông và thu nhập cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế nắm bắt rõ nhu cầu và thị hiếu cũng như xu thế thời trang của thị trường này. Do đó, đây hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng lớn nhất của doanh nghiệp Việt trong thời gian tới. 

Với thị trường Hàn Quốc và khu vực kinh tế Á - Âu, cơ hội của xuất khẩu giày dép Việt Nam sang các thị trường này cũng sẽ tăng nhanh khi thuế nhập khẩu giầy dép vào các nước này giảm dần theo lộ trình các FTA mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc và EU. Riêng với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ năm 2015 đến nay, thuế nhập khẩu tại các nước đã quay về 0%. Điều này đã tạo cơ hội kép cho doanh nghiệp Việt Nam là giảm chi phí sản xuất nhờ giảm nguyên liệu nhập khẩu và tăng khả năng xâm nhập thị trường nhờ giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu

Cùng với thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa cũng đang được đánh giá cao. Trung bình, nhu cầu tiêu thụ giày dép trong nước hiện đang ở mức khoảng 160 triệu đôi/năm. Thế nhưng, khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước chỉ đạt mức 50%. 

Gia cố nội lực 

Nhìn nhận về tốc độ gia tăng phát triển ngành da giày, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành da giày tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm và vẫn đứng vị trí cao trên thế giới trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, về lâu dài các cơ quan chức năng cần tháo gỡ nhanh những rào cản phát triển trong nước. Trước mắt, cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi phương thức sản xuất là gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm. Muốn được như vậy thì phải tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất. Hiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu mới đạt 35% - 40%, số còn lại phải nhập khẩu. Nguyên phụ liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu (kể cả về chất lượng cũng như số lượng), nhất là nguyên phụ liệu để làm hàng xuất khẩu. Sự phối hợp với các ngành công nghiệp khác (như chăn nuôi, dệt, nhựa, cơ khí) để phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, thiết bị cho ngành cũng chưa chặt chẽ.

Thực tế trong 10 năm qua, toàn ngành không thực hiện được mục tiêu chuyển đổi. Việc xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành, nhất là khu công nghiệp chuyên ngành thuộc da chưa thực hiện được do khó khăn về vốn; phương thức sản xuất mang tính khép kín trong gia đình, dòng họ; việc thực hiện di dời các doanh nghiệp vào khu công nghiệp và khu công nghiệp chuyên ngành chưa được triển khai quyết liệt. Nhiều địa phương không chủ trương phát triển ngành da - giày, nhất là phát triển thuộc da. Trung tâm Xúc tiến thương mại và dịch vụ ngành da giày được xây dựng tại Bình Dương và đã đi vào hoạt động, tuy nhiên kết quả mới chỉ bước đầu.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh lợi thế thị trường, kinh nghiệm và năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã có. Vấn đề hiện tại là Việt Nam vẫn đang thiếu những tập đoàn đầu đàn đủ mạnh để liên kết tạo chuỗi công nghiệp hỗ trợ phát triển cho ngành da giày nói riêng và Việt Nam nói chung. Kinh nghiệm Malaysia cho thấy, cần phải tập trung phát triển cụm, ngành và khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp nhận nguồn cung trong nước. Trong giai đoàn này, chính sách hỗ trợ Chính phủ áp dụng đồng bộ cho cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ yêu cầu sự hỗ trợ tích cực doanh nghiệp đầu ngành vì chỉ có doanh nghiệp đầu ngành mới đưa ra chính xác công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng cho nhà cung ứng. 

Bên cạnh đó, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực không chỉ dừng lại ở tài chính mà còn là phi tài chính. Về phía vai trò Nhà nước phải tạo môi trường đầu tư phát triển cho doanh nghiệp, thay vì chỉ có kiểm tra, kiểm soát, quản lý. Ông Bùi Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Hà Nội, cho rằng Chính phủ cung ứng thông tin đầy đủ thị trường, chính sách, các hoạt động xúc tiến giới thiệu sản phẩm doanh nghiệp đến thị trường cả nước và thế giới; có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu mà trong nước chưa sản xuất được để tạo nội lực phát triển doanh nghiệp, kết hợp khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu mua sản phẩm hỗ trợ nội địa đưa vào chuỗi sản xuất.

Tin cùng chuyên mục