Thị trường gas giả lại... “tăng tốc”!

Phát hiện gas giả bằng cách nào?
Thị trường gas giả lại... “tăng tốc”!

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, các cơ quan chức năng đã bắt quả tang hàng chục vụ vận chuyển gas giả với số lượng lên đến hàng trăm bình. Vấn nạn gas giả không chỉ gây thất thu lớn đối với những công ty gas chân chính, mà còn đe dọa cả tính mạng người tiêu dùng.

  • Kiểm tra 5 cửa hàng, 3 cửa hàng bán gas giả!
Thị trường gas giả lại... “tăng tốc”! ảnh 1

Xe tải chở gas giả bị Đội QLTT số 9 bắt giữ trưa ngày 9-3-2007. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Ngày 10-3-2007, Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 9 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh gas Hương Hoàng (số 474 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Tại đây, Đội phát hiện 7 bình gas loại 12kg, mang nhãn hiệu Saigon Petro (SP) bị làm giả. Chủ cửa hàng gas Hương Hoàng cho biết, số bình gas trên lấy từ Công ty TNHH Lưu Hà (số 30 Phan Chu Trinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Lúc 14 giờ cùng ngày, Đội QLTT số 1 thuộc Chi cục QLTT Bình Dương cũng đã kiểm tra cửa hàng gas Minh Tâm (số 288 Cách Mạng Tháng Tám, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Tại đây, đội cũng đã phát hiện 5 bình gas mang nhãn hiệu Shell Gas và 5 bình mang nhãn hiệu SP loại 12kg bị làm giả. Chủ cửa hàng khai nhận, toàn bộ số bình gas trên được lấy từ Công ty cổ phần SX-TM Thành Long (tổ 56, phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Trước đó 4 giờ, Đội QLTT số 1 cũng đã kiểm tra cửa hàng gas Trung Tín (thuộc khu 5, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một- Bình Dương) và phát hiện ra 7 bình gas mang nhãn hiệu Shell Gas bị làm giả. Cửa hàng gas Trung Tín mặc dù xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, nhưng họ lại không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí hóa lỏng…

Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, trong đợt kiểm tra 5 cửa hàng gas tại tỉnh Bình Dương ngày 10-3-2007,   thì có đến 3 cửa hàng bán gas giả. Đây là thực trạng đáng lo ngại đối với người tiêu dùng. Được biết, vào ngày 9-3, Đội QLTT số 9 cũng đã phát hiện và bắt quả tang xe tải mang biển số 61N- 0255 chở 160 bình gas mang các nhãn hiệu Petrolimex, VT- Gas, Elf Gaz, Shell, SP, Petronas, Picnic, V-Gas… bị sang chiết trái phép. Theo giám định ban đầu, trên xe có 15 bình mang nhãn hiệu Shell Gas bị làm giả; VT-Gas có 11 bình gas giả trên tổng số 26 bình, SP có 20 bình giả trên tổng số 27 bình, Elf-Gas có 6 bình bị giả… Tài xế Phạm Đình Lư  khai nhận, toàn bộ số gas được lấy từ trạm chiết của Công ty cổ phần SX- TM Thành Long. Ngày 8-3, Công an Kinh tế Bình Dương cũng tạm giữ xe tải có dấu hiệu chở gas lậu mang biển số 54V-3124. Hiện toàn bộ số bình gas trên xe đã được niêm phong, chờ kết quả giám định chính thức từ cơ quan chức năng.

  • Các nhà phân phối gas kêu trời

Rất nhiều công ty kinh doanh gas cho biết, trong vài năm trở lại đây, thị trường gas giả, gas nhái nhãn hiệu phát triển khá nhanh tại Bình Dương, trong đó phải kể đến sự tồn tại của một trạm chiết “lậu” T.L nằm ngay trung tâm thị xã Thủ Dầu Một. Sự tồn tại của trạm chiết “lậu” này khiến nhiều nhà phân phối gas chính hãng tại đây vô cùng bức xúc. Giám đốc Công ty TNHH-TM Long Thuận - nhà phân phối chính thức của thương hiệu Vinagas tại Bình Dương và Bình Phước cho biết: Thị trường gas lậu những năm gần đây làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng tiêu thụ gas an toàn ra thị trường. Nhiều đại lý gas của nhà phân phối Long Thuận tại Bình Dương cũng thừa nhận: lượng gas chính hãng có kiểm định an toàn tiêu thụ trên thị trường đã giảm đến 50% so với trước đây.

Ông Lâm Quốc Khanh- Giám đốc Kinh doanh Công ty Shell Gas Việt Nam cho biết, hiện giá gas của Shell gas từ đại lý đến người tiêu dùng là 172.000 đồng/bình, thì các điểm chiết lậu cung cấp cho người tiêu dùng là 165.000 đồng/bình. Chưa kể, nhiều điểm chiết lậu còn thực hiện chiêu thức chiết thiếu từ 0,5-1kg để bán với giá rẻ hơn giá của các hãng khác hàng chục ngàn đồng/bình. Ông Khanh cho biết thêm, nạn gas giả đang bùng phát khiến cho nhiều nhà phân phối của Shell gas than trời, vì sản lượng tiêu thụ liên tục sụt giảm. Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc thương hiệu Vinagas cũng cho biết, chỉ cần chiết thiếu từ 0,5kg, các điểm sang chiết lậu đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với những công ty gas làm ăn chân chính. Việc cạnh tranh không lành mạnh này không chỉ khiến cho thị trường gas thật giả lẫn lộn, mà còn làm cho nhiều nhà phân phối phải lao đao.

Theo tổ chống gian lận trong lĩnh vực gas của nhóm kinh doanh gas G9+1, không chỉ có ở Bình Dương, tình trạng kinh doanh gas giả nhãn hiệu cũng đang hoạt động rất mạnh tại tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Đội QLTT số 10 thuộc Chi cục QLTT TPHCM cũng vừa bắt giữ 40 bình gas giả nhãn hiệu Shell. Một thực tế đáng báo động khác: theo các ngành chức năng, những điểm sang chiết lậu thường chiếm dụng vỏ bình của các hãng để sang chiết “lậu”, nên những vỏ bình này cũng không được tái kiểm định định kỳ. Đây thực sự là những quả bom nổ chậm trong xã hội, mà người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả.

Ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ thành lập đội kiểm tra liên ngành để xử lý kiên quyết vấn nạn kinh doanh gas giả trên địa bàn. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, chỉ có tỉnh Bình Dương quyết tâm thôi chưa đủ, các cấp quản lý tại các địa phương cũng cần mạnh tay hơn nữa đối với nạn sang chiết, tiêu thụ gas lậu. Có như thế, người tiêu dùng mới được bảo vệ.

ĐÀO THỤY

Phát hiện gas giả bằng cách nào?

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra hàng chục vụ cháy nổ liên quan đến gas, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ việc sang chiết, tiêu thụ gas giả. Chúng tôi đã phỏng vấn thượng tá Vũ Văn Bổn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn Kiểm tra công tác PCCC Sở Cảnh sát PCCC TPHCM xung quanh vấn đề sử dụng gas an toàn.

- Thưa ông, làm thế nào để người tiêu dùng có thể phân biệt được bình gas chính hãng với bình gas giả nhãn hiệu?

Thượng tá VŨ VĂN BỔN: Trước hết, khi mua gas từ đại lý, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc của bình gas đó. Cụ thể, bình gas đó thuộc hãng nào, thời hạn kiểm định còn hay không (ghi trên tay xách vỏ bình).  Đặc biệt, khi đổi gas, bình gas mới phải còn nguyên niêm màng co và tem chống giả. Đây chính là cơ sở để phân biệt đâu là gas thật, đâu là gas giả. Thông thường, bình gas chính hãng có niêm màng co được in rất sắc nét, tem chống giả được in phản quang 7 màu... Trong khi hình ảnh in trên niêm màng co của bình gas giả thường bị nhòe, độ in không sắc nét và không có tem phản quang. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng không nên ham gas giá rẻ, bởi gas chiết lậu thường được bán rẻ hơn so với giá chính hãng hàng chục nghìn đồng. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng gas, người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu gas có uy tín, đồng thời khi mua gas nên chọn những đại lý gas được các hãng gas uy tín ủy quyền để không mua phải gas giả. Đặc biệt, khi thay gas mới, người tiêu dùng nên giữ lại niêm màng co để đối chiếu, nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ gas. 

- Sở Cảnh sát PCCC có khuyến cáo nào dành cho người tiêu dùng khi sử dụng gas?

Người tiêu dùng phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc về an toàn sử dụng gas như: không được để gas ở những nguồn lửa hở, nơi gần cửa ra vào, phải kiểm tra van an toàn, dây dẫn gas định kỳ… Đối với bình gas mini, chỉ nên tái sử dụng đối với bình gas inox, còn các bình gas được làm bằng chất liệu khác chỉ được phép sử dụng một lần. Không được sang chiết gas từ bình gas lớn sang bình gas mini dưới bất cứ hình thức nào. Nếu phát hiện việc sang chiết lậu, nên thông báo ngay cho công an địa phương hoặc đường dây nóng của Sở Cảnh sát PCCC TPHCM qua số điện thoại 8347477 hoặc 8387230 để xử lý kịp thời.

- Xin cảm ơn ông!

HƯƠNG GIANG (ghi)

Tin cùng chuyên mục