Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành cơ hội vàng cho các doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vậy nhưng, người ta vẫn có cảm nhận DN trong nước vẫn chưa biết cách khai thác tốt tiềm năng từ thị trường nội địa. Cụ thể như các DN trong lĩnh vực may mặc đã và đang bỏ trống rất nhiều phân khúc, từ chiếc áo ngực của phụ nữ đến bộ váy áo của trẻ em,… Đây là phân khúc đang có mức tiêu dùng khá lớn.
Chưa chú trọng hàng may mặc phân khúc từ 7 - 10 tuổi
“Liên tục trong 3 năm gần đây, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, vợ chồng tôi lại ngược xuôi đi tìm mua váy áo cho đứa con gái đang bước vào tuổi tiền dậy thì. Ở lứa tuổi mà nhỏ đang dần qua, lớn chưa tới, tôi không tìm mua ở đâu quần áo phù hợp cho con. Nếu mua những bộ quần áo dành cho lứa tuổi teen thì tội con quá, còn nhỏ hơn thì lại không vừa” - chị Ngọc Diệp, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM, tâm sự.
Không riêng chị Diệp, bản thân tôi là một phóng viên chuyên viết mảng thương mại cũng rất khó khăn trong việc đi tìm mua quần áo cho con trai 8 tuổi và con gái lên 10. Mua ở đâu để có hàng đẹp mà giá cả phải chăng, luôn là câu chuyện làm quà của các bà mẹ chúng tôi mỗi khi gặp nhau.
Trên thực tế, nhu cầu sinh con ngày càng ít, hơn nữa với tâm lý luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, nên giá bán cho dù có đắt thì các bà mẹ cũng đành “bấm bụng” mua. Đáp ứng nhu cầu này, đồng thời lấp khoảng trống mà các DN trong nước chưa quan tâm, đầu tư đúng mức, tại TPHCM đã xuất hiện ngày càng nhiều các shop chuyên bán hàng xách tay từ các nước như Mỹ, Pháp, Anh, hoặc được nhập từ Hàn Quốc, Hồng Công, Thái Lan…
Giá bán các loại quần áo ở độ tuổi này không hề rẻ. Một bộ đồ thun bé trai từ 7 - 9 tuổi từ 300.000 - 500.000 đồng/bộ; bộ đầm rẻ nhất cũng có giá 400.000 đồng, cao cấp hơn có thể lên tới 800.000 - 1 triệu đồng. Chị Trâm, người bán hàng tại cửa hàng quần áo trẻ em Th.T. đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cho biết cách đây 3 năm khi cửa hàng mới mở thì bán khá chậm, nhưng trong 2 năm gần đây, khách hàng đến mua ngày càng nhiều.
Bình quân 1 tuần, shop Th.T. nhập hàng một lần nên luôn có mẫu mới. Quần áo bày bán tại đây phần lớn được nhập từ Hồng Công. Cũng theo chị Trâm, khách hàng đến mua chủ yếu là những người có thu nhập ở mức trung bình khá trở lên, họ không đặt nặng vấn đề giá cả mà chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất liệu. Với những người có mức thu nhập thấp hơn thì hàng Trung Quốc, giá rẻ luôn là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh hàng trong nước chưa đa dạng phong phú.
Đồ lót - sân chơi của hàng ngoại
Theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ thị trường áo ngực phụ nữ bình dân có giá bán từ 20.000 - 50.000 đồng/chiếc là hàng Trung Quốc. Trong khi đó, những thương hiệu hàng sản xuất trong nước, được nhiều người biết đến thì đếm chưa đầy 10 ngón tay. Có thể kể đến một số thương hiệu đồ lót trong nước như sau: Misaki (Công ty Vera), Softy (Pháp - Việt), Gwen’s (Hòa Mỹ), Annie (Anh Khoa), Relax (Sơn Việt)…
Giá bán các loại áo ngực trong nước từ 100.000 - 250.000 đồng/chiếc. Đại đa số các nhãn hàng này đều đã có mặt tại các siêu thị hoặc một số rất ít DN đã và đang thiết lập mạng lưới cửa hàng phân phối. Tuy nhiên, để tồn tại, họ buộc phải bán thêm sản phẩm của nhiều thương hiệu khác. Riêng loại áo ngực ở phân khúc cao cấp, có giá bán từ 250.000 đồng trở lên, đều rơi vào tay của các tập đoàn đa quốc gia như Triump, Pierre Cardin, Bon Bon, La Senza…
Cả nước có hơn 2.000 DN trong ngành sản xuất hàng may mặc nhưng vì sao các DN không mặn mà tham gia sản xuất đồ lót? Theo tính toán của một đơn vị sản xuất đồ lót, để may được một chiếc áo ngực, cần ít nhất 20 loại nguyên phụ liệu cộng với tiền công may từ 25.000 - 30.000 đồng/chiếc thì giá thành rẻ nhất vào khoảng 50.000 - 60.000 đồng/chiếc. Nếu cộng thêm các khoản thuế, phí, chiết khấu… thì giá áo ngực sản xuất trong nước không thể nào rẻ hơn hàng Trung Quốc đang bán đại trà trên thị trường.
Theo đó, việc đầu tư sản xuất áo ngực đòi hỏi vốn lớn, có thể lên đến vài trăm ngàn USD cho một dây chuyền thiết bị chuyên dụng. Mặt khác, khâu đào tạo công nhân cũng khá vất vả vì áo ngực đòi hỏi đường may phải có độ chính xác tuyệt đối. Đó là chưa kể chúng ta chưa thiết lập được một ngành thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành may mặc trong nước hiện chỉ làm tốt khâu ở giữa (tức gia công), chưa phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ nên hầu hết các nguyên phụ liệu đều phải đặt mua từ nhiều quốc gia, cũng là một trong những trở lại lớn cho các DN trong lĩnh vực sản xuất áo ngực.
Từ thực trạng này, có thể lý giải dù các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ hàng loạt áo ngực không tốt cho sức khỏe, nhưng sau đợt kiểm tra thì “đâu lại vào đấy”! Để đối phó, thị trường đã xuất hiện tình trạng gỡ nhãn mác ngoại, thay bằng hàng nội. Còn người tiêu dùng biết rõ đó là hàng dỏm nhưng vẫn phải mua để xài. Xoay quanh vấn đề áo ngực, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ rất khó kiểm soát thị trường, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng theo kiểu duy ý chí, khi mà cung chưa đáp ứng được cầu.
Khi nào áo ngực nội mới thay thế được hàng Trung Quốc? Đến bao giờ hàng trong nước mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân? Câu trả lời, nếu chỉ có sự nỗ lực của DN thôi thì chưa đủ mà cần phải có những quyết sách đúng, có những chính sách vĩ mô phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho DN đầu tư sản xuất và phát triển.
Hải Hà