Thị trường mỹ phẩm Việt hút nhà đầu tư ngoại

Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách để khuyến khích ngành mỹ phẩm Việt phát triển. 
Mỹ phẩm bán tại chợ Bến Thành Ảnh: Cao Thăng
Mỹ phẩm bán tại chợ Bến Thành Ảnh: Cao Thăng
Theo Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm của nước ta tăng nhanh, từ 3 tỷ USD năm 2016 lên 6 tỷ USD năm 2017; cộng với lợi thế có nguồn nguyên liệu sản xuất đa dạng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất mỹ phẩm ngoại. 
Hấp dẫn vì nguồn nguyên liệu phong phú
Theo bà Claudia Bonfiglioli, Tổng giám đốc Information Beauty, trong năm 2017, doanh số hàng mỹ phẩm organic thu về trên toàn cầu là 480 triệu USD, tăng 10% so với năm 2016. Thị trường mỹ phẩm organic được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, với  mức tăng gấp đôi trong năm 2018. Thực tế này đang buộc các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm toàn cầu phải chuyển đổi sản xuất dòng sản phẩm thông thường sang dòng sản phẩm organic. Từ đây nhu cầu tìm kiếm nguồn nguyên liệu organic của các thương hiệu mỹ phẩm lớn cũng ngày càng cấp bách. Trong dòng xu hướng đó, Việt Nam nổi lên là mảnh đất đầu tư tiềm năng vì nhiều lý do. 
Lợi thế lớn của Việt Nam, đó là chúng ta đang sở hữu nguồn nguyên liệu thiên nhiên rất phong phú và đa dạng. Những sản phẩm nông sản như dừa, mũ trôm, nghệ, nha đam… có khả năng tạo ra những mỹ phẩm organic có giá trị gia tăng cao, giá thành nguyên liệu rẻ là điểm cộng hút nhà đầu tư ngoại. Lý do tiếp theo cũng quan trọng không kém, đó là Việt Nam có nguồn lao động trẻ, giá gia công không cao cộng với nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ, Việt Nam sẽ là nơi sản xuất hàng mỹ phẩm organic giá tốt. 
Đặc biệt, Việt Nam còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại bởi quy mô thị trường tiêu thụ lớn. Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Neilsen cho biết, hiện dân số Việt Nam đã lên đến hơn 100 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới. Trong đó, khoảng 60% trong độ tuổi dưới 35 tuổi. Mặt khác, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang tăng nhanh trong thời gian qua, hiện ước 53,5 triệu đồng/năm (tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016). Chỉ tính riêng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm trong nước đã tăng nhanh từ 3 tỷ USD năm 2016 lên 6 tỷ USD năm 2017, trong đó, 95% là mỹ phẩm nhập khẩu. 
Ông Bart Verheyen, Giám đốc thương mại Medicare cho biết, đặt chân vào Việt Nam từ năm 2011, chỉ trong 6 năm, Medicare đã phát triển 65 chuỗi cửa hàng medicare chuyên bán sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam. Công ty này cũng cho biết, sẽ tăng đôi gấp số lượng cửa hàng medicare trong vài năm tới. Ngoài ra, nhìn nhận về xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam, ông Bart Verheyen khẳng định, dòng sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên sẽ chiếm ưu thế tiêu dùng trong thời gian tới và sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu có cơ hội phát triển mở rộng thị trường tại Việt Nam hơn sản phẩm mỹ phẩm nội địa. 
Mỹ phẩm nội ở đâu?
Trong khi nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm, các thương hiệu mỹ phẩm Việt đang ở đâu? Điều đáng lo ngại là cùng với sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp ngoại, nhiều công ty mỹ phẩm nội địa lại đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam phân tích, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm Việt Nam 6 tỷ USD năm 2017, chỉ có 5% là thuộc về doanh nghiệp nội. Nhiều sản phẩm thiên nhiên như nghệ, mũ trôm, nha đam, dừa… được xem là nguyên liệu quý trong xu hướng sản xuất mỹ phẩm organic nhưng doanh nghiệp nội chỉ mới sản xuất nguyên liệu thô, không chiết xuất tinh chất để tạo ra dòng mỹ phẩm cao cấp. Số ít mỹ phẩm Việt Nam còn trụ được trên thị trường như Thorakao, Miss Sài Gòn… nhưng chỉ tập trung phân khúc thấp và chiếm lĩnh vị trí hết sức khiêm tốn trong thị phần tiêu thụ nội địa.
Những hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền thấp, vốn đầu tư hạn chế của các doanh nghiệp nội chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn tới. Trong khi đó, để có thể phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao đòi hỏi phải có vốn mạnh, có dây chuyền công nghệ đủ hiện đại để chiết xuất tinh chất thiên nhiên từ nguồn nguyên liệu thô để tạo ra dòng sản phẩm cao cấp. Đặc biệt hơn, doanh nghiệp nội cần có tiềm lực tài chính đủ mạnh để xây dựng và phát triển thương hiệu. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ thành lập trung tâm nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên nhằm tận dụng tối đa lợi thế dược liệu phong phú tại Việt Nam nhưng kiến nghị này vẫn đang bị bỏ ngỏ. 
Mặt khác, việc kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu mỹ phẩm tại Việt Nam còn nhiều bất cập nên tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng và hoá chất cấm bày bán tràn lan ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp không có giấy phép cũng sản xuất mỹ phẩm, gây ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin tiêu dùng của người Việt. Thực tế này kéo theo hệ quả dòng sản phẩm mỹ phẩm nội có uy tín và thương hiệu, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam đã khiêm tốn lại ngày càng teo tóp hơn. 
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách để khuyến khích ngành mỹ phẩm Việt phát triển. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu, chế tạo mỹ phẩm mới, nghiên cứu chiết xuất tinh chất mỹ phẩm thiên nhiên để phát huy tối đa lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm phong phú đang có. Về phía các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và tiệm cận với tiêu chuẩn sản phẩm organic trên thế giới để có định hướng đầu tư và sản xuất dòng sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển mới. Nếu không có sự chuyển động kịp thời, e rằng với tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp mỹ phẩm nội sẽ mất dần thị phần vào tay nhà đầu tư ngoại.

Tin cùng chuyên mục