Trước biến động của thị trường ngoại tệ quy đổi, nhiều doanh nghiệp dược trong nước không khỏi than trời vì không thể nhập khẩu nguyên liệu cũng như phụ gia, bao bì. Nhiều hợp đồng sản xuất thuốc của doanh nghiệp phải bỏ dở hoặc chịu phạt dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc rất lớn cho năm 2011.
Ngồi trên lửa
Là một doanh nghiệp dược lớn về cả sản xuất cũng như nhập khẩu, Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (TPHCM) đang cung ứng khá nhiều loại thuốc cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, đứng trước tình trạng ngoại tệ quy đổi tăng cao cũng như các nguyên liệu đầu vào tăng giá, công ty không khỏi băn khoăn.
Trong cuộc trao đổi mới đây, dược sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Vimedimex, cho biết doanh nghiệp không thể sản xuất được hoạt chất rutin (chiết xuất từ hoa hòe). Dược sĩ Hùng tính toán, nếu sản xuất ra 1kg rutin phải tốn chi phí lên tới gần 50 USD nhưng giá thành thực sự chỉ khoảng 12 USD.
Theo dược sĩ Hùng, nếu năm ngoái, hoa hòe có giá mua vào khoảng 25.000 đồng/kg thì nay đã lên 200.000 đồng/kg, giá nghệ vàng từ 9.000 đồng/kg năm ngoái lên 100.000 đồng/kg. Mặc dù các năm qua, Công ty Vimedimex đã chú trọng đầu tư vào các vùng trồng nguyên dược liệu nhưng xem ra vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho thị trường thuốc trong nước. Đặc biệt, với giá nghệ vàng tăng cao, các công ty dược sản xuất thuốc dùng nguyên liệu tinh thể Curcumin (chiết xuất từ nghệ vàng) cũng điêu đứng không kém. Một công ty dược tại TPHCM có thế mạnh sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng từ tinh thể Curcumin than thở là các hợp đồng sản xuất đang bị “gãy” và có nguy cơ chịu bồi thường chứ không thể sản xuất.
Tương tự, mặc dù là thành phần cần thiết để sản xuất ra nhiều loại kháng sinh ngừa bệnh nhưng nguyên liệu kháng sinh do trong nước sản xuất đang rất èo uột. Chẳng hạn như kháng sinh Amox từ nguyên liệu Amoxicillin, Ampi với nguyên liệu là Ampicillin.
Theo Bộ Y tế, cả nước có 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh nhưng thực tế chỉ Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm MEKOPHAR (trước đây là Xí nghiệp Dược phẩm TW 24) hoạt động đáng kể. Nhưng nay, trước biến động của thị trường ngoại tệ, các loại phụ gia, phụ liệu để sản xuất ra nguyên liệu kháng sinh cũng tăng chóng mặt khiến nhà sản xuất không khỏi “ngồi trên đống lửa”.
Một lãnh đạo công ty cho biết, đang cân đối lại một vài hợp đồng và thương lượng với đối tác. Điều đáng nói, theo các doanh nghiệp dược, đối với nguyên liệu nhập khẩu, giá còn tăng kinh khủng.
Lãnh đạo một công ty dược trong nước cho biết hiện giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu đã tăng lên gấp 3-4 lần so với đầu năm 2010. Trong khi đó, theo dược sĩ Hùng, tuy Việt Nam đã tự chủ được gần 50% dược phẩm nhưng 90% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. “Kể cả tá dược cũng nhập khẩu. Chẳng hạn tinh bột. Mình xuất khẩu sắn nhưng đi nhập khẩu tinh bột sắn”, dược sĩ Hùng cho biết.
Cần cơ chế hỗ trợ
Tuy không nói cụ thể những khó khăn đang gặp phải nhưng qua trao đổi, dược sĩ Trương Đức Vọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (TPHCM) cho biết vừa gửi văn bản kiến nghị lên Sở Y tế TPHCM. Cùng hoàn cảnh, hiện nhiều công ty dược khác cũng đã có văn bản gửi lên cơ quan chức năng ngành y tế để đề xuất một số hỗ trợ, chủ yếu là xin tăng giá thuốc.
Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Cục Quản lý dược và Sở Y tế các địa phương đã nhận được khoảng 1.600 hồ sơ của các doanh nghiệp xin kê khai, kê khai lại giá thuốc theo hướng điều chỉnh tăng giá thuốc.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dược đang gặp phải khó khăn khi mua ngoại tệ giá cao, thậm chí phải mua ngoại tệ “chợ đen” để nhập khẩu nguyên liệu. Một chủ doanh nghiệp dược nói, dự toán từ đầu năm là ngoại tệ quy đổi đến cuối 2010 vào khoảng 18.000 đồng/USD nhưng bây giờ có lúc đã lên hơn 20.000 đồng/USD. Đây là một khoản chênh lệch lớn, trong khi muốn nhập khẩu thuốc phải có USD hoặc EUR. Chưa hết, theo giám đốc một công ty dược, khi bán cho doanh nghiệp, ngân hàng còn rất vòng vo.
Ví dụ, anh muốn mua EUR, ngân hàng bán cho USD. Sau đó, doanh nghiệp phải bán USD đi để mua EUR. Ngân hàng không có đủ ngoại tệ đáp ứng cho doanh nghiệp. Cho nên, giá nhập khẩu thuốc, nguyên liệu gánh thêm phí “vòng vo”, tính ra lên 21.000-22.000 đồng/USD. Chính vì vậy, dù sắp hết năm 2010 và đáng lẽ ra phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho kế hoạch 2011 nhưng nhiều công ty dược vẫn đang ngập ngừng. Mặt khác, sự lấn át của các loại thuốc ngoại nhập đang đè nặng lên doanh nghiệp dược trong nước.
“Để kết sổ cho năm 2010, các hãng dược nước ngoài đang tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu doanh thu. Vì vậy mà họ không ngại tài trợ cho các bệnh viện tổ chức hội nghị cuối năm, cho bác sĩ đi nghỉ mát”, một lãnh đạo công ty dược trong nước nói. Do đó, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Pharma, cần khuyến khích hỗ trợ tiêu thụ thuốc trong nước nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp dược.
Tại cuộc họp về cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” do Sở Y tế TPHCM phát động mới đây, lãnh đạo Boston Pharma nói cần tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục cấp số đăng ký thuốc cũng như các thủ tục hành chính khác để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và kinh phí, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh viện, bác sĩ tiếp cận các nhà máy dược trong nước để họ tin tưởng vào công nghệ, chất lượng thuốc trong nước sản xuất được. Nhiều công ty dược trong nước cũng kiến nghị sớm có chính sách hỗ trợ kinh phí mua công nghệ; được vay vốn ưu đãi; có chính sách miễn giảm thuế cho các nguyên phụ liệu nhập khẩu đầu vào; có chính sách bảo hộ sản phẩm đầu ra; thực hiện nghiêm luật chống bán phá giá; các doanh nghiệp trong Tổng Công ty Dược Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất dược Việt Nam cần ủng hộ sử dụng những nguyên liệu sản xuất trong nước để sản xuất thành phẩm.
TƯỜNG LÂM