Thị trường nhà đất - Chén thuốc đắng phải uống

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM trong buổi các doanh nghiệp địa ốc TPHCM gặp gỡ lãnh đạo Bộ Xây dựng mới đây. Bởi lẽ, đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp - tính từ năm 2008 - thị trường này đóng băng, “van” tín dụng siết chặt, lãi suất tăng cao, đầu ra hầu như không có…
Thị trường nhà đất - Chén thuốc đắng phải uống

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM trong buổi các doanh nghiệp địa ốc TPHCM gặp gỡ lãnh đạo Bộ Xây dựng mới đây. Bởi lẽ, đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp - tính từ năm 2008 - thị trường này đóng băng, “van” tín dụng siết chặt, lãi suất tăng cao, đầu ra hầu như không có…

  • Chung cư khó bán, đất nền giảm giá

Trước Tết Tân Mão, một số chủ đầu tư xây dựng chung cư bắt tay tính toán đầu ra thông qua hình thức hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng. Đó là chủ đầu tư dự án chung cư I (quận 2, TPHCM) đưa ra chương trình khách hàng có thể vay tới 75%, chỉ trả lãi khi nhận nhà hoàn thiện; dự án T (quận 7), khách hàng chỉ đóng trước 30% giá trị hợp đồng, phần còn lại sẽ thanh toán khi nhận bàn giao căn hộ vào năm 2013 với lãi suất 0%, không chứng minh thu nhập… Tuy nhiên, việc hỗ trợ trên chỉ tính đến thời điểm lãi suất không tăng cao, còn hiện nay lãi suất cho vay ra tăng 22%/năm thì khó khăn hơn rất nhiều.

Thị trường địa ốc còn gặp khó. Trong ảnh: Một khu dân cư ở Bình Chánh. Ảnh: Việt Dũng

Thị trường địa ốc còn gặp khó. Trong ảnh: Một khu dân cư ở Bình Chánh. Ảnh: Việt Dũng

Một diễn biến khác, một số chủ đầu tư bắt đầu giảm giá bán. Dự án Đại Thành, quận Tân Phú do Công ty Đại Thành làm chủ đầu tư, đã quyết định giảm giá khi bán căn hộ từ 14,9 triệu đồng/m² vào năm 2010 xuống còn khoảng 13,1 triệu đồng/m², nhà đã hoàn thiện!

Lãnh đạo Công ty Đại Thành cho rằng, việc giảm giá bán nhằm giúp đồng vốn quay vòng hiệu quả hơn. Thay vì thu lợi nhuận cao nhưng bán chậm, chủ đầu tư đã quyết định “hy sinh” lợi nhuận để thu hồi vốn, quay vòng đồng vốn nhanh hơn. Chủ đầu tư dự án chung cư Hoàng Kim Thế Gia giảm giá 50 triệu đồng/căn hộ. Dự án TDH Trường Thọ, Thủ Đức cũng giảm giá bán từ 15,7 triệu đồng/m² xuống 15,2 triệu đồng/m².

Đối với đất nền, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Tại khu Nam, nhiều nền đất đã rục rịch giảm giá. Dọc trục đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh hiện nay giá đất nền giảm giá rất mạnh so với thời đỉnh điểm.

Anh Tạ Văn Thành, Trưởng phòng Kinh doanh sàn giao dịch Vạn Phúc Long cho biết: “Trước tết, một khách hàng tìm tôi năn nỉ nhờ bán giùm một nền đất diện tích 5x20m, mặt đường 20m thuộc khu dân cư 13A, giá 10 triệu đồng/m², nhưng đến nay cũng chẳng có ai ngó ngàng. Bán với giá như vậy chịu lỗ rất nhiều nếu so với lúc mua vô 26 triệu đồng/m²”.

Hoặc một nền đất khác diện tích 7x20m, khu dân cư 13E, mặt tiền đường vành đai (dự kiến) 60m, lúc đỉnh điểm tăng mạnh trên 30 triệu đồng m², nay chào giá 16 triệu đồng/m² nhưng không ai mua. Anh Tạ Văn Thành khẳng định, việc giao dịch đất nền ở đây rất chậm, có dự án năm rồi chỉ giao dịch chừng 2 nền. Nếu mua để ở thì được, chứ còn đầu tư phải tính tới… nhiều năm!

  • Tiếp tục căng thẳng?

Với tình hình trên, theo đánh giá của hầu hết doanh nghiệp bất động sản, năm nay có thể gặp nhiều khó khăn.

Ông Ngô Vỹ Hùng, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty Sacomreal nhận định: Năm nay khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Lúc đó, nhờ thành công của cơn sốt năm 2007, nên chủ đầu tư sẵn sàng giảm giá mạnh để bán hàng, nhà đầu tư sẵn sàng cắt lỗ. Còn nay, các dự án mới ra, tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng giá vật liệu xây dựng lại tăng cao nên rất khó giảm giá. Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn đứng ngoài cuộc chờ đợi chứ không mua để đầu tư, vì lãi suất ngân hàng quá cao, mua không bán được sẽ bị chôn vốn. Còn người mua để ở, đồng vốn ít, không thể mua nổi vì lãi suất cao.

Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản An Cư Lạc Nghiệp cho rằng, nếu ra hàng mới phải hết sức cân nhắc. Đó là, chủ đầu tư không thể giảm giá mà phải có giải pháp linh hoạt như khuyến mãi, chia sẻ lãi suất, phương thức thanh toán. Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng tăng cao, giá tiêu dùng cũng tăng, lãi suất cao, định giá nào để bán, một bài toán khó khăn.

Nhìn trên bình diện chung, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM đánh giá: Các doanh nghiệp đứng trước áp lực trả nợ ngân hàng, xoay đồng vốn, tiếp tục hoàn thành các công trình còn dang dở. Giai đoạn căng thẳng nhất là khi các doanh nghiệp phải đáo nợ ngân hàng vào tháng 6 hoặc cuối năm. Đó chính là “chén thuốc đắng buộc doanh nghiệp địa ốc phải uống”, ông Lê Hoàng Châu nhận định. 

Ế ẩm văn phòng cho thuê

Giá thuê văn phòng trung bình ở TPHCM đã giảm khoảng 40% trong vòng 3 năm trở lại đây. Thị trường bắt đầu lao dốc mạnh từ quý 2 năm 2008, đặc biệt giá thuê văn phòng hạng A giảm rất mạnh từ hơn 70 USD/m² xuống 40 USD/m².

Theo đánh giá mới đây của Công ty Sacomreal, thị trường văn phòng cho thuê đang ở trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, diện tích còn trống rất nhiều ở các cao ốc hạng A, B… Trong năm 2010, diện tích văn phòng hạng A cho thuê chỉ được 134.000m², còn khoảng 80.000m² không có khách thuê.

Hiện nay giá cho thuê văn phòng hạng A tiếp tục giảm, rơi xuống còn 36 USD/m². Mặc dù không khai thác hết diện tích nhưng văn phòng cho thuê càng khó khăn hơn, khi từ nay đến năm 2013 nguồn cung diện tích văn phòng cho thuê tăng mạnh, ước có thêm khoảng 2,7 triệu m² sàn, trong đó 720.000m² sàn văn phòng hạng A, nhiều cao ốc có diện tích lớn sẽ góp phần tăng mạnh với trên 1 triệu m² sàn xây dựng như M&C, Vietcombank, Times Square, SJC Tower…

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục