Thị trường nội địa - bệ đỡ cho nền kinh tế

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, song đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt để chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế. Thị trường nội địa đã trở thành “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Sử dụng robot chế biến trứng gia cầm, cung ứng thực phẩm bình ổn thị trường tại Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sử dụng robot chế biến trứng gia cầm, cung ứng thực phẩm bình ổn thị trường tại Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Dồn sức cho nội địa

Sau 11 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt là CVĐ) đã cơ bản thay đổi xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, người dân đã ưu tiên lựa chọn, mua sắm hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Với những người có tâm lý sính hàng ngoại thì nay cũng đã có sự thay đổi đáng kể, khi họ quan tâm đến hàng nội hơn. Phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng theo hướng ưu tiên hàng nội địa.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống sự lây lan của Covid-19, có thể thấy rõ sự hoạt động rất tích cực của các DN trong nước, khi nỗ lực đảm bảo đầy đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, không có hiện tượng khan hàng, tăng giá. Nhờ vậy, người dân ngày càng có niềm tin với hàng Việt và dần thay đổi thói quen mua sắm. Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon, chia sẻ, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, đơn hàng xuất khẩu đã tăng tới 300% so với bình thường. Ở Việt Nam, sức mua thị trường trong nước tăng đột biến ở tất cả mặt hàng như mì tôm, phở, hủ tiếu, miến, bột canh, nên công ty đã quyết định cắt các đơn hàng xuất khẩu để dồn sức cho thị trường nội địa. Công ty cũng dự trữ nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất từ 6 tháng đến 1 năm với giá bán ổn định; phối hợp chặt chẽ với Saigon Co.op để sản xuất nhóm hàng, cung ứng đầy đủ cho các khu vực cách ly của thành phố.

Tương tự, tại nhiều DN khác như Vissan (cung ứng thịt gia súc, thực phẩm chế biến), Miliket - Colusa (mì gói và các loại thực phẩm chế biến đóng gói)… đã tích cực tìm kiếm các nguồn nguyên liệu, đảm bảo cho sản xuất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dân trong mọi hoàn cảnh.

Ở chiều ngược lại, việc người Việt sử dụng hàng Việt Nam không chỉ là giải quyết các vấn đề về thị trường tiêu thụ cho các DN Việt Nam mà còn giúp cân đối về ngoại tệ của chúng ta trong bối cảnh xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn. Mặt khác, bản thân việc người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam sẽ giúp các DN có định hướng chiến lược rõ ràng trong đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đây cũng chính là biện pháp, là cơ sở vững chắc giúp nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh khi dịch đi qua.

Tăng cường điểm bán hàng Việt

Tại hội nghị tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, Bộ Công thương cho biết, sau 6 năm thực hiện, đề án mang lại những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội phục vụ đời sống của người dân.

Cùng với việc thực hiện CVĐ, chúng ta đã thiết lập được hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam xuyên suốt từ trung ương đến vùng sâu, vùng xa. Kể cả các khu công nghiệp, cũng như miền núi, biên giới, hải đảo, hàng hóa Việt Nam được đưa đến phục vụ người tiêu dùng. Đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa phát triển rộng khắp trên cả nước. Thông qua đề án đã thiết lập hơn 100 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam. Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ đã chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế đất nước gặp khó khăn do khủng hoảng của kinh tế thế giới, muốn giữ cho sự phát triển ổn định, chúng ta phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trong nước.

Là một trong các DN bình ổn thị trường tại TPHCM, đồng thời là đơn vị hàng đầu của thành phố tích cực triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước, bên cạnh việc củng cố các đối tác phân phối truyền thống, Công ty TNHH San Hà (chuyên cung cấp các loại thịt gia cầm) đã chủ động xây dựng được chuỗi San Hà FoodStore với 28 điểm bán trên toàn thành phố. Tại đây, San Hà cung cấp hàng ngàn sản phẩm, trong đó chủ yếu là thực phẩm tươi sống thiết yếu, thực phẩm đông lạnh và chế biến phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà, cho biết, việc mở các điểm bán không chỉ giúp công ty có thêm một kênh phân phối cho chính mình, mà còn giúp nắm bắt được xu hướng, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp.

Để đa dạng hóa nguồn hàng với giá bán ổn định, San Hà đã thiết lập được các đối tác cung ứng trực tiếp từ trang trại đến người tiêu dùng. Hiện đã có một số mặt hàng được thực hiện theo tiêu chí này như thịt gia cầm, bưởi, rau củ quả, cá… Trong thời gian tới, San Hà sẽ tiếp tục mở rộng danh sách các mặt hàng được cung ứng trực tiếp để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm và thương hiệu, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Nói về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển các điểm bán hàng Việt, bà Phạm Thị Ngọc Hà cho rằng, công ty nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các bộ ngành của trung ương đến các sở ngành chức năng của thành phố. Tuy nhiên, để phát triển và duy trì một điểm bán lại cần rất nhiều vốn. Do vậy, để thúc đẩy phát triển các điểm bán trong giai đoạn mới, DN cần các cơ chế chính sách mới, trong đó có việc tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất. Chỉ như vậy mới khuyến khích các DN trong nước tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt và đẩy mạnh kết nối giữa các DN, nhất là thương mại điện tử, hướng đến phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, San Hà đã và đang thực hiện đúng tôn chỉ, chức năng của một DN chăn nuôi. Đó là thiết lập được hơn 120 trang trại đạt chuẩn an toàn chăn nuôi, quy trình chăn nuôi đảm bảo chất lượng, khép kín cùng hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất. Điều quan trọng, San Hà đã khai thác rất tốt thị trường nội địa để làm “bệ đỡ” vững chắc cho sản xuất, kinh doanh.

Tại hầu hết hệ thống siêu thị, hiện hàng Việt chiếm bình quân khoảng 90% số lượng mặt hàng. Con số này tương ứng với doanh thu của các nhóm hàng, thậm chí ở một số nhóm hàng Việt, doanh thu có phần nhỉnh hơn so với hàng ngoại do số lượng hàng bán ra ngày càng tăng. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cũng như các sạp hàng ở khu vực các chợ bán lẻ, đã bố trí những vị trí tốt nhất để người tiêu dùng dễ nhìn.

--------------------

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019, có tới 88% số người tiêu dùng được hỏi cho biết, quan tâm tới Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 67% xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên chọn hàng Việt; 52% luôn khuyên người thân, bạn bè sử dụng hàng Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục