Ngành thép trong nước đang đối mặt với hàng loạt khó khăn do sức mua yếu, nguồn cung dư thừa, trong khi đó nguyên liệu liên tục tăng cao, còn hàng nhập khẩu vẫn ồ ạt tràn vào khiến sức cạnh tranh càng thêm gay gắt. Kỳ vọng lớn nhất hiện nay là trông chờ vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết, mở đường cho ngành thép xuất khẩu.
Khó khăn bủa vây
Mặc dù ngành thép đang vào mùa xây dựng cuối năm, nhưng do gặp thời tiết mưa bão nên sức cầu khá ảm đạm. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào như thép phế liệu, điện, cước vận tải… liên tục tăng nên các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá để tồn tại. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, các nhà máy thép đã tăng giá 3 lần, tổng cộng tăng thêm 450.000 đồng/tấn. “Nhưng nhìn chung từ đầu năm đến nay, tình hình không có nhiều tiến triển tích cực, vẫn cung vượt cầu, giá giảm, hàng nhập khẩu cạnh tranh mạnh mẽ khiến doanh nghiệp lao đao, lợi nhuận giảm” - ông Phan Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Phan Khang chuyên cung cấp sắp thép tại quận 12, TPHCM cho biết.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung 9 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thép đã sản xuất được trên 3,3 triệu tấn; lượng thép xây dựng tồn kho khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến trung tuần tháng 9, tổng lượng thép và nguyên liệu sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam lên tới hơn 8 triệu tấn; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 5,1 tỷ USD. Riêng đối với thép cuộn nhập khẩu năm nay tuy có giảm nhưng không đáng kể, trong khi lượng thép cuộn hợp kim chứa nguyên tố Bo lại tăng mạnh. VSA cho biết, tổng công suất thép xây dựng cả nước tính đến cuối tháng 8-2013 đạt 11,3 triệu tấn. Trong đó, có 2 triệu tấn thuộc các nhà máy thép đang trong giai đoạn xây dựng, 2 triệu tấn của 11 doanh nghiệp thép khác đang hoạt động rất khó khăn, đã ngưng hoạt động hoặc chỉ chạy cầm chừng. Như vậy, công suất 7,5 triệu tấn của các doanh nghiệp còn lại phải cạnh tranh với nhau khá căng thẳng bởi cung vẫn lớn hơn cầu, chưa kể thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt cũng khiến ngành thép trong nước thêm khó khăn. VSA dự báo tiêu thụ thép xây dựng cả năm 2013 chỉ đạt xấp xỉ 5 triệu tấn, tăng 3% - 5% so với năm 2012.
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ thép thường tăng mạnh trong mùa xây dựng cuối năm do thời tiết khô ráo, song nguồn cung hiện đang vượt xa cầu nên giá có thể không tăng mạnh. Chưa kể, từ nay đến cuối năm, nhà máy mới của Công ty CP Thép Miền Trung, nhà máy mới của Thép Hòa Phát với công suất 450.000 tấn/năm và nhà máy mới của doanh nghiệp Sumikin với công suất 1,2 triệu tấn… sẽ đi vào hoạt động. Nhiều dự án thép mới với công suất hàng trăm ngàn tấn thép vẫn tiếp tục được đầu tư. Ngoài ra, nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc cũng góp phần làm cho nguồn cung tăng cao.
Đón đầu TPP
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 25,24% về lượng và tăng 16,66% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sắt thép sang 26 thị trường trên thế giới, dù vậy so với cùng kỳ năm 2012, thị trường xuất khẩu 9 tháng năm 2013 lại thiếu vắng thị trường Brazil, New Zealand và Thụy Sĩ. Thị trường chính nhập khẩu sắt thép của Việt Nam trong thời gian này là Campuchia, chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, đạt 492,9 ngàn tấn, trị giá 337,3 triệu USD; kế đến là thị trường Indonesia với lượng xuất đạt 231,6 ngàn tấn, đạt kim ngạch 126,2 triệu USD. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tới đây khi Việt Nam tham gia vào TPP, các doanh nghiệp thép của Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sắt thép. “Khi tham gia vào TPP, ngành thép Việt Nam hoàn toàn có lợi, tiêu thụ sản phẩm làm ra được nhiều hơn và nhập khẩu được sản phẩm tốt hơn. Bởi sản phẩm thép của Việt Nam có chất lượng ở mức trung bình, nếu được giảm thuế khi vào TPP, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu sang các nước ở phân khúc thép trung bình được nhiều hơn”, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường đưa ra nhận định. Đáng chú ý, trong số các nước tham gia TPP, Nhật Bản là nước mạnh về sản xuất tôn và ống thép.Tuy nhiên, các sản phẩm của Nhật Bản ở phân khúc giá cao nên không ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu mặt hàng tôn và ống thép vào Việt Nam.
Theo Tổng Giám đốc Tôn Hoa Sen (HSG) Trần Ngọc Chu, hiện doanh nghiệp đang chiếm 40% thị phần tôn thép nội địa và xuất khẩu đến 30 quốc gia trên thế giới, do vậy khi TPP có hiệu lực, cơ hội để khai thác các thị trường lớn và tiềm năng như: Chile, New Zealand, Mỹ, Úc, Mexico sẽ được mở ra. “Nhìn vào thực tế, hàng loạt nhà máy thép đã và đang triển khai với công suất lớn so với nhu cầu khá thấp hiện nay sẽ dẫn đến “bội thực” nguồn cung. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần vạch ra chiến lược cho sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt lưu ý giá cả, chất lượng cạnh tranh, bên cạnh xây dựng tốt công tác xúc tiến thương mại để sẵn sàng đón đầu khi TPP được ký kết. Như vậy, chúng ta vừa giải quyết được bài toán nguồn cung dư thừa vừa thâm nhập tốt thị trường xuất khẩu”, thạc sĩ kinh tế Trần Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết
THẢO TIÊN - LẠC PHONG