Hai ngày đầu năm 2015, sức mua tại một số cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm… trên địa bàn TPHCM tăng nhẹ, khoảng 30% - 40% so với ngày thường. Tuy vậy, cũng có những điểm bán hàng khách chỉ đến tham khảo, hỏi dò giá là chính chứ không mua. Đại diện các doanh nghiệp, cửa hàng kỳ vọng sức mua tăng đột biến vào 2 ngày nghỉ lễ cuối cùng rơi vào thời điểm cuối tuần.
Ghi nhận vào chiều 2-1, tại một số siêu thị như BigC, Co.opMart, Maximark…, lượng khách đến tham quan mua sắm tăng nhẹ. Lượng hàng tiêu thụ nhiều là các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, trái cây các loại.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại BigC, cho biết: “Do kỳ nghỉ lễ kéo dài đến cuối tuần nên mãi lực tại hệ thống BigC tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Hệ thống BigC tại các tỉnh miền Trung và khu vực phía Bắc, lượng khách mua sắm tăng mạnh. Ngoài lượng khách mua sắm thường xuyên tại địa phương, BigC còn đón lượng lớn khách du lịch, người dân trở về quê nghỉ tết”.
Tương tự, ông Bùi Tấn Cường, Giám đốc Kinh doanh hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa, cũng thông tin thêm, từ lễ Giáng sinh đến nay, tình hình kinh doanh có phần khởi sắc, thị trường sôi động hơn. Ông Bùi Tấn Cường dự báo mãi lực tháng 1-2015 tại hệ thống siêu thị điện máy này có thể tăng khoảng 30%.
Người dân huyện Hóc Môn mua hàng bình ổn giá tại một cửa hàng Vissan. Ảnh: KIM NGÂN
Ngoài một số siêu thị, cửa hàng được xem là “ăn nên làm ra” trong 2 ngày đầu năm, thì không ít điểm kinh doanh khá đìu hiu, đang chờ tín hiệu khởi sắc trong vài ngày nữa. Lướt qua một vài trung tâm chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy trên tuyến đường Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), khách tới mua sắm khá thưa thớt. Nhiều điểm bán, nhân viên đông hơn người mua.
Ví dụ, khu vực trưng bày hàng điện tử, điện máy tại siêu thị Trần Thế; siêu thị Đệ Nhất Phan Khang… Nhân viên tại đây cho biết, khách hàng tới khá đông vào buổi tối nhưng chủ yếu tham khảo giá, chỉ chọn mua những mặt hàng thật sự cần thiết. Một số người có tâm lý chờ đợi cận Tết Nguyên đán 2015 sản phẩm có giảm sâu hay không rồi mới quyết định mua hàng.
Trái ngược hẳn với không khí mua bán tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, tình hình kinh doanh hàng thời trang vỉa hè, dịch vụ ăn uống tại TPHCM khá nhộn nhịp. Tại điểm bán quần áo trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình)… lượng khách mua hàng đêm lúc nào cũng đông nghẹt. Chỉ vào đống quần áo, khăn quàng cổ sặc sỡ sắc màu, chị Năm - một người bán hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám hồ hởi khoe: “Hai ngày đầu năm mới, người ta đi chơi nhiều, mua sắm cũng nhiều. Tính ra nửa ngày nay cũng bỏ túi gần 500.000 đồng tiền lời”.
Anh Hồ Công Tuấn, chủ tiệm hải sản trên đường Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) chia sẻ, 2 ngày nay, lượng khách đổ về quán thưởng thức các món tôm, cua, càng ghẹ rất đông. Hàng chục nhân viên trong quán phải vắt giò lên cổ chạy cũng không kịp. “Nhìn chung, giá mặt hàng hải sản tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tùy mặt hàng. Chẳng hạn, càng ghẹ ở mức 200.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với trước; cua thịt, cua gạch giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000 đồng/kg. Nhân viên ở đây lấy hàng trực tiếp tại chợ đầu mối Bình Điền về chế biến, phân phối cho khách”, anh Hồ Công Tuấn nói.
Khách hàng mua sắm dịp Tết Dương lịch tại siêu thị. Ảnh: QUỐC NGUYÊN
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền nhận định, hàng hóa đổ về chợ vẫn ổn định. Thậm chí, trong 2 ngày 1 và 2-1, chợ Bình Điền khá vắng do công nhân, người dân… đi du lịch hoặc đổ về quê. Đối với một số mặt hàng thủy hải sản phục vụ ăn chơi ngày lễ có tăng giá chút đỉnh do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng đột biến. Nhưng nhìn chung, đây là những mặt hàng cá biệt, không phải là mặt hàng chi phối giá cả thị trường.
GIA HÂN