Dù thị trường nội địa đang dần khởi sắc trở lại, song ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước lại canh cánh nỗi lo bởi sức ép cạnh tranh của làn sóng hội nhập ngày càng gay gắt.
Sức mua tăng trở lại
Dù là tháng 7 âm lịch, nhưng nhờ “ăn theo” các công trình xây dựng rầm rộ khởi công trước đó, nhiều công ty, cửa hàng kinh doanh VLXD tại TPHCM vẫn “sống khỏe” do sức mua tăng cao. Không khí mua bán tại các cửa hàng chuyên kinh doanh VLXD tại khu vực gần trung tâm TP như đường Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt (quận 10) hay vùng ven quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), dọc quốc lộ 1 qua địa bàn quận 12, huyện Bình Chánh... diễn ra khá sôi động. “Mấy tháng nay, lượng khách đến đặt mua sắt thép, gạch, cát, xi măng tăng gấp đôi so với trước đây. Mỗi tháng, cửa hàng tôi bán được khoảng 100-120 triệu đồng doanh thu, cao hơn nhiều so với 30-40 triệu đồng những tháng trước đó”, bà Trần Thị Hạnh, chủ cửa hàng VLXD trên đường hương lộ 80, huyện Bình Chánh hồ hởi nói. Anh Hồ Văn Huệ, chạy xe ba gác máy ở khu vực Ngã tư An Sương, cho biết, “đội quân” chở mướn ở khu vực này trên dưới 20 chiếc. Trước đây, mỗi ngày chỉ chở mướn được một, hai chuyến VLXD, kiếm được 150.000 - 200.000 đồng, nhưng gần đây nhà cửa xây dựng nhiều nên mỗi ngày, một người chạy được 4-5 chuyến, thu nhập cũng khá và ổn định hơn trước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH SX TM Hoàng Tùng… cho biết, trong những tháng gần đây, sản lượng bán hàng của đơn vị tăng khoảng 50%.
Thị trường vật liệu xây dựng đang ấm dần lên (Ảnh bán thép ở một cửa hàng tại quận Bình Tân TPHCM) (Ảnh: CAO THĂNG)
Nằm trong nhóm VLXD, sắt thép và xi măng có lượng tiêu thụ đạt hoặc vượt mức dự báo. Cụ thể, với xi măng, 7 tháng đầu năm 2015, tiêu thụ đạt khoảng 40 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 2/3, số còn lại xuất khẩu. Tương tự, ngành thép có mức tiêu thụ vượt dự kiến với trên 3 triệu tấn sản phẩm thép xây dựng, tăng 24% so với cùng kỳ, vượt xa con số dự báo khoảng 12% trước đó. Tuy nhiên, ngành thép được xác định là vẫn chưa thoát khỏi bức tranh ảm đạm trước kia, vì tình trạng nhập siêu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, thị trường bất động sản ấm lên sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng tăng cao. Do đó, tiêu thụ xi măng, sắt thép nói riêng và VLXD nói chung cho xây dựng nhà ở cũng tăng theo. Đáng chú ý, từ nay đến cuối năm, giá các loại VLXD sẽ còn giảm thêm vì một số nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Đối mặt thách thức
Theo các chủ cửa hàng kinh doanh VLXD, cùng với sức mua tăng, thời gian gần đây thị trường VLXD cũng xuất hiện nhiều sản phẩm mới, giá cả “loạn xạ”, tùy thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là những thiết bị nội thất như gạch lát nền, phụ kiện nhà tắm, nhà vệ sinh… thường có nguồn gốc không rõ ràng hoặc nhái nhãn hiệu. Những sản phẩm này giá cả thường chênh nhau gấp đôi, nếu người mua không tinh mắt rất khó phân biệt. Mới đây, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cảnh báo và khuyên người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua sản phẩm VLXD. Đồng thời, nên chọn những địa chỉ tin cậy như đại lý chính hãng của nhà sản xuất để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Trong trường hợp nghi ngờ chất lượng không ổn nên mang đi kiểm định chất lượng. “VLXD nhập khẩu đang tràn vào ngày càng nhiều, đặc biệt sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, giá cả rẻ hơn rất nhiều so với hàng nội địa và sản phẩm của các nước nhập khẩu khác. Trong khi đó, hiện nay quy định về kiểm soát chất lượng mặt hàng VLXD còn lỏng lẻo nên hàng nhái, kém chất lượng rất dễ trà trộn vào, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất lẫn người tiêu dùng”, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Hoàng Sơn Trần Văn Long, đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng các thiết bị phụ kiện nhà tắm, huyện Hóc Môn phân tích.
Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành VLXD, sắp tới cạnh tranh thị trường khốc liệt hơn. Đặc biệt, VLXD từ các thị trường láng giềng được miễn thuế tràn vào. Đơn cử, thống kê của Hiệp hội Thép cho thấy lượng thép nhập khẩu với thuế suất 0% từ ASEAN vào Việt Nam đã lên 43.000 tấn. Hiện tại, thép là mặt hàng cạnh tranh gay gắt nhất với hàng ngoại. Tương tự, gần đây, thị trường gạch, gạch lát nền đang có sự cạnh tranh mạnh của sản phẩm từ Trung Quốc do mẫu mã đẹp, giá rẻ. Các loại thiết bị vệ sinh như bồn tắm, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa… có xuất xứ từ Trung Quốc cũng xuất hiện khá nhiều trên thị trường, với giá chỉ bằng 60% - 70% so với hàng sản xuất trong nước.
|
LẠC PHONG