Tọa lạc ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), trước cơn lốc đô thị hóa, buôn Akô D’hông vừa giữ gìn trọn vẹn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê với những mái nhà dài truyền thống, rượu cần, chiêng ché…, vừa tiến những bước dài để trở thành một buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Ghé buôn Akô D’hông (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) vào một ngày giáp xuân, chúng tôi như bị cuốn hút trước những ngôi nhà dài mái cổ lấp ló trong nắng sớm. Con đường nhỏ quanh co dẫn vào buôn đã trải nhựa sạch sẽ, xanh mướt cây cối. Ở khoảng rừng đầu buôn thấp thoáng bóng sơn nữ mang gùi ra bến nước. Bên khung cửa sổ một ngôi nhà dài, Mí Pi, một phụ nữ Ê Đê, đang cần mẫn ngồi dệt những bộ áo váy thổ cẩm.
Không như ở một số địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên, nghề dệt thổ cẩm đang dần mất đi, ở đây, hầu như người phụ nữ nào cũng biết tự dệt cho mình những sản phẩm xinh xắn như túi xách, váy áo, khăn choàng… phục vụ cho bản thân, gia đình và bán ra thị trường. Với Mí Pi, từ nhiều năm nay, công việc dệt váy áo thổ cẩm phục vụ khách du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Những ngày này, bà càng tất bật hơn để kịp làm ra nhiều bộ váy sặc sỡ, với đường nét hoa văn tinh tế cho bà con trong buôn mặc đi chơi tết và bán cho du khách trong dịp xuân về. Hai cô con gái của bà cũng tranh thủ những ngày nghỉ học, từ TPHCM về dệt thổ cẩm phụ mẹ.
Chỉ tay vào hàng chục mẫu túi xách, khăn, váy, áo thổ cẩm rực rỡ màu sắc, với những họa tiết xinh xắn xếp ngay ngắn trên đầu tủ, Mí Pi tự hào bảo: "Nghề này không chỉ nuôi sống cả gia đình mình mà còn tạo ra được của ăn, của để. Không chỉ lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, ở buôn mình nhiều người vẫn giữ được cách đan gùi nữa đấy. Thỉnh thoảng có những đoàn khách du lịch đến thăm còn đặt hàng để làm quà lưu niệm…".
Cũng bằng cách này, Ama Phin đã giữ được nghề làm rượu cần cho buôn. Sản phẩm của ông trở thành món quà đặc biệt cho du khách trong và ngoài nước. "Từ nhỏ mình đã học được nghề này rồi. Mình sẽ truyền nghề cho con cháu, để nét văn hóa của người Ê Đê mình không bao giờ mất đi", Ama Phin tâm sự. Còn Ama Loan thì tự hào việc mình đã truyền dạy cho nhiều thế hệ con dân trong buôn biết đánh cồng chiêng. Nghệ nhân này không chỉ sưu tầm, lưu giữ nhạc cụ dân tộc mà còn mày mò chế tạo ra nhạc cụ cho dân tộc, cho buôn làng mình.
Nằm ngay bên hông TP Buôn Ma Thuột, có một khu rừng được bà con trong buôn nâng niu gìn giữ như trái tim của mình. Bởi họ tâm niệm đó là nguồn sống, mạch nguồn của con suối, con sông, ai đụng vào sẽ mất tất cả. Với suy nghĩ như vậy nên người dân buôn Akô D’hông không chỉ giữ được rừng mà còn trồng thêm rừng. Trong buôn, nhà nào cũng rợp bóng cây xanh, bên những nếp nhà dài mái cổ vươn xa kiêu hãnh là những vườn hoa quanh năm khoe sắc, những tán cây mát rượi che chở cho buôn làng.
Buôn hiếu học
Người dân trong buôn Akô D’hông giàu có và hiếu học. Ngoài căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê áng ngữ phía trước, nhà nào cũng có một căn biệt thự hiện đại sừng sững ở đằng sau và không ít nhà có ô tô sang trọng. Hỏi chuyện phát triển kinh tế của buôn, ông Y Thách (55 tuổi), Trưởng buôn Akô D’hông, tự hào: "Buôn mình không còn ai nghèo cả. Bà con mình rất chăm chỉ làm ăn. Ngoài trồng cà phê, hoa màu, làm du lịch tại buôn, nhiều gia đình còn thuê đất ở những huyện xa làm nông nghiệp để phát triển kinh tế".
Akô D’hông tự hào về sự giàu đẹp với những con số: 7 năm đạt danh hiệu buôn văn hóa, gần 100% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 100% trẻ em trong buôn được đến trường, trong đó có đến 90% học sinh học hết lớp 12, không còn hộ nghèo, tất cả các con đường trong buôn đều được bê tông hóa… Hàng năm người dân ở đây rất tích cực đóng góp vào các quỹ phúc lợi xã hội. Người của buôn Akô D’hông luôn đoàn kết một lòng. Chính vì vậy cuộc sống của bà con trong buôn luôn chan hòa niềm vui, như người trong một nhà.
Nét riêng của buôn Akô D’hông là hầu như gia đình nào cũng có con theo học đại học, cao đẳng. Điển hình như gia đình Mí Pi, vợ chồng Mí có 4 người con thì cả 4 đều được cha mẹ cho ăn học tới nơi tới chốn; trong đó Hyon, cô con gái thứ 3 chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ. Hay gia đình Mí Ngoan có 2 người con học đại học và đều có công việc ổn định, thành đạt. Những người con của buôn sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng phần lớn đều đóng góp kiến thức của mình cho quê hương. Nhiều lãnh đạo đầu ngành, cán bộ thành đạt, trí thức của tỉnh Đắk Lắk có xuất thân từ buôn Akô D’hông. Trong khi ở nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số khác, thanh niên nam nữ thường "bắt chồng", lấy vợ từ rất sớm, thì buôn Akô D’hông lại có quan niệm "chưa học hành đỗ đạt, chưa có công việc ổn định thì chưa lập gia đình". Cũng từ suy nghĩ này nên tình trạng tảo hôn không tồn tại trong buôn.
Ở buôn Akô D’dông, mái nhà dài cũ vẫn được người dân lưu giữ một cách trân trọng. Theo hương ước do buôn làng đặt ra, gia đình xây dựng nhà mới theo phong cách hiện đại thì phải làm ở phía sau một ngôi nhà truyền thống. Bởi theo phong tục của người Ê Đê, những ngôi nhà dài ấy là tổ tiên, gốc tích của cha ông nên phải được nâng niu, giữ gìn, bất kỳ ai cũng không được phép dỡ bỏ.
Rất tiếc, khi chúng tôi đến thăm buôn thì vị già làng huyền thoại Ama Hrin đã về với thế giới Atâu từ mùa rẫy trước. Với người dân buôn Akô D’hông, già làng Ama Hrin như một "vị thánh", người đã mang hơi thở, ánh sáng đến cho cuộc đời của họ. Già Ama Hrin chính là người có công khai sinh ra buôn Akô D’hông hơn nửa thế kỷ trước. Nhớ về ông, Trưởng buôn Y Thách kể: "Buôn Akô D’hông có khang trang, sạch đẹp và còn lưu giữ nét truyền thống như ngày hôm nay đều là công lao, tâm huyết của già làng Ama Hrin. Già có uy tín lắm, làm nhiều hơn nói nên người trong buôn ai cũng nghe theo" .
Đức Trung