Thiên tài luôn là kẻ mộng mơ vĩ đại

HÀ QUANG MINH

Số ra mới nhất của tạp chí 4-4-2 kể lại câu chuyện về Diego Maradona, một câu chuyện mà không phải ai cũng biết tới, kể cả đó là người thần tượng Maradona đến mấy đi nữa. Đó là trận cầu chuyên nghiệp đầu tiên của Maradona, trong màu áo CLB Argentinos Juniors. Ngày 20-10-1976 ấy đánh dấu sự ra mắt của một thiên tài, một huyền thoại, một riêng, một duy nhất.

Maradona lúc đó mới 15 tuổi, 11 tháng, 20 ngày và Ban huấn luyện CLB biết rằng anh đủ sức chơi chuyên nghiệp rồi song họ vẫn lo ngại nếu cho anh ra mắt sớm quá có thể sẽ làm hại anh. Bởi vậy, cách đó 1 tháng, họ đã cho anh chơi thử một trận cho đội hình trẻ (nhưng là lứa lớn hơn lứa Maradona đang tập) và đó là trận cầu thảm họa. Maradona chửi trọng tài, dính thẻ đỏ, bị treo giò 5 trận. Nhưng sau khi mãn hạn treo giò, HLV Carlos Montes đã tin tưởng vào cậu bé của mình và giao cho anh chiếc áo số 15.

Thậm chí, CLB còn thuê riêng một căn hộ nhỏ gần SVĐ để Maradona ở với mục đích anh đến sân gần hơn, đúng giờ hơn. Hôm ấy, cha của Maradona không ra sân được, ông phải đi làm. Còn Maradona thì bắt tàu điện ngầm, rồi chuyển tiếp bằng xe bus, tới sân đúng 12g trưa, ăn steak với khoai tây và chờ đợi cơ hội. Anh không nghĩ rằng mình sẽ được ra sân bởi trước đó, Pele còn phải đợi tới 2 tháng trên băng ghế dự bị mới được trình làng.

Vậy mà chỉ sau 45 phút đầu tiên, khi Argentinos bị dẫn 1-0, Montes nói “Pibe (chú nhóc), hãy làm bất kỳ gì mà chú biết đi. Và nếu có thể, hãy xỏ kim cầu thủ đội bạn”. Maradona không nghĩ là Montes gọi mình, anh nhìn xung quanh và thấy chỉ mỗi mình anh là “Pibe”. Anh hiểu, và khởi động, sau 30 giây, anh vào sân thay Ruben Giacobetti. Sẽ là sỉ nhục cho 1 cầu thủ đội 1 nếu bị thay bởi 1 thằng nhóc 15 tuổi. Nhưng Giacobetti không cảm thấy thế. Anh ta ngồi nán lại cả hiệp hai để xem thằng nhóc ấy làm được gì, và sau này, Giacobetti nhận xét “Tôi đã may mắn không bỏ lỡ cơ hội được làm chứng nhân lịch sử”.

Ngay lần chạm bóng đầu tiên của sự nghiệp chuyên nghiệp, điều Maradona làm là một cú xỏ háng, đúng như yêu cầu của HLV Montes. Nạn nhân tội nghiệp là hậu vệ kỳ cựu Juan Domingo Cabrera. Và tất nhiên, Maradona phải lĩnh hậu quả. Cabrera, vì quá xấu hổ, đã giật một cú chỏ vào ngực thằng bé 15 tuổi. Thẻ vàng. Và đó là thẻ vàng thứ hai. Cabrera bị đuổi. Nó chính là thành quả của Maradona, một thành quả của thiên tài. Chính đồng đội thời đó, Sebastian Ovelar đã nói “Maradona thừa biết Cabrera sẽ bị đuổi nếu nhận thêm thẻ và cậu ấy cố tình làm thế”. Còn Cabrera, tới năm 2001 mới cay đắng nói rằng “Tôi biết mình là một phần của lịch sử”.

Câu chuyện của Maradona cho thấy rằng, những thiên tài thường có màn ra mắt siêu hạng, với những điều thần kỳ. Và từ cú ra mắt thần kỳ của Maradona, chúng ta nhìn lại màn ra mắt của Pep Guardiola để khẳng định rằng, ông là một thiên tài thực sự, chứ không phải là kẻ ăn may trên những đội hình mạnh bậc nhất.

Ở ngay mùa giải đầu tiên nắm Barcelona, cú ăn 3 của Pep đủ minh chứng rằng phải là thiên tài mới thực hiện được điều kỳ diệu ấy. Không ít HLV vô địch quốc gia, hoặc cúp châu Âu ngay ở mùa giải đầu tiên huấn luyện 1 CLB nhưng để ăn ba ở ngay mùa giải đầu tiên ra nghề thì chỉ có Pep làm được mà thôi.

Nhưng, những tranh cãi về tài năng của Pep ngày một dày hơn khi Man City đang văng ra ngoài tốp 4 và gần như không còn cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch. Màn ra mắt Premier League ấy quả là tệ hại với 1 HLV danh tiếng như Pep và nó khiến nhiều người nghi ngờ khả năng thực sự của HLV xứ Catalonia.

Thực tế, 7 trận đầu toàn thắng của Man City dưới tay Pep là giai đoạn các CLB Premier League mới bắt đầu nên chưa có điểm rơi tốt nhất. Bởi thế, họ chưa phát huy hết đặc sản áp sát, tranh chấp quyết liệt khi gặp Man City. Nhưng chỉ sau 1 tháng rưỡi, khi các đội đều đã ở vào phong độ, thể lực tốt nhất, Man City gặp khó khăn lập tức với lối chơi huỷ diệt kia. Trong khi đó, Pep lại kiên trì chối từ lối chơi tranh chấp quyết liệt ấy. Ông giữ lấy triết lý của mình, cố gắng dùng nó chống lại tất cả, như hiện thân của bóng đá trình diễn chống lại thứ bóng đá dựa trên nền tảng thể lực cùng tinh thần của những chiến binh.

Có thể Pep sẽ không bao giờ thắng được Premier League vì cứ khư khư triết lý của mình nhưng đó cũng là hiện thân của một giấc mơ đẹp, một giấc mơ vĩ đại muốn chống lại cả thế giới bằng cái đẹp của riêng mình. Và chỉ cần khía cạnh ấy thôi, chúng ta cũng đủ để gọi ông là thiên tài bởi thiên tài vẫn thường có những lúc mộng mơ, những mộng mơ mà người khác có thể coi là hão huyền nhưng với họ lại là giấc mơ vĩ đại mà họ cần chinh phục.

HÀ QUANG MINH

Tin cùng chuyên mục