Thiên tai tiếp tục bao vây miền Trung

Lũ quét kinh hoàng tại Quảng Ngãi
Thiên tai tiếp tục bao vây miền Trung

Lũ quét kinh hoàng tại Quảng Ngãi

Ngày 14-11, Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Trung Trung bộ cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, trong 2 ngày qua, ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 50 - 100mm, vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi 100 - 150mm. Mưa lớn liên lục đã làm cho lũ trên các sông ở các tỉnh Trung Trung bộ đang lên nhanh. Đến chiều 14-11, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi lên mức báo động 3, có nơi trên báo động 3 đến 0,5m. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 đợt lũ.

Làng chài Phước Thiện (Quảng Ngãi) tan hoang sau lũ. Ảnh: Phạm Ngọc

Làng chài Phước Thiện (Quảng Ngãi) tan hoang sau lũ. Ảnh: Phạm Ngọc

Làng chài Phước Thiện (Quảng Ngãi) tan hoang

Sáng sớm 14-11, trong cơn mưa lớn, cơn lũ quét kéo dài hơn 1 giờ đã làm tan nát làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tuyến đường độc đạo vào xã Bình Hải bị nước lũ “chặt” đứt nên phải đi vòng phía biển khoảng 2km mới vào làng được.

Ngôi nhà của anh Tiêu Viết Khang sập hoàn toàn. Rất may là vợ con anh đã kịp chạy thoát ra ngoài khi cơn lũ ập tới. Nét mặt còn hoảng hốt, anh Khang cho biết: “Bỗng dưng thấy nhà nghiêng, rồi nước lũ quét lên kéo nghiêng. Cả nhà chạy tứ tán ra khỏi nhà, bỏ lại tài sản”.

Chủ tịch UBND xã Bình Hải Nguyễn Văn Thiện cho biết, mới sáng sớm, bà con kịp chạy ra khỏi nhà liền lúc một bên mé đồi đổ ập xuống. Nước lũ từ trên núi đổ xuống đã gây sạt lở và cuốn trôi tài sản của 14 hộ dân, trong đó có 4 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn. Trên 1.400 hộ dân ở đây phút chốc bị cô lập, thiếu lương thực.

Xã Bình Hải đang huy động lực lượng dân quân, nhân dân trong thôn giúp người dân dựng lại nhà cửa, khắc phục khó khăn trước mắt để có nơi ở tạm. Những hộ dân nhà bị sập hoàn toàn, ở tạm với xóm giềng để chờ chính quyền địa phương đến cứu trợ khẩn cấp. Đến 18 giờ chiều qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cũng đã tiếp cận được làng chài Phước Thiện để cùng giúp bà con chèn chống lại những nơi bị sạt lở. Biện pháp tạm thời để đối phó với mưa lũ là lấy bao cát đắp giữ lại những ngôi nhà bị sụp lún.

Chiều cùng ngày, ông Phan Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết, ngoài việc gây ngập 2 thôn Sơn Trà và Tân Hy, nước lũ còn đẩy trôi ra biển 5 ngôi nhà của người dân thôn Sơn Trà và hơn 10 ngôi mộ của bà con. Ngôi trường tiểu học của xã bị nước lũ “bóc” hết mặt sân và hiên, vì vậy xã phải huy động hàng trăm người đóng cọc tre để giữ trường và những ngôi nhà đang bị nước soi vào xói lở móng.

Quốc lộ 1A bị chia cắt

Lũ chia cắt quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Sơn. Ảnh: Phạm Ngọc

Lũ chia cắt quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Sơn. Ảnh: Phạm Ngọc

Tại huyện Bình Sơn tỉnh Quãng Ngãi, nước lũ làm cho các xã ở khu Đông của huyện ngập trên diện rộng, giao thông liên xã liên huyện bị chia cắt. Tại khu vực cầu Cầu Cháy, trên tuyến QL1A nước đã tràn qua mặt đường khiến giao thông bị tê liệt.

Cũng trong ngày 14-11, các lực lượng chức năng tại huyện miền núi Tây Trà đã tiến hành di dời khẩn cấp 27 hộ dân tại khu dân cư nhóm 2, đội 5, thôn Gò Rô xã Trà Phong nằm dưới chân núi Dó đến nơi an toàn.

Chiều 14-11, điểm sụp lún nghiêm trọng trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã An Dân (huyện Tuy An, Phú Yên) đã tạm được khắc phục. Vết nứt rộng gần 30cm, dài hơn 60m, sâu gần 1m, “ăn” nửa mặt đường đã được lấp kín. Tổng lượng đất đá mà Công ty TNHH MTV Quản lý - sửa chữa đường bộ Phú Yên đổ xuống đây ước trên 2.000m³. Tuy nhiên, phía ta-luy âm vẫn còn một hố sâu. Ông Bùi Tô Hoài, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ V, cho biết: “Hiện đường tạm thời đảm bảo lưu thông hai chiều xe. Chúng tôi đang chống sạt lở ta-luy âm”.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải, cho biết, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, di dời 15 hộ ở phía ta-luy âm, 7 hộ dân phía ta-luy dương đi nơi khác để làm tuyến tránh có chiều dài khoảng 200m, rộng 12m cho hai làn xe chạy để đảm bảo thông tuyến. Tuyến tránh này nằm sâu về phía Tây, cách đoạn sạt lở khoảng 30m. Dự kiến việc thiết kế kỹ thuật để thi công đường tạm sẽ xong vào ngày 16-11.

Lũ cô lập 2 huyện tại Quảng Nam

Mưa lớn diễn ra trên diện rộng và kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua tại khu vực vùng cao Trà My, nên từ rạng sáng ngày 14-11, tuyến đường độc đạo ĐT 616 lên các xã vùng cao Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka của huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My đã bị cô lập hoàn toàn. Hôm qua, lượng mưa tại vùng Trà My tiếp tục tăng, nước lũ tại ngầm sông Trường luôn giữ ở mức hơn 3m, điện lưới bị cắt gián đoạn. Hàng chục xe tải vận chuyển vật liệu phục vụ thi công công trình thủy điện Sông Tranh 2 và các công trình xây dựng cơ bản của huyện Nam Trà My bị mắc kẹt.

Chiều tối 14-11, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Nam, cho biết: Do lượng mưa quá lớn, bắt đầu từ sáng 14-11, tỉnh Quảng Nam bắt đầu xả lũ hồ Phú Ninh - hồ chứa nước lớn thứ nhì Việt Nam (sau hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh). Đến chiều cùng ngày, do lượng nước về hồ vẫn cao nên đã xả với lưu lượng 630m3/giây. Việc xả lũ này nhằm đảm bảo an toàn cho hồ cũng như xả lũ “đón đầu” trước khi lũ tự nhiên kéo về nhằm tránh tình trạng “lũ chồng lũ”.

Trưa 14-11, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi chính quyền các tỉnh TP Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi yêu cầu triển khai ngay các phương án chống lũ, kiểm tra mức độ an toàn của các hồ chứa, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Đối với những vùng có nguy cơ bị chia cắt, khẩn trương bổ sung lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết...

Nhóm PV


Cần công trình, phương tiện để sống chung với bão, lũ

Làm gì để người dân miền Trung sống chung với bão lũ vẫn đang là sự quan tâm của nhiều người cũng như các cấp, ngành, địa phương.

Phải kiên cố hóa nhà dân

Những ngôi nhà cộng đồng tránh bão lũ do quỹ xây dựng đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong những đợt lũ vừa qua. Hàng chục ngàn người dân đã được “cứu”. Tiêu biểu như vào ngày 1-11, các vùng dân cư thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa (Phú Yên), nước lũ dâng lên rất nhanh do mưa lớn cộng với việc xả đập thủy điện ở sông Ba Hạ, gây ngập lụt trên diện rộng, UBND xã Hòa Thịnh và xã Hòa An đã di dời hàng trăm hộ dân đến 2 nhà cộng đồng tránh lũ do quỹ xây dựng. Vì thế mà thiệt hại về người và tài sản của người dân nơi đây được hạn chế đến mức thấp nhất.

Đến nay, Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung đã và đang xây dựng 26 nhà cộng đồng tránh bão, lũ ở 14 tỉnh, thành phố; trong đó đưa vào sử dụng 15 công trình. Quỹ cố gắng huy động các nguồn tài trợ để xây dựng 30-35 công trình/năm.

Những nhà cộng đồng tránh bão lũ giúp giảm tổn thất nhân mạng do thiên tai. Ảnh: Phạm Ngọc

Những nhà cộng đồng tránh bão lũ giúp giảm tổn thất nhân mạng do thiên tai. Ảnh: Phạm Ngọc

Tại buổi tọa đàm “Chủ động phòng tránh bão lũ, giảm bớt thiệt hại cho người dân” vừa được tổ chức tại Hà Tĩnh, nhiều ý kiến cho rằng, cần lồng ghép các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với việc đầu tư xây dựng hạ tầng phòng tránh lụt bão, như: Xây dựng trường học, trạm xá vượt lũ; bê tông hóa đường giao thông vượt lũ; mua sắm trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập để từng bước xóa dần các trọng điểm bão, lũ xung yếu. Đặc biệt, mô hình chòi tránh lũ của người dân ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh); kể cả nhà tránh lũ cho gia súc và cất trữ lương thực, tài sản khá hiệu quả.

Nếu triển khai mô hình 3 hộ dân được trang bị một xuồng 3 lá, 1 thôn trang bị một xuồng 5 lá, 1 xã trang bị một ghe máy, khi có lũ lớn người dân sẽ chủ động di dời đến nơi an toàn, không phải chờ các lực lượng cứu hộ. Thực tế cho thấy, nhiều vùng bị cô lập 2-3 ngày lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được, đến lúc này thiệt hại đã rất nặng nề. Kinh phí để thực hiện mô hình này không quá lớn. Ví dụ như ở Hà Tĩnh có 5 huyện, với 23 xã nằm trong vùng trọng điểm lũ lụt, chỉ cần chi khoảng 5 tỷ đồng là có thể thực hiện được.

Với khoảng 70-80 triệu đồng, có thể xây được nhà kiên cố chống bão lũ, Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung sẽ hỗ trợ 30-40 triệu đồng/hộ nghèo, nằm trong vùng trũng thấp. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để người dân có thể sống chung với bão lũ tại gia đình mình mà không phải lo chạy khi có bão, lũ xảy ra.

“4 tại chỗ” tại gia

Xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trong 10 năm qua dù có nhiều cơn lũ tràn qua nhưng không hề có người chết. Trong hai trận lũ vừa qua, đây là nơi ngập sâu nhất, lâu nhất và tốc độ dòng chảy lớn nhất. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi rút ra điều thú vị: Xã Phương Mỹ đã lập kế hoạch di dời dân một cách chi tiết, cụ thể và dễ hiểu. Ví dụ khi nước lũ lên đến mốc nào, cần di dời dân đi đâu, bao nhiêu hộ, lực lượng ở đâu, công tác bảo đảm hậu cần như thế nào. Nếu mức nước lũ tại sân trụ sở UBND cao khoảng 1,8m, có nghĩa là phải di dời toàn bộ người dân trong xã…

Tại những nơi di dời dân đến, người dân hoàn toàn “tự quản”, những gia đình chưa bị ngập tại đó bên cạnh tinh thần “lá lành đùm lá rách” còn có nghĩa vụ và trách nhiệm cưu mang những hộ dân bị ngập (điều này được đưa vào hương ước và quy định của từng thôn, xóm). Những chiếc phuy sắt kết làm bè cứu nạn trong những mùa lũ trước, nay được thay bằng thùng nhựa cùng kích thước và có gắn chân làm bằng tre, gỗ. Những chiếc chân này giúp bè phuy nhựa không bị biến dạng khi nước rút, để dùng tiếp vào mùa lũ sau…

Nhờ đó, 300 năm qua, có nhiều xóm ở đây chưa bao giờ bị ngập. Trong trận lũ vừa qua, dù bị ngập sâu hơn 1m, người dân ở đó vẫn tự tổ chức cuộc sống vượt lũ một cách chủ động và an toàn.

Ở một xã khác thuộc huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thông tin không bị gián đoạn trong thời gian xảy ra cơn lũ nhờ trang bị một máy nổ phát điện để nạp điện cho điện thoại di động. Qua mạng thông tin này, người dân trực tiếp gọi đến cán bộ xã kêu gọi cứu nạn, dù bị cô lập trong nhiều ngày nhưng mối liên hệ giữa xã với huyện, tỉnh và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của quân đội, công an vẫn được giữ vững.

Như vậy, vận động và giúp đỡ nhân dân tích cực thực hiện tốt chủ trương “4 tại chỗ” ngay tại từng hộ gia đình, với từng người dân, từng thôn, xóm, xã, phường là yếu tố căn cơ đối với tất cả các địa phương thường xảy ra bão lũ ở miền Trung.

Nguyễn Đăng Lâm,
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung


Vùng lũ hồi sức

Sau nhiều ngày dồn sức vào việc tập trung khắc phục hậu quả sau lũ, đến nay người dân vùng rốn lũ của các tỉnh Bắc và Nam Trung bộ đã tạm thời ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất vụ đông muộn. Tất cả nhờ sự đùm bọc, sẻ chia của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Dù vẫn còn đó một số bất cập trong tổ chức cứu trợ, nhưng các đợt cứu trợ vừa qua thể hiện sự lớn lao về quy mô, sự tham gia kịp thời, đông đảo nhất của cộng đồng.

Hàng trăm tỷ đồng cứu trợ đến tận tay đồng bào

Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 14-11, ông Bùi Quang Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, xúc động: Đúng là ở Hà Tĩnh từ xưa đến nay chưa bao giờ nhận được sự đùm bọc, sẻ chia khổng lồ như trong 2 đợt lũ này. Người dân Hà Tĩnh chúng tôi phải quyết tâm đoàn kết một lòng để sớm vực dậy nền kinh tế, sản xuất, ổn định cuộc sống để không khỏi phụ lòng tri ân của đồng bào cả nước…

Tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận cứu trợ với tổng số tiền mặt gần 92 tỷ đồng và 10.000 USD qua kênh UBMTTQ tỉnh. Tỉnh Quảng Bình đã có hơn 85 tỷ đồng tiền và hàng hóa của các tổ chức, cá nhân cứu trợ đồng bào vùng lũ các huyện. Tại Nghệ An, chỉ riêng quyên góp thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh đã có trên 24,419 tỷ đồng, cùng hàng chục tấn gạo, hàng trăm thùng mì tôm, nước uống...

Đến thời điểm này, toàn bộ số hàng và tiền mặt đã được ban tiếp nhận cứu trợ các tỉnh phân bổ kịp thời đến từng người dân ở vùng lũ của huyện, thị xã, thành phố và chưa để xảy ra sai phạm đáng tiếc nào. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong công tác tổ chức cứu trợ.

Rất nhiều đoàn không thông qua ủy ban mặt trận hoặc một tổ chức nào ở huyện, trực tiếp đi thẳng xuống xã, thôn, xóm cứu trợ. Đây là một hình thức cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng nhưng việc cứu trợ như thế này đã làm mất cân đối giữa các địa phương. Đơn cử như huyện Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) có quá nhiều đoàn về cứu trợ, thậm chí có thôn, xóm, xã đón hàng chục đoàn đến, trong khi nhiều địa phương khác cũng chịu hậu quả nặng nề do chỉ có 1 - 2 đoàn đến.

Tránh cách cứu trợ phản cảm

Theo ông Cao Quang Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình, người dân các địa phương cần lắm những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, bột nêm. Họ cũng rất cần gạo dự trữ trong những tháng giáp hạt để chống đói. Vì vậy, các tổ chức cứu trợ có thể mua gạo hoặc phát tiền đến tận tay dân là hợp lý, vì có tiền bà con sẽ sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của họ.

Tại xã Sơn Thủy, Hoa Thủy, Phú Thủy, hơn 1.500 suất quà được trao tay từ Báo SGGP và PNJ Phú Nhuận, trong mỗi suất có 200.000 đồng tiền mặt. Món tiền mỗi suất tuy nhỏ, nhưng người dân rất mừng. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP cùng nhà tài trợ PepsiCo Việt Nam trao 120 triệu đồng tại xã Quảng Long. Hộ thiệt hại ít nhận 2 triệu đồng, hộ thiệt hại nhiều được hỗ trợ 15 triệu đồng. Ông Trần Văn Phương nói: Có 15 triệu đồng tui tính mua lợn, gà, vịt… về nuôi. Rứa là cách cứu cả nhà chú ạ”.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng, việc cứu trợ hiện nay cần đi vào chiều sâu. Các đơn vị cá nhân có tấm lòng hảo tâm nên trao tận tay dân những đồng tiền nghĩa tình, để dân sử dụng vào đúng các nhu cầu cấp bách của họ sau thiên tai.

Trong khi cả nước hướng về đồng bào miền Trung bằng cả tấm lòng, không ít cá nhân góp áo quần lại gửi cho các Hội Chữ thập đỏ ở Bắc miền Trung quần áo cũ, rách, không thể sử dụng được. Đơn cử, Hội chữ thập đỏ Nghệ An đã phải niêm phong một gói áo quần bò rách tả tơi, trong đó có kèm 2 ống kim tiêm dính máu đã khô và hàng chục viên thuốc màu hồng, nghi là thuốc lắc.

Ngoài ra nhiều người dân tại Quảng Bình, ở vùng đồng bào dân tộc của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa đang gặp lạnh căm căm lại nhận được những cái áo hai dây mỏng dính và áo quần bị thủng lỗ chỗ.

Nhóm PV


20 giờ 30 tối nay: Truyền hình trực tiếp chương trình ca nhạc “Vì đồng bào miền Trung ruột thịt”

Chương trình ca nhạc “Vì đồng bào miền Trung ruột thịt” do Báo Sài Gòn Giải Phóng, Quỹ hỗ trợ Thiên tai miền Trung và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức, vào lúc 20 giờ 30 tại Sân khấu Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1), sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV9 tối nay.

Tính đến thời điểm này chương trình đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước. Với chương trình cứu trợ khẩn cấp bà con vùng lũ miền Trung do Báo SGGP phát động, từ đầu tháng 10 đến nay Báo SGGP đã tổ chức 6 đợt cứu trợ, với tổng số tiền và quà cứu trợ gần 2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Giám đốc Thường trực Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung, cho biết, tất cả số tiền ủng hộ vào quỹ đợt này sẽ được dành xây dựng các công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai ở miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

M.Thảo

Tin cùng chuyên mục