Thiên thần áo trắng của bệnh nhi

Xuất thân từ “dân” chuyên Toán
Thiên thần áo trắng của bệnh nhi

34 tuổi, anh được bổ nhiệm giữ chức Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. 42 tuổi, anh giữ chức Trưởng khoa Sốt xuất huyết. Hai năm sau, năm 2013, anh là Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, đồng thời nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn khiêm tốn nhưng số trường hợp bệnh nhi trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” được bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cứu sống, cùng với những công trình sáng tạo của anh thì không thể kể xiết.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (bìa trái) truyền đạt kinh nghiệm chẩn đoán bệnh cho các đồng nghiệp trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (bìa trái) truyền đạt kinh nghiệm chẩn đoán bệnh cho các đồng nghiệp trẻ.

Xuất thân từ “dân” chuyên Toán

Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, anh cười mỉm, bởi đó cũng là sự bất ngờ với chính anh. Thời học sinh phổ thông, anh đam mê môn Toán, học khối chuyên Toán. Chàng học sinh Nguyễn Minh Tiến quê tỉnh Bình Thuận từng được tuyển chọn vào vòng 6 người thi Toán quốc tế, cùng thời với Ngô Bảo Châu. Một lần, thấy đứa con của người chị bị tiêu chảy nhiều lần khóc suốt đêm, mở sách ra, anh làm theo: pha hỗn hợp nước muối đường cho cháu uống bù nước, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Đứa bé bị kiệt sức. Chiều theo ý nguyện của gia đình, làm thế nào để ở nhà có người biết chữa bệnh, anh gác ước mơ chọn trường khối A để thi vào ngành y khối B. Do chọn không đúng ngành của mình đam mê từ lúc nhỏ, nên anh phải nỗ lực rất nhiều trong học tập, nghiên cứu để vượt qua khó khăn.

“Vào làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1, với sự dìu dắt của các thầy, các bậc đàn anh đầy kinh nghiệm như: Bạch Văn Cam, Tăng Chí Thượng, Đặng Thanh Tuấn, Hà Mạnh Tuấn… đã giúp tôi trưởng thành. Có bị các thầy la mắng, góp ý mình mới tiến bộ. Không được nhắc nhở, cứ tưởng việc gì mình làm cũng đúng, mà cái sai hay chỉ sơ suất nhỏ trong ngành y có thể đánh đổi cả tính mạng bệnh nhân” – BS Nguyễn Minh Tiến chia sẻ. Trong quá trình làm việc, anh tìm tòi đọc rất nhiều tài liệu ở trong và ngoài nước, tự rút ra kinh nghiệm qua từng ca bệnh khó mà anh điều trị, với anh đó là kinh nghiệm xương máu.

Người của lực lượng phản ứng nhanh

Ngồi trò chuyện với anh hơn một tiếng, câu chuyện cứ bị ngắt quãng do điện thoại của anh liên tục reo. “Em nói nhanh lên… Bé đã hôn mê và co giật… Đặt nội khí quản giúp thở… Điều chỉnh các thông số máy… Có gì bất thường gọi lại ngay nhé”, cúp máy, anh kể lại. Một bệnh nhi 4 tuổi đã hôn mê, trở nặng, đang nằm ở… Long An! Nếu chuyển viện càng gây nguy hiểm cho bé nên các đồng nghiệp ở tỉnh điện thoại lên trao đổi chuyên môn trực tiếp với anh. “Lúc đầu, các đồng nghiệp ở tỉnh nghi bé bị bệnh tay chân miệng, nhưng tình trạng bệnh càng diễn tiến xấu. Qua trao đổi, mình lại nghĩ bé bị viêm não Nhật Bản. Bé có dấu hiệu phù não, cần can thiệp chống phù não gấp” – anh giải thích. Điện thoại anh lại reo, chưa cần để đầu dây bên kia tường thuật hết tình trạng bệnh nhi, anh đã nhanh chóng đưa ra hướng điều trị. Đó là một bệnh nhi đang nằm điều trị tại Đồng Tháp, bị bệnh tay chân miệng, co giật. Trong tình thế nguy kịch cho bệnh nhân, các đồng nghiệp ở tỉnh cần tham khảo người có nhiều kinh nghiệm hơn, nên điện thoại trao đổi với anh. Không phụ lòng các đồng nghiệp ở tỉnh xa, bác sĩ Minh Tiến chẩn đoán ra ngay bệnh nhi bị tay chân miệng độ 3, có biến chứng lên não, thần kinh, gây co giật; đồng thời bé còn bị cao huyết áp đi kèm.

“Phải hiểu và chia sẻ khó khăn với các đồng nghiệp ở tỉnh xa, có nhiều ca bệnh dù điều trị theo đúng phát đồ nhưng tình trạng bệnh vẫn diễn tiến phức tạp. Nếu chuyển bệnh lên tuyến trên thì bệnh nhi có nguy cơ cao tử vong trên đường. Hoặc những ca không phải bệnh khó, chuyển lên thành phố cũng làm mất thời gian, tốn kém cho gia đình bệnh nhân. Trong khi đó, qua điện thoại, có sự phối hợp chuyên môn tốt, có thể đưa ra hướng điều trị hiệu quả nhanh chóng cho bệnh nhân” - bác sĩ Minh Tiến chia sẻ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, một bệnh nhi 10 tuổi (ngụ huyện Củ Chi), nhưng cân nặng đến 50kg (cùng lứa tuổi chỉ khoảng 32kg), bị sốt xuất huyết ngày thứ 4, bệnh trở nặng, suy hô hấp, rối loạn đông máu, nguy kịch. Kim đồng hồ đã sang 0 giờ, ở nhà bác sĩ Minh Tiến đã ngủ nhưng các đồng nghiệp vẫn điện thoại khẩn cần sự góp sức của anh. Mươi phút sau, anh có mặt, cho chống sốc tích cực, đặt máy giúp thở, cài đặt thông số máy cao hỗ trợ hô hấp… Thao tác khó khăn, rất quan trọng, cần người có nhiều kinh nghiệm, quyết đoán là chọc dò màng bụng, màng phổi để giải áp so cho chính xác, kịp thời đối với bệnh nhi thừa cân đang suy hô hấp, sốc nặng. Bác sĩ Minh Tiến làm được điều đó, thành công, hơn 1 lít dịch màng phổi được rút ra, tình trạng bệnh nhi qua cơn thập tử nhất sinh. Tháo găng tay, khẩu trang thấm mồ hôi, anh lấy xe gắn máy về nhà, cũng là lúc kim đồng hồ chỉ gần 3 giờ sáng. Khi gặp những ca khó, bệnh nặng, có thể gọi anh đến hỗ trợ bất cứ lúc nào, nên có đồng nghiệp đã ví von bác sĩ Minh Tiến là người của lực lượng phản ứng nhanh. Trong khi đó, nhiều bác sĩ, bệnh nhi ở tỉnh xa thì xem bác sĩ Minh Tiến như thiên thần áo trắng, luôn hết lòng vì bệnh nhân.

Niềm tự hào về hồi sức cấp cứu

Nói về đồng nghiệp của mình, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 Trương Hữu Khanh cho biết, bác sĩ Minh Tiến luôn là người của công việc, không giấu nghề, luôn suy nghĩ, sáng tạo và làm thế nào để việc chữa trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao nhất, là tấm gương đặc biệt cho nhiều bác sĩ trẻ mới vào nghề noi theo. Bệnh nhi vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc phần lớn là bệnh rất nặng, liên tục có những diễn tiến phức tạp khó lường, nhưng bác sĩ Minh Tiến đã hội đủ các tố chất về chuyên môn để thay thế lớp thầy đi trước về hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhi đồng 1, là niềm tin - chỗ dựa cho bệnh nhi.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, TS-BS Nguyễn Thanh Hùng thể hiện niềm tự hào: “Bác sĩ Minh Tiến cùng các đồng nghiệp đóng góp rất lớn vào phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sau đó phác đồ này được Bộ Y tế áp dụng cho cả nước. Khắp các tỉnh từ miền Tây ra miền Trung, khi các đồng nghiệp ở tỉnh gặp ca khó, hay cần chuyển giao kỹ thuật mới, chỉ cần gọi một tiếng là bác sĩ Minh Tiến sẵn sàng lên đường hỗ trợ các đồng nghiệp ở xa, cứu giúp bệnh nhi. Hiệu quả cao nhất là từ những kinh nghiệm chuyển giao của bác sĩ Minh Tiến, nhiều y bác sĩ ở tỉnh đã có thể thực hiện được, giải quyết ngay những ca bệnh diễn tiến phức tạp - đang nguy kịch, hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên ở TPHCM”.

Khi nói về mình, bác sĩ Minh Tiến lại khiêm tốn: “Trong quá trình công tác tôi luôn được sự quan tâm, động viên của ban giám đốc, sự hỗ trợ từ các phòng ban, khoa bạn, đặc biệt được sự quan tâm giúp đỡ với tinh thần đoàn kết của tập thể bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong khoa. Điều đó giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhi bệnh lý nặng”. Bên cạnh sự hỗ trợ của đồng nghiệp, nội tướng của bác sĩ Minh Tiến cũng là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP, do cùng ngành nên dễ hiểu và cảm thông cho nhau hơn. Điều đó càng tăng thêm động lực cho người thầy thuốc ưu tú - đảng viên Nguyễn Minh Tiến không ngừng nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành quả sáng tạo của mình cứu sống nhiều bệnh nhi.

  • Nhiều công trình nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến đang được áp dụng rộng rãi:

Áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục trong ong đốt suy đa cơ quan. Hiệu quả lọc máu liên tục trên bệnh nhi tay chân miệng nặng tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Thay đổi huyết động, điện giải, kiềm toan, đông máu trong điều trị sốc sốt xuất huyết dengue kéo dài với dung dịch Hydroxy-Ethyl-Starch 200 10%. Chăm sóc và theo dõi bệnh nhân bệnh tay chân miệng biến chứng nặng được lọc máu liên tục. Đánh giá sự tuân thủ phác đồ điều trị sốc nhiễm trùng ở trẻ em…

TRƯƠNG NGỌC

Tin cùng chuyên mục