Nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, mảnh đất Nam Định được bồi đắp bởi phù sa của dòng sông Cái. Sự trù phú của vùng đất địa linh trở thành nơi hội tụ, phát tích của những nhân kiệt đã làm nên những trang sử chói lọi trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt. Lịch sử hào hùng ấy cũng đang được các thế hệ người dân Thành Nam hôm nay tiếp nối với những thành tựu đáng tự hào.
Vùng đất lịch sử giàu truyền thống
Phủ Thiên Trường xưa, Nam Định ngày nay là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần, một triều đại nổi tiếng về “võ công, văn trị”, thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Lịch sử của triều đại 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông, đưa Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh, là đỉnh cao của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam được viết lên từ mảnh đất Thiên Trường - Nam Định.
Phủ Thiên Trường được ra đời từ mùa xuân năm Nhâm Tuất - 1262, khi Thái thượng hoàng Trần Thái Tông cùng quan gia ngự đến hành cung Tức Mặc (là quê cha, đất tổ - thuộc thành phố Nam Định ngày nay) đã cho mở tiệc lớn chiêu đãi dân chúng và xuống chiếu đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường.
Trong suốt lịch sử 175 năm tồn tại của vương triều Trần, mảnh đất Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long. Đến thời nhà Lê và các triều đại phong kiến về sau, Phủ Thiên Trường đã có nhiều lần thay đổi tên: lộ Thiên Trường thuộc Nam Đạo (năm 1428); đạo Thừa Tuyên Thiên Trường (năm 1466), dưới thời Hồng Đức (1470 - 1497) đổi thành xứ Sơn Nam, thời Tây Sơn đổi thành trấn Sơn Nam Hạ.
Năm 1821, nhà Nguyễn đổi trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định; năm 1832 đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định; năm 1890 chia tỉnh Nam Định thành 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình. Dù với tên gọi nào thì Thiên Trường - Nam Định vẫn là mạch nguồn xuyên suốt, vẫn giữ được vai trò trung tâm văn hóa, kinh tế, là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ, hình thành và tỏa sáng các giá trị nhân văn của nhiều thế hệ người dân đất Việt. Trong đó, truyền thống văn hiến, hiếu học được hình thành từ thời Trần luôn được coi là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Ngoài những người trong dòng dõi hoàng tộc học hành đỗ đạt như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Tung, Trần Nguyên Đán... đất Thiên Trường còn nhiều người vốn xuất thân từ bình dân đã trở thành nhân tài làm rạng danh đất nước như: Thần đồng Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên khi tròn 13 tuổi, đối đáp với sứ thần triều Nguyên khiến “sứ Bắc quốc sợ phục”; cha con, thầy trò Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích - người được tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An suy tôn là “Đại sư vô nhị” (bậc thầy lớn có một không hai)...
Tiếp nối truyền thống ấy, năm 1821, trường thi Sơn Nam được đổi tên thành trường thi Nam Định, cùng với trường thi Hà Nội là cái nôi đào tạo nhân tài cho các triều đại phong kiến Việt Nam.
Anh dũng dưới ngọn cờ cách mạng
Nam Định là một trong những địa phương có tổ chức Đảng ra đời sớm nhất cả nước. Hai ngày sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, ngày 19-6-1929, Ban Tỉnh ủy lâm thời Nam Định đã được thành lập, đánh dấu bước chuyển về chất của phong trào cách mạng địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục đích chính trị rõ ràng, nhân dân Nam Định đã sục sôi bước vào một cao trào cách mạng mới, điển hình là cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi, phong trào đòi dân sinh, dân chủ…
Đặc biệt trong cao trào từ 1941 - 1945, nhân dân Nam Định hăng hái tham gia các tổ chức cứu quốc, Việt Minh, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lực lượng, sắm sửa vũ khí, trấn áp bọn phản cách mạng tiến tới giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Nam Định là địa bàn bị địch chiếm đóng, khủng bố dã man. Đảng bộ Nam Định đã lãnh đạo nhân dân phát triển chiến tranh du kích, phá tề, trừ gian, chống địch càn quét, lập nên những chiến công vẻ vang, với những trận đánh quyết chiến, chiến lược như: cuộc chiến đấu 86 ngày đêm bao vây giam chân địch trong thành phố Nam Định, các trận đánh cầu Gai, cầu Đôi, Đỗ Xá, Thức Hóa, Đông Biên, Bích Câu - Trà Thượng…
Cùng với những thành tích trong chiến đấu tại địa phương, Nam Định đã tiễn hàng vạn thanh niên lên đường đánh giặc trên khắp các chiến trường; góp sức hàng triệu tấn lương thực cùng nhiều tiền của, vàng bạc cho kháng chiến, góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thắng lợi vẻ vang.
Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Nam Định cũng anh dũng chiến đấu chống trả sự đánh phá ác liệt của địch, bắn rơi 110 máy bay giặc; tích cực đóng góp công ghi nhận và phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; 122 tập thể và cá nhân (trong đó cả 10/10 huyện, thành phố) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, toàn tỉnh có 1.240 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.
Vững bước vươn lên
Cùng đất nước trải qua những giai đoạn khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Nam Định tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tổng sản phẩm xã hội (GDP) từ năm 1997 đến năm 2011 tăng hơn 8 lần; sản lượng lương thực năm 2011 xấp xỉ 1 triệu tấn (bằng cả tỉnh Hà Nam Ninh trước đây); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ tăng từ 58,5% năm 1997 lên 71,2% năm 2011. Vốn đầu tư phát triển tăng nhanh, đã xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn.
Đảng bộ và nhân dân Nam Định được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, quyết định công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại 1 của Thủ tướng Chính phủ và Bằng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần, Chùa Tháp. Đây là sự ghi nhận kết quả của sự hội tụ linh khí của cha ông cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của lớp lớp cháu con Thiên Trường - Nam Định đã và đang học tập, làm việc và trưởng thành trên quê hương Nam Định cũng như trong và ngoài nước.
THU HÀ
| |