Thiêng liêng cột mốc 314

Việt Nam và Campuchia có chiều dài biên giới đất liền khoảng 1.270 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, khởi đầu từ tỉnh Kon Tum tới khu vực cuối cùng có cột mốc biên giới số 314 (Xà Xía - Hà Tiên). Cột mốc 314 sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn không chỉ với nhân dân hai nước mà còn đối với du khách quốc tế.
Thiêng liêng cột mốc 314

Việt Nam và Campuchia có chiều dài biên giới đất liền khoảng 1.270 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, khởi đầu từ tỉnh Kon Tum tới khu vực cuối cùng có cột mốc biên giới số 314 (Xà Xía - Hà Tiên). Cột mốc 314 sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn không chỉ với nhân dân hai nước mà còn đối với du khách quốc tế.

1. Nắng phủ trùm cả dải biên cương. Qua cửa khẩu quốc tế Xà Xía - Hà Tiên, nơi có cột mốc 313, chỉ chạy hơn cây số trên con đường trải đan rộng gần 5m với hai hàng cọc tiêu còn đỏ màu sơn là đến cột mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Bên bạn cũng có một con đường dài như vậy chạy song song. Ở giữa là những cánh đồng lúa đã gặt, trải dài hút mắt, những chú trâu đầm mình dưới ruộng tránh cái nóng mùa khô phương Nam. Một vùng biên cương thanh bình.

Cửa khẩu quốc tế Xà Xía - Hà Tiên.

Cửa khẩu quốc tế Xà Xía - Hà Tiên.

Với diện tích gần 400m², cột mốc 314 nổi bật nhờ được ốp đá hoa cương, tôn cao gần 2m, nằm tại địa phận xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang - Việt Nam) và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, (huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia). Để xây dựng được cột mốc 314 khang trang, to đẹp trên rừng đước sình lầy, ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều, các lực lượng xây dựng và phân giới cắm mốc của hai bên đã phải làm việc tích cực không kể ngày đêm, đóng hàng trăm cột bê tông sâu hàng chục mét, san ủi hàng ngàn m³ đất đá, đổ trên 2.000m³ bê tông.

Sau 2 tháng thi công, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Cột mốc có hai mặt, bên này ghi chữ Việt, bên kia ghi chữ Campuchia với hệ thống đèn cao áp, có bậc dẫn lên từ hai phía cùng dàn hoa kiểng bao quanh. Chính tại nơi này, ngày 24-6-2012, đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia đã trang trọng tổ chức lễ khánh thành với sự tham dự của thủ tướng hai nước.

“Anh thấy mấy ngọn núi nhấp nhô trước mặt không? Đá Dựng, Thạch Động… như bình phong địa đầu Tây Nam Tổ quốc, nơi có những thửa ruộng ta và bạn giáp nhau. Độc đáo biên thùy là vậy”, ông Lâm Tái Thành (Năm Thành), người xã Mỹ Đức hướng dẫn chúng tôi ra cột mốc, thích thú nói. Sự độc đáo đó còn bắt gặp ở Trường THCS Mỹ Đức có những học sinh bên kia biên giới, tiếng Khmer hòa cùng tiếng Việt trên những cánh đồng, bụi tre rặng dừa xen lẫn những hàng thốt nốt cao vút...

“Già rồi, con cháu đưa đi thăm điểm mốc biên giới cuối cùng. Thiêng liêng quá. Mãn nguyện lắm”, ông Trương Ngọc Điềm (79 tuổi ở mãi quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng con cháu tranh thủ chuyến đi khánh thành cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, tần ngần chạm tay vào cột mốc 314 xúc động. Mây trời lồng lộng. Trời của ta, đất của ta. Khó ai là con dân nước Việt cưỡng được cảm giác bồi hồi đó.

Thiêng liêng cột mốc quốc gia.

Thiêng liêng cột mốc quốc gia.

2. Hà Tiên có tuyến biên giới với nước bạn Campuchia dài 39,5 km, trong đó có 13,5 km biên giới trên đất liền. Với quyết tâm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, các cột mốc biên giới quan trọng như 313, 314 đã được Chính phủ hai nước ưu tiên xây dựng, khánh thành, góp phần ổn định tuyến biên giới. Cột mốc 314 có tầm quan trọng chủ yếu vì vị trí của nó là điểm cơ sở xuất phát trong việc chuyển vẽ biên giới đường biển của hai nước.

“Trâm ngọc non kia cài tận đỉnh/ Đai vàng sông nọ thắt ngang lưng” (Lê Quý Đôn). Núi sông nước Việt như trâm như ngọc. Hà Tiên nhấn ngọc lên đai vàng Tổ quốc. Cột mốc 314 trở thành điểm du lịch thú vị. Băng ngang qua những cách đồng, vuông tôm là một con đường mới, rộng hơn dành riêng cho du khách chạy song song với đường dẫn ra cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đang được công nhân mải miết làm ngày đêm. Đến cột mốc 314 ta được chạm vào điểm cận biên cực Nam đất nước, ngắm nhìn những chàng trai áo xanh biên phòng trang nghiêm chào cờ Tổ quốc trong sương sớm, những con đường, căn nhà, ngôi chùa đầu tiên nơi biên ải, được hòa vào “thập cảnh” đất Hà Tiên xưa...

Nếu đi bằng con đường N1 trải nhựa thẳng băng nối Châu Đốc với Hà Tiên ta như bắt gặp cả chiều dài lịch sử châu thổ. Con kinh Vĩnh Tế với Thoại Ngọc Hầu như còn giăng giăng ánh đuốc trong đêm giông gió mịt mù hoang lặng ngày nào nay vẫn xuôi mãi, vun vén cho những cánh đồng xanh mướt, những vuông tôm kề nhau chạy dài ngút mắt; tượng đài tôn vinh Thanh niên xung phong tuyến đường 1C huyền thoại lặng thầm ghi những địa danh máu lửa Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Vĩnh Phú; Cây cầu T4, T5 cùng tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (xã Lạc Quới - Tri Tôn - An Giang) là bản lĩnh người đồng bằng “nghiêng đồng đổ nước” với công trình thoát lũ ra biển Tây làm sống dậy cả vùng Tứ giác Long Xuyên chua phèn thuở trước...

Hà Tiên thơ mộng đang năng động chuyển mình, phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2013, sớm hơn so với kế hoạch 2 năm với thương mại - du lịch là điểm nhấn quan trọng. Từ đây chỉ cách cao nguyên Boko, thành phố biển Kép, cảng Sihanoukville (Campuchia)… chỉ mấy chục cây số. Xuân về, cửa khẩu quốc tế Xà Xía lại thêm tấp nập du khách. 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục