Thiệt đơn, thiệt kép vì xây nhà không phép, sai phép

Lần đầu tiên, một đề tài nghiên cứu khoa học bài bản nhằm tìm giải pháp để xử lý tận gốc vấn đề xây nhà không phép và sai phép trên địa bàn TPHCM đã được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra lấy ý kiến của các quận huyện, sở ngành vào ngày 11-4.

Thiệt hại 3 năm hơn 1.250 tỷ đồng?

Đó là đề tài “Nhà ở xây dựng không phép và sai phép trên địa bàn vùng ven TPHCM trong quá trình đô thị hóa - những vấn đề đặt ra và các giải pháp đề xuất”, do TS Dư Phước Tân làm chủ nhiệm.

Kết quả tổng hợp 3 năm qua tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9 và Thủ Đức đã đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn TP. Ghi nhận tại huyện Bình Chánh cho thấy, năm 2015 và 2016 việc xây dựng không phép, sai phép tăng lên, năm 2017 giảm xuống nhưng 2018 tăng lên với 469 trường hợp - chỉ trong 6 tháng đầu năm. Còn tại quận 9, có 135 trường hợp vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2018, cao hơn so với cùng kỳ các năm.

Nhà lụp xụp bên dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tại  huyện Bình Chánh, TPHCM               
   Ảnh: THÀNH TRÍ
 Một dẫn chứng để lý giải nguyên nhân xảy ra xây dựng không phép - sai phép, là 2 xã Xuân Thới Thượng và Đông Thạnh tại huyện Hóc Môn. Trước đây, địa bàn này xảy ra khá nhiều vụ xây dựng không phép, sai phép, do diện tích đất nông nghiệp lớn. Hiện tượng sai phép phổ biến là xin giấy phép xây nhà ở nhưng lại làm nhà kho; xin xây nhà trọ nhưng phân căn hộ bán; xây trên phần đất không cho phép xây dựng... 


Việc xây dựng không phép, sai phép đã dẫn đến những thiệt hại về vật chất khá lớn. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2018 ước khoảng 6.500 căn nhà, trong đó 5.000 căn xây dựng không phép. Nếu định giá một căn nhà 250 triệu đồng thì số nhà không phép bị tháo dỡ trị giá 1.250 tỷ đồng; nhà nước cũng mất khoảng 10 tỷ đồng cho chi phí cưỡng chế. “Thiệt hại đối với địa phương, cụ thể là tốn nhiều thời gian, công sức để kiểm tra, xử lý, cưỡng chế; tốn ngân sách nhà nước cho công tác cưỡng chế do không thu hồi được kinh phí sau cưỡng chế. Một số thiệt hại khác cũng vô cùng to lớn không thể lượng hóa được, như cư trú tại nhà không phép, sai phép nên chủ hộ không được chuyển hộ khẩu, ảnh hưởng đến việc học hành của con cái. Môi trường sống tệ hại khi nhà cửa không thể sửa chữa và lúc nào cũng ở trong tâm trạng hồi hộp, chờ cưỡng chế. Sự tồn tại của nhà không phép, sai phép đã góp phần làm tăng dân số cơ học, quá tải cơ sở hạ tầng, dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp”, TS Dư Phước Tân đúc kết.

Giải pháp hiệu quả nhất?

Nhằm xử triệt để việc xây dựng không phép, sai phép, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, việc cắt điện, nước là cần thiết. Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết, đó là giải pháp hiệu quả nhất, không có giải pháp nào khác. Cán bộ phường quận, thanh tra sở giám sát 24/24 giờ, nhưng không có mặt thì ngay tức khắc công trình xây dựng vẫn triển khai, vì có điện có nước. Mặc dù giải pháp này Luật Xây dựng không cho phép thực hiện, nhưng một số quận, huyện vẫn làm. Thanh tra sở đang tổng hợp để tiếp tục kiến nghị cắt điện, nước đối với các công trình xây dựng vi phạm, tức là phải có giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật để hạn chế tối đa các vi phạm. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, khẳng định, việc lắp đặt đồng hồ nước, điện tại những khu vực xây dựng không phép, sai phép cần phải chấn chỉnh. Nếu không có sự đồng bộ quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng với hạ tầng kỹ thuật thì rất khó, vì mặc dù nhà xây dựng thô sơ nhưng có đồng hồ điện, nước thì người dân vẫn yên tâm nhận chuyển nhượng. Rồi lại phải được sự đồng ý của điện lực để tháo dỡ đồng hồ, mới thực hiện cưỡng chế được. Ông Hà Văn Nhiều, Phó Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, cho rằng, nếu từ đầu không cắt được điện nước, thậm chí cấm luôn nhà kế bên cho câu điện nhờ, sẽ khó xử lý về sau. Đại diện Sở Tư pháp lý giải việc cắt điện, cắt nước hiện nay không áp dụng là do chúng ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, các hiệp định thương mại đã và đang ký kết, về quyền con người… nên không thể thực hiện giải pháp này.

Tranh luận có phần gay gắt, ông Lý Thanh Long nói: “Chúng tôi đề nghị cắt điện, nước đối với công trình đang hoạt động xây dựng chứ không phải công trình đã đưa vào sử dụng. Còn nếu người dân đã vào ở, việc cắt điện, nước sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống thì phải tìm giải pháp khác. Việc cắt điện, nước vì thế là nhằm ngăn chặn hoạt động xây dựng không phép, sai phép tiếp tục diễn ra. Nếu không làm thế, không chỉ tại TPHCM mà cả nước đều không ngăn chặn được việc xây dựng không phép”.

Đại diện Sở Tư pháp đề xuất đề án nên sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với pháp luật hiện hành. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng góp ý đề án cần làm rõ về ước tính thiệt hại. Bởi căn nhà xây không phép thì tính toàn bộ, còn xây sai phép thì chỉ tính phần sai phép phải tháo dỡ. Thực tế cho thấy, tại Bình Chánh và một số vùng ven, nhà cấp 4 là chính, xây dựng rất nhanh, giá thành xây dựng chỉ vài chục triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển, cho biết tiếp tục tiếp thu để sửa chữa và gửi đến các cơ quan góp ý, khi hoàn thiện sẽ báo cáo UBNDTP….

RẦM RỘ PHÂN LÔ TRÁI PHÉP ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, một số người mua đất nông nghiệp số lượng lớn giá rẻ, sau đó mời gọi mua bán trên mạng với đồ họa rất đẹp, giống như một dự án, có phân nền, quảng cáo rầm rộ... Nhưng thực ra giá bán không hề rẻ, ví dụ một nền 4m x 15m, giá bán 500-600 triệu đồng, tính ra đất nông nghiệp mà một mét vuông trên 10 triệu đồng là không rẻ. Hình thức chuyển nhượng là lập vi bằng giấy tay. Hiện huyện Bình Chánh đã tuyên truyền phổ biến với trên 500 biển báo cắm tại các khu vực không đủ điều kiện phân lô, chuyển mục đích xây dựng.
Ông Hà Văn Nhiều, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, nêu lên hiện trạng người dân làm mái che di động có cột sắt đặt trên bánh xe, kéo ra xếp lại dùng để buôn bán; hoặc nhà container bố trí người ở, xảy ra phổ biến ở nhiều xã trên phần đất trồng cây lâu năm. Đây sẽ là vấn nạn khi giải phóng mặt bằng nếu không có giải pháp kịp thời. 

Tin cùng chuyên mục