Thiết thực sân chơi HCMGIS

Dù chỉ mới ở vòng thi thuyết trình, song không ít bài tham dự cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018” đã cho thấy khả năng ứng dụng, sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị trên địa bàn TPHCM và các tỉnh bạn. 

Đó là đánh giá của ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TPHCM (HCMGIS), về những sản phẩm, ý tưởng đang tham gia vòng thi thuyết trình tại cuộc thi nói trên, do Sở KH-CN TPHCM vừa tổ chức.

Thiết thực sân chơi HCMGIS ảnh 1 Tác giả Bùi Hữu Phú thuyết trình Mô hình đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập tại cuộc thi. Ảnh: Tường Duy

Thực tế và thú vị với GIS

Một trong số đó là dự án thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập tại TPHCM của tác giả Bùi Hữu Phú. Dự án sử dụng các cảm biến gắn trên cột chiếu sáng để ghi nhận tình trạng ngập nước và chuyển dữ liệu về trung tâm xử lý để giám sát, cảnh báo tình trạng ngập. Sản phẩm do tác giả và các cộng sự tự sản xuất trong nước, có giá thành chỉ bằng 20% - 25% giải pháp tương tự ngoại nhập.

Tác giả Bùi Hữu Phú chia sẻ: “Trạm quan trắc gồm camera giám sát, đèn cảnh báo ngập, bơm hút ngập tự động và hoạt động bằng nguồn năng lượng mặt trời. Thiết bị và hệ thống luôn cập nhật lượng mưa và độ ngập theo thời gian thực bằng bảng màu trên nền GIS. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp thêm tính năng suy đoán ngắn hạn hay dài hạn mức độ ngập và mô phỏng trên GIS  để thuận tiện cho đơn vị vận hành và người sử dụng”.

Cùng vào vòng thuyết trình là nhóm tác giả đến từ Công ty Cấp nước Trung An. Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp đã phát triển hệ thống phần mềm sử dụng nền tảng GIS. Gần như tất cả thông tin về tình hình sử dụng nước, thanh toán... của khách hàng đều được cập nhật lên bản đồ GIS, giúp nhân viên của công ty chủ động việc kiểm tra, thu tiền cũng như thực hiện yêu cầu của khách một cách nhanh chóng.

Ngoài ra cũng khá thú vị với dự án LOPA - Ứng dụng tìm kết nối bãi giữ xe gia đình. Nhằm khuyến khích người dân tích cực sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, sinh viên Nguyễn Trần Thảo Nguyên đã triển khai dự án LOPA. Đây là ứng dụng hướng đến nhóm đối tượng gia đình có người làm việc tại nhà và có sân rộng, muốn tận dụng khoảng không gian trống của nhà mình kiếm thêm thu nhập. Thảo Nguyên giới thiệu: “Ứng dụng giúp giải quyết nhu cầu về chỗ gửi xe, đặc biệt là xe máy và xe đạp. Hiện nay với “văn hóa lề đường”, các bãi giữ xe máy tự phát mọc lên khá nhiều nhưng kém an toàn, thu phí giá cao, khó quản lý. LOPA sẽ hỗ trợ các bãi giữ xe gia đình với số chỗ nhất định, kèm đó là hệ thống quản lý thông minh, camera quan sát để đảm bảo sự an toàn cho người dùng và chủ nhà; đồng thời giúp chủ phương tiện tiết kiệm được thời gian, cũng như công sức phải loay hoay đi tìm bãi đỗ khi đến một nơi nào đó”.

Hướng đến nền tảng dùng chung

Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018” là hoạt động của Sở KH-CN TPHCM nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TPHCM; xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, sáng tạo; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của thành phố. Chính vì thế, hầu như các sản phẩm đều tập trung vào giải pháp cụ thể và hướng đến tính thực tiễn. 

Theo ban tổ chức cuộc thi, những tác giả, nhóm tác giả vượt qua vòng thuyết trình sẽ trải qua một khóa huấn luyện để hoàn thiện sản phẩm, khả năng thuyết trình trước khi đến với vòng chung kết của cuộc thi. Được biết, từ 18 đội hiện nay, ban tổ chức sẽ chọn 9 đội (tác giả) vào vòng huấn luyện và sau đó có 6 đội vào vòng chung kết, chia đều cho 2 hạng mục là Sản phẩm ứng dụng nền tảng HCMGIS và Sản phẩm HCMGIS sáng tạo. Dự kiến công bố sản phẩm đoạt giải vào ngày 18-5. Ngoài phần thưởng từ ban tổ chức, các sản phẩm, giải pháp đoạt giải sẽ được Sở KH-CN TPHCM xét chọn đầu tư hoàn thiện với mức đầu tư tối đa lên đến 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm.

Qua 5 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút được 72 sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, từ hỗ trợ quản lý hành chính công cho tới hỗ trợ quy hoạch và các ứng dụng thực tế phục vụ dân sinh. Từ các bài dự thi đó, ban tổ chức đã chọn ra 18 sản phẩm, ý tưởng chất lượng nhất vào tham gia vòng thuyết trình của cuộc thi. Ông Phạm Quốc Phương cho rằng, các sản phẩm dự thi có chất lượng tốt, sát với ứng dụng thực tiễn của TPHCM, giải quyết những vấn đề đặt ra như giao thông, chống ngập... 

Thành phần ban giám khảo của cuộc thi không chỉ là các chuyên gia về kỹ thuật mà còn có sự góp mặt của đại diện nhiều đơn vị liên quan trực tiếp tới lĩnh vực ứng dụng của các dự án như Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, Công an TPHCM... đã hướng cuộc thi đi vào tính ứng dụng cao hơn.

Ông Phạm Quốc Phương cho biết thêm: “Nhiều nhóm đã sử dụng nền tảng HCMGIS (do Trung tâm HCMGIS xây dựng, phát triển) trong sản phẩm của mình. Ở vòng sau, chúng tôi sẽ hướng dẫn các nhóm sử dụng nền tảng này như nền tảng dùng chung giữa các ứng dụng để tăng tính cập nhật, kế thừa và liên thông giữa các ứng dụng với nhau”.

Tin cùng chuyên mục