Thiếu liên kết trong ngành cơ khí

Phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất manh mún và chính sách thúc đẩy phát triển thiếu nhất quán… đã khiến ngành cơ khí trong nước mãi èo uột.  

 

 
Sản xuất cơ khí cần được đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất cơ khí cần được đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao Ảnh: CAO THĂNG
Nhập khẩu 90% nguyên liệu

Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhiều sản phẩm cơ khí như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, phụ tùng cơ khí đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Những sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: Thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy xi măng, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của các sản phẩm cơ khí Việt Nam còn thấp, chưa tạo được nhiều đầu ra cho sản phẩm. Nhìn vào thực tế, lực lượng doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động trong ngành cơ khí không hề nhỏ, nhưng rào cản lớn nhất khiến việc phát triển ngành này luôn ì ạch là do phụ thuộc hầu hết nguyên liệu từ nước ngoài.

Theo thống kê của VAMI, cả nước hiện có khoảng 3.100 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng giá trị gia tăng thấp và năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, vì hàng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc thiết bị. Ước tính các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 7% thị trường. Đơn cử, ngành cơ khí ô tô, dù được Nhà nước “o bế”, hỗ trợ phát triển hơn 20 năm qua nhưng vẫn phát triển khá khiêm tốn, như tỷ lệ nội địa hóa đối với xe 9 chỗ ngồi có mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân 7% - 10%. “Hiện tại phần lớn linh kiện ô tô phải nhập khẩu, nên nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển và thuế nhập khẩu. Tổng chi phí sản xuất nguyên chiếc xe ở Việt Nam sẽ cao hơn so với chi phí sản xuất xe trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia”, đại diện Công ty Ô tô Toyota Việt Nam lý giải. 

Một nghịch lý khác khiến ngành cơ khí “không lớn nổi” là sức ép về giá của hàng nhập khẩu. Đại diện Công ty CP Cơ khí 19-8 cho biết, từ năm 2005, công ty đã đầu tư 25.000 tỷ đồng để sản xuất nhíp ô tô. Công suất dây chuyền khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm, có thể đáp ứng cho 10.000 xe tải các loại. Chất lượng sản phẩm của DN đạt tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang Đức, Pháp, Thái Lan, Malaysia... nhưng hiện không thể bán được cho các DN sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước nên hầu hết chủ yếu xuất khẩu. Nguyên nhân là do từ năm 2008 theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, thuế nhập khẩu nhíp xe từ Trung Quốc về Việt Nam đã cắt giảm còn 0%. Với thuế suất 0%, nên nhíp xe Trung Quốc có giá rẻ hơn sản xuất tại Việt Nam 20%. Trong khi đó, do hầu hết các DN sản xuất lắp ráp xe tải trong nước đều nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc nên bị ép phải mua cả cụm. Chưa kể, phía DN sản xuất lắp ráp thường yêu cầu nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước phải chứng minh hồ sơ năng lực tốt, giá tương đương với sản phẩm nhập khẩu, chất lượng ổn định và đặc biệt phải có khả năng cung cấp với quy mô lớn. Trong khi đó, hiện ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam rất hiếm có nhà cung cấp linh kiện đáp ứng yêu cầu này, nên dù có sản phẩm nhưng hai bên vẫn khó gặp nhau. 

“Tác hợp” cùng phát triển

Theo Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ, trong bối cảnh Chính phủ và các bộ ngành chưa đưa ra được chính sách phát triển ngành cơ khí trong giai đoạn tới, các DN phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp, tích cực đổi mới, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Việc các DN trong ngành tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau chính là hướng đi giúp các DN trong ngành cùng lớn mạnh, mở rộng được thị trường. Đơn cử, thời gian qua thông qua các chương trình xúc tiến nên đã “tác hợp” được một số DN cùng hợp tác phát triển. Đơn cử, Công ty Cơ khí Hà Nội đã liên kết với nhiều đơn vị trong ngành để cùng sản xuất phụ tùng ô tô, máy móc, các thiết bị thủy công. Các DN quốc phòng Z17, Z25, Z179… đã liên kết cung cấp các loại bánh răng, chi tiết sản phẩm gia công kim loại cho các DN cơ khí thành viên. Hay như Công ty Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam từ nhiều năm qua đã đặt hàng nhiều chi tiết sản phẩm với 25 DN để sản xuất, chế tạo các sản phẩm, thiết bị của công ty ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, Công ty Cơ khí Hà Nội làm sản phẩm đúc theo đơn hàng cho Công ty Chế tạo máy nông nghiệp TAMACO, hợp tác chế tạo chi tiết ô tô cho TMT và Ô tô Thaco… “DN trong khối liên kết với nhau có thể tạo ra thị trường lưu thông hàng hóa trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Do vậy, cần có sự gắn kết giữa các DN trong ngành cơ khí với nhau. Trong nước cũng là thị trường rất lớn và đầy tiềm năng cho các DN trong khối”, ông Dương Văn Hậu, Giám đốc DNTN SX-TM cơ khí Hoàng Sơn, quận Bình Tân, TPHCM, nói.

“Hiện VAMI đã làm việc với các DN trong và ngoài nước để tăng cường hợp tác thúc đẩy ngành cơ khí phát triển. Thời gian tới, hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc gắn kết các DN trong ngành với nhau, giới thiệu các sản phẩm và DN có thế mạnh ra nước ngoài để tạo thị trường rộng hơn, đa dạng hơn”, Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho biết .

Tin cùng chuyên mục