Tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình một buổi sáng cuối tháng 11, chúng tôi đã tiếp cận được đội săn bắt khỉ của ông Cao Xuân S. ở vùng Hóa Sơn.
Ông S. là cai trưởng của một đội săn khỉ, sóc, chồn, và các loại động vật hoang dã khác chừng 25 người, có độ rộng hoạt động trong vòng bán kính hơn 100km, đi cả tháng trời, vượt qua đến tận Lào. S. là một tay thợ săn lão luyện, ngày xưa rừng còn nhiều, thú hoang dã còn lắm, mỗi ngày S. có vài ba gùi đưa về cho “tổng đại lý” ở Quy Đạt, nhưng nay, lượng động vật hoang dã ngày mỗi hiếm, S. buộc phải ở lại rừng nhiều hơn và để bảo quản thịt rừng tươi mới, đội săn của S. phải dùng đến hóa chất để bảo quản, các hóa chất mà chúng tôi chứng kiến được bỏ trong các ống nhựa, màu trắng, mùi hắc, ghi chữ Trung Quốc, theo các nài săn thú lậu của S.: “Loại này từng dùng để ướp những thứ dưới xuôi, nhưng khi ướp thử thịt rừng, thấy tươi màu máu vài ngày, dùng nhiều thì tươi đến vài tuần, thậm chí cả tháng nên xài gần 2 năm nay, không ai biết”.
Cứ mỗi con khỉ hoặc chồn, sơn dương, hoặc nai bị mắc bẫy, đội ông S. tiêm vào dưới lớp da của chúng hai xiranh loại lớn hóa chất lạ mua trôi nổi tại các chợ. Nếu ở rừng một tuần, các ống tiêm (xiranh) được pha chế ít hơn, nếu 2 tuần liều lượng gấp đôi, cả tháng thì liều lượng khác hơn, và khi thịt có dấu hiệu bốc mùi, chúng được tiêm gấp 3, gấp 4 lần, ra khỏi rừng vẫn còn mịn màng màu lông, màu da như vừa mới mắc bẫy.
Ông S. nói: “Không chỉ vùng thợ săn Minh Hóa, mà thợ săn ở xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh cũng áp dụng cách như tụi tui mới kiếm cơm được, chứ không có cái thứ chất này thì đói, chẳng kiếm được tiền”. Không chỉ ở Quảng Bình mà đội của H. “còi” ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) với 25 thợ săn đi qua cả nước Lào cũng áp dụng cách tiêm hóa chất như thế. Rời Minh Hóa, theo đường Hồ Chí Minh ra Hương Khê, lân la đến nhà H. “còi” đặt thịt sơn dương nguyên con, đang chỉ đạo thợ đóng gùi, H. “còi” xởi lởi: “Tưởng đặt chi khó khăn, sơn dương thì hẹn phát mốt là có, tầm tuần, chục ngày là xong, khỏi cần cọc, khi nào đưa về, còn tươi, gọi anh đến ngay”.
Vùng Cộn ở TP Đồng Hới, Quảng Bình xưa nay nổi tiếng với 4 nhà hàng đặc sản thịt rừng một cách công nhiên, nếu heo rừng đã được người dân nuôi và được mua bán thì sẽ có công nghệ biến thành heo nuôi thành heo rừng hoang dã. Nhà hàng T., có tiếng trong giới ăn nhậu Đồng Hới, vẫn dùng thủ đoạn lấy thịt rừng từ các vùng khác về và tẫm đạm vào cho thịt tươi. Một đầu bếp từng phục vụ tại nhà hàng này tiết lộ, vì phản ứng cách tẩm đạm mà anh phải nghỉ việc ở đây.
Trở lại với thịt heo rừng, một chủ nhà hàng thân tín với chúng tôi nói: “Mỗi lần làm thịt heo rừng, không bao giờ cho người nhà hoặc bạn bè thân ăn tiết canh. Nói thật đây là chuyện khó nói. Ở các quán khác vì sao tiết canh heo rừng nó ngọt, đỏ hoét, rất tươi? Người ta nhúng một ít đạm vào đó, và một ít nước tiểu vào đó là thành ngon, ngọt, tươi”.
Ông ta cũng nói: “Bây giờ khắp nơi chỗ nào cũng quảng cáo thịt rừng, đúng là heo rừng, nhưng nó là thế hệ F5, F10 rồi, được nuôi bằng thức ăn tăng trọng lớn nhanh mới nhiều thế, chứ heo rừng thật ở tự nhiên có đâu mà ngày nào cũng mổ. Có bắt được heo rừng thì năm thì mười họa mới có con còn sống để làm tiết canh, còn đa số bị chết, thợ săn bản địa là người dân tộc thì họ chặt cái đầu ra cúng rừng, làm gì còn máu mà làm tiết canh”…
Minh Phong