Thị trường đồ chơi – không ai kiểm soát: Bài 1: Thị trường trong nước, thị phần… nước ngoài!

Hàng ngoại độc chiếm thị trường
Thị trường đồ chơi – không ai kiểm soát: Bài 1: Thị trường trong nước, thị phần… nước ngoài!

Dù không được liệt vào nhóm hàng thiết yếu nhưng những năm gần đây, đồ chơi trẻ em được tiêu thụ rất mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, mảnh đất màu mỡ, mang về cho các nhà sản xuất hàng trăm triệu USD mỗi năm này lâu nay không được mấy doanh nghiệp trong nước khai thác. Và trong khi tại Mỹ và châu Âu, nhiều nước đã phát hiện và đang ráo riết thu hồi các loại đồ chơi nhiễm chì, độc hại có xuất xứ phần lớn từ Trung Quốc thì tại Việt Nam, chúng vẫn tràn ngập...

Hàng ngoại độc chiếm thị trường

Thị trường đồ chơi – không ai kiểm soát: Bài 1: Thị trường trong nước, thị phần… nước ngoài! ảnh 1

Đồ chơi “phản giáo dục” xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều.

Theo ghi nhận, tại TPHCM và các tỉnh thành khác, các cửa hàng, trung tâm bán đồ chơi từ sỉ đến lẻ, từ cao cấp đến… thấp cấp đang mọc lên ngày một nhiều.

Riêng hàng cao cấp, chỉ tính tại TPHCM, đã có trên 50 chuỗi cửa hàng lớn nhỏ mang nhiều bảng hiệu như Funny Land, Mê Cung, Rain Bow, Mẹ ơi, Lego & bé… trải dài từ đường Mỹ Khánh, Phú Mỹ Hưng (quận 7) qua Nguyễn Đình Chiểu, Kỳ Đồng (quận 3), Cộng Hòa (quận Tân Bình), vòng qua Thảo Điền (quận 2). Khác với dăm bảy năm về trước, mấy năm nay, tỷ lệ các hộ dân khá giả tăng đã kéo theo nhu cầu chơi đồ cao cấp của con em các đối tượng này cũng tăng.

Nhiều mẫu đồ chơi cao cấp có giá hàng triệu đồng/món như bộ búp bê Barbie Collection, bộ bàn học, xe tập đi, bộ đàn piano, bộ lắp ghép xây dựng, kỹ thuật mang nhãn hiệu Mattel, Lego, Barbie, Fisher – Price đến từ Đức, Mỹ, Ý, Thái Lan… đang dần chiếm lĩnh phân khúc thị trường này. Minh chứng là Công ty TNHH TM–DV Phương Nga - nhà phân phối độc quyền cho hãng đồ chơi Mattel (Mỹ) tại Việt Nam, sau 10 năm thành lập nay đã mở rộng mạng lưới lên đến hơn 130 cửa hàng trên toàn quốc.

Trong khi đó, nhắm chủ yếu đến đối tượng là con cái các gia đình có thu nhập trung bình và thấp, đồ chơi Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị phần còn lại. Tại hai chợ đầu mối lớn của TPHCM là Kim Biên (quận 5) và Bình Tây (quận 6), đồ chơi nhập từ Trung Quốc tràn ngập, chiếm hơn 90% thị phần.

Ngược lại với đồ ngoại nhập, đồ chơi trong nước tại các cửa hàng, siêu thị hiện rất “lèo tèo”, chỉ chiếm khoảng 5%, phần còn lại được các tiểu thương bán món hoặc “cân ký” ở các vỉa hè và chợ. Theo phản ánh của một số phụ huynh cũng như chủ tiệm đồ chơi, đồ chơi trong nước hiện cũng có một số mẫu mang tính giáo dục, “vừa chơi vừa học” như bộ lăn banh, bộ ghép số, ghép chữ, ghép hình ảnh… của một số doanh nghiệp tên tuổi như Công ty gỗ Đức Thành, Công ty cổ phần Công nghệ Gamma, Công ty Nhựa Đại Phát Tài, Hưng Phát, Vĩnh Phúc và Công ty Sách và thiết bị trường học…

Tuy nhiên, do “quá trí tuệ”, đòi hỏi trẻ phải có tính kiên nhẫn và có sự tham gia của người lớn nên các loại đồ chơi này không thu hút được khách hàng. Nhiều em học sinh tiểu học cũng cho biết, sau giờ học các em đã quá căng thẳng và mệt mỏi, nên chỉ muốn tìm đến các món đồ chơi giải trí chứ đồ chơi trong nước làm cho các em cảm thấy “ngán”.

Đủ chiêu... dụ trẻ

Để “chiêu dụ” đối tượng trẻ tuổi, các tập đoàn sản xuất đồ chơi lớn như Lego, Disney, Barbie, Mattel… thường khai thác triệt để sở thích sưu tập của trẻ. Cụ thể hãng Barbie có đến hàng trăm mẫu búp bê Barbie khác nhau lấy hình ảnh từ những cô đào xinh đẹp của Hollywood, các công chúa một số nước trên thế giới, cùng các mẫu vật dụng là đồ dùng học tập, đồ dùng hàng ngày có cùng tông, màu hồng đặc trưng của Barbie.

Chính vì thế, xu hướng “chơi theo tông”, “chơi theo bộ” đã bắt đầu hình thành ở một số con nhà khá giả. Nhiều bé, một khi đã sử dụng hàng Barbie thì từ xe đạp, cặp táp, giày dép, gương, lược… đều “vòi vĩnh” ba, mẹ chọn mua đồ chơi cùng nhãn hàng. Cùng với các bé gái, các bé trai một khi đã chọn đồ chơi Lego, hay Mattel thì từ xe đến phi thuyền, tên lửa… đều “bắt” ba mẹ phải chọn mua cho được nhãn hiệu Lego và Mattel cho “khớp” với bộ sưu tập.

Hơn 84.000 trẻ em bị thương tích do sử dụng đồ chơi nguy hiểm

Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em (UBDSGĐTE) TPHCM đã cho biết như vậy với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP trong buổi khảo sát tình hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (dưới 14 tuổi) vào ngày 6-11.

Theo UBDSGĐTE, từ năm 2005 đến hết tháng 9-2007 có hơn 108.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó số trẻ bị thương tích do tai nạn giao thông gần 24.000 em, còn lại do sử dụng các đồ chơi nguy hiểm. UBDSGĐTE kiến nghị các cơ quan chức năng nên cấm buôn bán các dụng cụ, đồ chơi nguy hiểm như súng, pháo, cung tên… cho trẻ em. Đồng thời cần giám sát chặt chẽ và lập lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp tại các khu vực vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

TR.T.

Cùng với các nhà sản xuất, các nhà phân phối (các siêu thị, cửa hàng đồ chơi) hiện nay còn “chăm sóc” và chiêu dụ thượng đế bằng các sân chơi cuối tuần và in thẻ VIP dành cho khách hàng thân thiết với hóa đơn mua hàng từ 2 đến 5 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, các hãng đồ chơi lớn còn có các kế hoạch “nuôi dưỡng” khách hàng bằng các chiến lược lâu dài thông qua các giấy chứng nhận sản phẩm an toàn của EU và Hoa Kỳ, nên dù giá rất cao nhưng vẫn gây được sự chú ý, quan tâm của nhiều phụ huynh.

Theo chị Huỳnh Thị Thảo Anh, chủ cửa hàng đồ chơi Thảo Anh trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), các nhà sản xuất đồ chơi của Trung Quốc thường “đánh” vào tâm lý thích thu hút sự chú ý của người khác của trẻ, trong khi giá cả lại “rẻ không thể tưởng”.

Chính vì thế mặc dù phần lớn đồ chơi Trung Quốc đều “phi giáo dục” nhưng vẫn bán rất chạy. Cụ thể một bộ phi tiêu phóng lên hình ảnh các con vật, hàng Trung Quốc và hàng trong nước về mẫu mã đều giống hệt nhau. Tuy nhiên, nếu như mũi phi tiêu hàng của Trung Quốc có đầu nhọn làm bằng sắt bén, thì hàng trong nước có đầu bằng, dùng từ tính từ nam châm không gây nguy hiểm. Nhưng trái lại, hàng của Trung Quốc vẫn được trẻ thích hơn do tính chất… nguy hiểm của nó.

Với những tính năng hấp dẫn, thực dụng, các bộ đồ chơi “siêu nhân điện quang” vừa phát quang vừa phát điện hay bộ “cá thổi bóng” vừa có nhạc vừa chuyển động vừa thổi được bóng bay lên bán rất chạy. Đáng chú ý, sự nhạy bén của các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ tận dụng triệt để tính “thời sự” để lôi cuối trẻ. Đó là việc tạo ra những bộ đồ chơi mô phỏng các nhân vật trong phim hoạt hình, bộ trò chơi điện tử đang ăn khách như bộ siêu nhân rồng, bộ siêu nhân điện quang... đang “lên cơn sốt” trong giới thiếu nhi.

Trong khi có nhiều đặc điểm hấp dẫn hơn hẳn thì giá các loại đồ chơi Trung Quốc lại đồng loạt rẻ hơn ít nhất 20% - 30% nên đồ nội ngày càng bị khách hàng… xa lánh.

Lê Mai Thy

Tin cùng chuyên mục