>> Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Bắt giữ hơn 6.000 người liên quan
>> Thổ Nhĩ Kỳ hơn 50.000 người mất việc sau đảo chính
>> Thổ Nhĩ Kỳ đẩy lùi âm mưu đảo chính quân sự
Ngày 27-10, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 73 phi công thuộc Lực lượng không quân, nâng số phi công bị bắt giữ, sa thải liên quan tới vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua tại nước này lên hơn 300 người.
Đây là đợt bắt bớ mới nhất trong khuôn khổ các chiến dịch của cảnh sát liên quan tới hoạt động điều tra cuộc đảo chính nói trên tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 300 phi công thuộc lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chính quyền bắt giữ, sa thải sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chiến dịch này nhằm vào những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính, cụ thể tập trung vào một căn cứ không quân tại tỉnh Konya, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và mở rộng điều tra sang 17 tỉnh. Những đối tượng bị bắt giữ với cáo buộc là "lực lượng nổi dậy có vũ trang chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo Anadolu, 71 trong số 73 phi công bị bắt giữ đều là trung úy. Trong khi đó, hãng tin tư nhân Dogan cho biết cảnh sát cũng đã bắt giữ 47 binh sĩ trong một chiến dịch tương tự nhằm vào căn cứ Konya tuần trước, trong đó 29 đối tượng đã bị tam giam chờ xét xử.
Ngoài ra, các thông tin khác cho biết hơn 200 binh sĩ và dân thường Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị bắt giữ trong các chiến dịch liên quan cùng ngày.
Kể từ sau vụ đảo chính bất thành nói trên, Chính quyền Tổng thống Tayip Erdogan đã tiến hành chiến dịch truy quét và bắt giữ 35.000 người bị tình nghi liên quan, sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 100.000 người thuộc quân đội, cảnh sát, ngành tư pháp, công chức nhà nước với cáo buộc liên quan tới giáo sĩ Fethullah Gulen.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những người ủng hộ ông Gulen đã thâm nhập các cơ quan nhà nước nhằm tìm cách lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, ông Gulen đã bác bỏ các cáo buộc của Ankara và cũng lên án vụ đảo chính.
PHAN ANH