Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc phòng chống dịch cúm gia cầm với tinh thần chủ động, nhanh chóng nhưng ngay tại thủ đô Hà Nội, dịch vẫn xảy ra, hàng ngàn con vịt bị chết nhưng chính quyền địa phương vẫn nói “không biết”.
“Không biết”
Khi chúng tôi về xã Phượng Dực, thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Nội) để tìm hiểu về thông tin hàng ngàn con vịt ở đây vừa chết do nhiễm dịch, anh Nguyễn Trọng Túc ở thôn Đồng Tiến khẳng định anh và em trai Nguyễn Trọng Cường (ở cùng thôn) vừa thiệt hại gần 300 triệu đồng do dịch cúm H5N1 làm chết toàn bộ đàn vịt gần 1,2 vạn con. Theo đó, vào giữa tháng 2-2012, đàn vịt có dấu hiệu ốm chết rải rác, anh Túc đã gọi điện báo cán bộ thú y xã là anh Doãn Văn Huy về tình trạng vịt ốm chết và được cán bộ Huy trả lời rằng: “Không có hỗ trợ gì đâu, tự gia đình anh giải quyết thôi”.
Anh Túc bức xúc cho biết, chính vì vậy trong các ngày liên tiếp, vịt của gia đình anh tiếp tục chết hàng loạt, lên tới hàng ngàn con. Anh Túc thừa nhận: “Vì xót của, vì sự thờ ơ của cán bộ thú y xã, tôi đã bỏ gia cầm chết dịch vào bao tải rồi chở ra sông Nhuệ vứt. Tôi biết làm vậy là không đúng”. 5 ngày sau, đến lúc đàn vịt chết hơn 5.000 con, anh Túc sốt ruột lên UBND xã báo cáo, đề nghị địa phương tìm cách giải quyết. Đến lúc này, cơ quan chức năng mới vào cuộc, xét nghiệm, kiểm đếm thì lượng vịt được hỗ trợ nhà anh chỉ còn gần 3.000 con. “Cả đàn vịt 8.800 con với số tiền vốn, tiền cám lên tới gần 270 triệu đồng bỗng chốc tay trắng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực cho biết, vào ngày 21 và 22-2 vừa qua, lực lượng thú y huyện có phối hợp với địa phương tiêu hủy gần 3.000 con vịt của hộ anh Túc. Song đến nay, đàn vịt bị ốm chết vì bệnh gì cũng chưa biết, nên chính quyền địa phương chưa công bố rộng rãi đến bà con trong xã cũng như chưa lập trạm gác chốt kiểm dịch.
Ông Thùy cũng thừa nhận Phượng Dực là một trong những xã chăn nuôi lớn trên địa bàn Hà Nội, với lượng gia cầm lên tới hơn 20 vạn con. Trong khi đó, anh Túc cho biết, ngay sau khi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương có kết quả trả lời đàn vịt nhà anh dương tính với cúm A/H5N1, UBND xã đã có cuộc họp tại trụ sở ủy ban thông báo cho gia đình anh biết để phối hợp tiêu hủy.
Coi thường dịch bệnh
Như vậy, sự thờ ơ, coi thường dịch bệnh của chính quyền xã Phượng Dực và lực lượng cán bộ thú y cơ sở là không thể chấp nhận được. Không chỉ Phượng Dực, ngay trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện cũng còn nhiều nơi lơ là công tác phòng dịch, tiêu biểu ở xã Đại Xuyên, một trong những nơi cung cấp lượng con giống gia cầm lớn nhất nhì cả nước.
Từ Phượng Dực, chúng tôi tìm sang Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Dọc đường, mọc lên hàng chục lò ấp nở trứng gia cầm tư nhân. Theo một chủ ấp gia cầm tại đây, mỗi ngày lò ấp của anh có thể cung cấp từ 1.000 - 10.000 con giống các loại. Trứng được thu mua từ khắp các địa phương. Bên cạnh đó, người dân Đại Xuyên cũng thu mua cả gà, vịt, ngan giống của Trung Quốc về đây tập kết, rồi từ đây con giống lại được chở đi tiêu thụ khắp nơi.
Lo ngại về việc buông lỏng kiểm soát nguồn gốc giống gia cầm tại đây, ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, cho biết trên địa bàn xã Đại Xuyên có khoảng trên 100 trại ấp trứng gia cầm tư nhân, mỗi tuần xuất đi từ 500.000 - 1 triệu con giống. Trong khi đó, lượng giống trung tâm xuất đi mỗi tuần chỉ đạt 2.000 - 30.000 con.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh ở xã Phượng Dực cũng như nguy cơ dịch bệnh lây lan trên địa bàn, ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, nói rằng: “Thông tin dịch cúm gia cầm ở Phượng Dực là không chính xác. Vừa rồi có thông tin lên Sở NN-PTNT, chúng tôi đã chỉ đạo, huyện đã lập đoàn xuống kiểm tra, sự việc được báo cáo không phải như thế. Những bao tải vứt trên sông chứa rác thôi, không phải vịt. Huyện Phú Xuyên cũng làm rất quyết liệt. Chúng tôi cũng đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra tình hình tại các quận, huyện trên địa bàn”.
Trong khi đó, người dân vẫn khẳng định tình trạng gia cầm, thủy cầm chết do dịch là có thật.
Văn Nguyễn
| |
Ráo riết phòng chống bệnh tay chân miệng
(SGGP).- Đây là một trong những nội dung của công điện mà Bộ Y tế gửi tới Chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến bất thường và phức tạp.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đôn đốc phòng chống dịch ở các khu vực có ổ dịch cũ, tập trung kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ nhất là các nhà trẻ tư nhân, các hộ trông trẻ tại gia đình; rà soát, sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác giám sát, điều trị bệnh nhân tại các đơn vị y tế dự phòng, bệnh viện, bổ sung ngay các trang thiết bị cần thiết cho các cơ sở, đơn vị phân công thực hiện việc điều trị. Đồng thời bố trí kinh phí dự phòng chống dịch để sử dụng trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng, kéo dài.
Chiều 1-3, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà. Đã có 21 trường hợp mắc bệnh. Riêng 2 trường hợp biến chứng nặng phải chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tại Thừa Thiên - Huế, đã phát hiện 10 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 2 trường hợp sốt xuất huyết, 1 trường hợp não mô cầu. Ông Hoàng Đức Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản chỉ đạo các trường học, các đơn vị trực thuộc tăng cường đảo bảo VSATTP, phòng chống dịch bệnh cho học sinh...
Cùng ngày, ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay đã ghi nhận có 277 trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng, hiện vẫn còn 91 bệnh nhân đang được điều trị. Hầu hết các bệnh nhân đều có kết quả dương tính với EV 71. Sở Y tế đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra, giám sát, xử lý dịch tay chân miệng tại các địa phương trong tỉnh. Sở cũng đã phân bổ số tiền 2,5 tỷ đồng cho các địa phương triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông, giám sát và xử lý dịch bệnh.
Riêng Đà Nẵng từ đầu năm 2012 đến nay, đã ghi nhận 152 trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 ca tử vong. Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, đã yêu cầu các Phòng GD-ĐT quận, huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng ở nhà trường. Khi trẻ đến lớp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước, nhà trường phải thông báo với gia đình và cơ quan y tế trên địa bàn. Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên cùng lớp mắc bệnh trong 7 ngày, yêu cầu phải cho lớp đó nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.
Bệnh tay chân miệng bùng phát sớm và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở ĐBSCL ngay từ những tháng đầu năm 2012. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, năm nay, bệnh tay chân miệng phát tán từ cộng đồng dân cư. 2 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố có 334 ca mắc tay chân miệng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó có 2 trường hợp tử vong (1 ca có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm). Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp 2 tháng đầu năm có 500 ca mắc bệnh tay chân miệng, 1 trường hợp tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, bệnh tay chân miệng xuất hiện sớm từ đầu năm, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 80 ca, cao điểm có tuần hơn 330 ca. Tại Vĩnh Long có 233 ca mắc bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay, trong đó 1 trường hợp tử vong. Trong số này, tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đã tiếp nhận, điều trị thành công gần 100 trường hợp biến chứng nặng, thậm chí đến cấp độ 4.
| |
Nhóm PV