Là danh thắng đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, ca dao: “Đà Lạt có thác Cam Ly, có hồ Than Thở người đi sao đành” với nhiều cảm xúc dạt dào đọng lại trong lòng du khách từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng hồ Than Thở - một danh thắng cấp quốc gia đang chết dần chết mòn bởi cách làm du lịch ăn xổi ở thì.
Một cách để tăng sức thu hút
Trong hội nghị về Phát triển du lịch Đà Lạt được tổ chức vào trung tuần tháng 6-2014, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trên cả nước đã thẳng thắn cho biết, hồ Than Thở nhiều năm qua đã không còn trong lịch tham quan, khám phá Đà Lạt của họ bởi thắng cảnh này không còn như xưa. Để “cứu vãn”, năm 2013 đơn vị quản lý hồ đã liên kết với Công ty Biofresh Farm Organic trồng giống dâu sạch nhập từ Pháp phục vụ khách tham quan trên diện tích 2ha. Khách đến đây được nghe giới thiệu về mô hình trồng dâu tây cho trái quanh năm, mâm xôi, dưa lưới, nguyệt quế trong nhà kính đạt tiêu chuẩn châu Âu, tận tay hái, thưởng thức những trái dâu chín mọng và nếu thích có thể mua về làm quà. Ngoài dâu ăn trái còn có các loại mứt đặc sản khác cũng theo tiêu chuẩn thực phẩm sạch. Khách chỉ cần mua vé tham quan là có luôn tiện ích tham quan vườn dâu này. Đây là một giải pháp nhằm kéo khách đến với danh thắng này khi lượng khách đến tham quan ngày một thưa thớt.
Anh Nguyễn Văn Quảng, chuyên viên du lịch nội địa của Công ty CPDL Intertour Việt Nam cho biết, hồ Than Thở bây giờ trông rất tàn tạ. Do không được nạo vét một cách căn cơ khiến diện tích lòng hồ ngày càng thu hẹp. Khu đồi thông hai phần mộ cũng không đầu tư gì và rừng thông xung quanh bị lấn chiếm bởi nhà vườn, cùng sự xuống cấp của chính nó do vòng đời của thông đã đến tuổi khai thác, lại không được tỉa thưa hay trồng bổ sung kịp thời làm cảnh quan ngày càng trở nên tiêu điều... Việc xây dựng gượng gạo một số công trình dịch vụ như sân xi măng giữa thung lũng (vốn trước kia còn là mặt nước) và hàng rào xi măng đã làm cảnh quan càng đơn điệu. Nhân viên một công ty du lịch trước đây từng đưa khách đến trồng cây thông ở hồ Than Thở thắc mắc: Không biết sao những cây do du khách trồng nay quay lại không thấy đâu?
Được biết, dự án đầu tư xây dựng KDL hồ Than Thở được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép năm 1997 với tổng kinh phí khoảng gần 50 tỷ đồng trên diện tích 118ha. Nhưng vì nhiều lý do, từ đó đến nay Công ty TNHH Thùy Dương chỉ đầu tư nhỏ giọt với số vốn khoảng 20% so với cam kết trên diện tích khiêm tốn khoảng 40ha. Cách đây đúng 10 năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tính thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty Thùy Dương vì thiếu năng lực đầu tư kinh doanh du lịch nhưng tiếc thay mọi chuyện lại “vũ như cẩn”?
Tôn tạo cách nào?
Không phủ nhận cố gắng của chủ đầu tư trong việc liên kết với công ty Biofresh Farm Organic để tạo thêm sản phẩm cho khách tham quan nhằm kéo khách đến với hồ Than Thở nhưng bấy nhiêu thôi là chưa đủ để tạo nên bộ mặt mới cho danh thắng này.
Theo chúng tôi, để tôn tạo danh thắng hồ Than Thở thì điều cốt yếu chính là phục hồi lại nét thơ mộng vốn có của hồ với việc trồng rừng, tạo cảnh quan rừng thông ở xung quanh khu du lịch và nạo vét thường xuyên, tránh bồi lắng từ các hoạt động sản xuất rau, hoa xuống hồ. Nên chăng, cần có một giải pháp mạnh là thương lượng, bồi thường với dân để sang lại, mua thêm đất mở rộng diện tích để tạo cho hồ có một diện tích đủ để mở rộng rừng thông xung quanh. Với những cây thông đã quá tuổi (trên 80 năm) cần được tỉa thưa, trồng mới theo từng khu vực nhằm tạo cảnh quan bền vững. Ngoài ra, để giảm bớt yếu tố bê tông hóa thì cần trồng loại cây dây leo như cây thằn lằn hoặc hoa hồng dại che kín hàng rào 2 bên đường dẫn vào hồ để tạo tấm áo thiên nhiên cho hồ.
Lãnh đạo Công ty Biofresh Farm Organic cho rằng: Tôn tạo để trả lại nét thơ mộng cho danh thắng quốc gia hồ Than Thở không khó nhưng vấn đề đặt ra là “có muốn làm hay không?”.Câu trả lời xin dành lại cho chính quyền địa phương và Công ty TNHH Thùy Dương.
VĂN PHONG