Thơ thời chống Mỹ - chất nhân văn mang tính nhân loại

Hai tuyển tập văn và thơ giai đoạn chống Mỹ đang được gấp rút hoàn thành, sẽ ra mắt trong hội thảo lớn nhằm tôn vinh văn học giai đoạn chống Mỹ, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào dịp 30-4-2014. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Hà Nội xung quanh tuyển tập thơ này.
Thơ thời chống Mỹ - chất nhân văn mang tính nhân loại

Hai tuyển tập văn và thơ giai đoạn chống Mỹ đang được gấp rút hoàn thành, sẽ ra mắt trong hội thảo lớn nhằm tôn vinh văn học giai đoạn chống Mỹ, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào dịp 30-4-2014. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Hà Nội xung quanh tuyển tập thơ này.

nhà thơ Bằng Việt

nhà thơ Bằng Việt

- PV: Ông từng đánh giá: “Một thế hệ sống hết mình vì sự tồn vong đất nước, một thời đại đủ tầm cao và tầm sâu cho giá trị thơ ca đích thực”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

>> Nhà thơ BẰNG VIỆT: Thế hệ thơ ca chống Mỹ như ta vẫn thường quen gọi như vậy, là một thế hệ có số phận khá đặc biệt. Họ sinh ra trong bối cảnh đất nước cũng đặc biệt. Số phận của thế hệ thơ này cũng là một số phận đặc thù. Thế hệ thơ chống Pháp chưa thể đi đến cuộc trải nghiệm đa dạng và phức tạp, căng thẳng và toàn diện, khốc liệt và trường kỳ như thời chống Mỹ đã đành, mà âm hưởng của cuộc sống muôn mặt trong một cuộc chiến tranh tổng thể cũng chưa thấm sâu vào từng trang thơ đến mức tự nhiên và tinh tế đến vậy. Chúng ta thường định dạng một cách ước lệ rằng đây là “lớp thơ chống Mỹ”, “ nền thơ chống Mỹ”, mà lẽ ra phải đi sâu hơn để thấy rằng: cốt lõi của lớp người này đâu phải chỉ định hình do ở tinh thần chống Mỹ, mà được định hình chủ yếu lại do những yếu tố cao cả và bao quát hơn, đó là biết khẳng định những phẩm chất tích lũy từ truyền thống xa xưa của dân tộc mình; cố gắng thể hiện được thước đo tính công dân trọn vẹn, lòng vị tha đầy nhân ái, tâm thế biết dấn thân hết mình vì sự nghiệp chung…

- Đây đó có ý kiến thơ ca chống Mỹ chủ yếu ngợi ca một chiều, theo định hướng, minh họa…

Một số ý kiến của một vài nhà phê bình gần đây thích ném toàn bộ thơ chống Mỹ vào một rọ, coi là thứ thơ tuyên truyền bề nổi, ít thấy nội tâm, ít tính nghệ thuật hoặc là thơ ít học, quê mùa, chỉ nhắm mắt làm theo đơn đặt hàng của nhu cầu chính trị, của lý tưởng cách mạng… Cả một nền thơ chống Mỹ đâu phải chỉ đơn giản bó khuôn trong có một việc là “chống Mỹ”, mà hơn thế rất nhiều, đây là nền thơ về toàn bộ cuộc sống con người trong hơn 2 thập niên dân tộc phải chiến đấu và vươn lên để sống, phải ngẩng cao đầu khi làm người với đầy đủ ý nghĩa của con người, giàu khát vọng, biết hào phóng và mở rộng tầm cao cho suy tư hòa cùng diện rộng của cảm xúc. Biểu hiện rõ nét nhất của thơ ca thời chống Mỹ là đã dám dấn thân, dám chia sẻ hết mọi tâm trạng của mọi lớp người thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động và công tác, ở mặt trận cũng như ở hậu phương, ở nơi đô thành phía bên kia cũng như cuộc sống cam go, khốc liệt và gian khó bên này; dám dung nạp mọi khía cạnh và góc độ để quan sát cũng như để diễn giải. Thơ đủ sức để thẩm thấu đến mọi ngóc ngách của nếp sống xã hội, tâm lý và lề thói ứng xử của con người, từ cái ta chung đến cái tôi riêng của mỗi cá nhân đơn lẻ… Thơ ca thời chống Mỹ cũng đã đi vào đúng quy luật cơ bản của cuộc sống và quỹ đạo hữu ích có từ xưa của thơ là “văn dĩ tải đạo”.

- Được biết có khá nhiều nhà thơ giai đoạn này có mặt trong tuyển tập. Vậy tiêu chí tuyển chọn như thế nào?

Nền thơ chống Mỹ sản sinh ra một lực lượng các nhà thơ rất hùng hậu. Ban đầu chúng tôi có ý định tuyển chọn mỗi tác giả tiêu biểu khoảng 3 bài nhưng, như vậy là sẽ để sót lọt nhiều thơ hay và tiêu biểu của thời kỳ này, do đó tiêu chí cao nhất là chất lượng, sẽ có nhà thơ được chọn tới 7, 8 bài và có người chỉ một bài.

- Nhà thơ đánh giá nghệ thuật của thơ giai đoạn này thế nào?

Tôi có thể khẳng định nhiều bài thơ của các nhà thơ giai đoạn này như Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy… không hề thua kém lớp nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Bên cạnh đó, chất nhân văn mang tính nhân loại - cốt lõi của mọi giá trị văn chương chân chính cũng được thể hiện khá đầy đủ trong nhiều tác phẩm thi ca giai đoạn này.

- Thơ chống Mỹ được tính từ 1954 đến 1975 (21 năm). Từ năm 1975 đến nay (39 năm). Thế nhưng, thơ chống Mỹ để chọn ra 10 bài thơ hay không khó; còn 39 năm nay chọn được 10 bài thơ hay thì thật là gian nan. Nhiều ý kiến cho rằng thơ hiện nay vụn vặt, sexy, tắc tị…, nhà thơ đánh giá như thế nào về điều này?

Tôi cho rằng thơ ca thời chống Mỹ sau khi sàng lọc, còn lại phần tinh túy nhất thì may sao vẫn có cửa để đi vào trái tim con người, kéo được công chúng rung động theo mình. Tuy nhiên, vẫn cứ còn lại đó nỗi tiếc nuối về một khoảng trống bất cập cho thơ ca của thế hệ mình, mà dù đã biết, đã tiên lượng nhưng vẫn không sao với tới, vì lý do đơn giản là đã không thể vượt qua nổi những giới hạn chạm trần của thời mình sống, những kiến giải đóng băng dành cho thời mình biết. Còn thơ hiện nay, như nhà báo và nhiều người đã nói. Mọi hay dở rồi thời gian sẽ phán xét.

Ban tuyển chọn tuyển tập thơ giai đoạn chống Mỹ gồm 8 nhà thơ: Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trần Nhuận Minh, Thi Hoàng, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Mậu, Lê Thành Nghị. Tuyển tập thơ ước tính khoảng trên 700 trang.

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục