Thoái vốn các “ông lớn”

Hội nhập: không có chuyện con chung, con riêng
Thoái vốn các “ông lớn”

Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định thoái vốn toàn bộ ở 10 doanh nghiệp nhà nước “đại gia” đang làm ăn phát đạt. Vì sao có quyết định này?

Hội nhập: không có chuyện con chung, con riêng

Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế thị trường hòa nhập với nền kinh tế thế giới, vì vậy, để xây dựng một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh đòi hỏi mọi thành phần kinh tế phải bình đẳng. Do vậy, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp (DN) nhà nước là tuân theo luật chơi của quốc tế khi Việt Nam ký cam kết gia nhập các Hiệp định thương mại tự do. Tuyên bố thoái vốn trong thời điểm này chính là thông điệp mà Nhà nước Việt Nam gởi đến bạn bè quốc tế về sự chuẩn bị cho sân chơi bình đẳng, không còn sự can thiệp của Nhà nước. Nếu chúng ta không thoái vốn, thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vì các nhà đầu tư sẽ lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng và sự can thiệp bằng quan hệ, bằng chính sách có thể xảy ra trong hoạt động điều hành của Nhà nước. Bởi nếu Nhà nước vừa tham gia làm kinh tế trên thị trường, vừa quản lý, điều tiết nền kinh tế, thì không thể công bằng, khách quan khi đối xử với các loại hình doanh nghiệp. Do vậy, thoái vốn Nhà nước ra khỏi những lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối, quản lý cũng là cách hỗ trợ khối tư nhân được bình đẳng phát triển.

Theo Luật Quản lý vốn đầu tư Nhà nước tại các DN, Nhà nước chỉ thành lập DN 100% vốn Nhà nước ở một số lĩnh vực: dịch vụ công cộng, công nghiệp quốc phòng, khai thác vệ tinh… và một số lĩnh vực cần thiết mà các thành phần kinh tế khác không làm (như vốn lớn, thu hồi vốn chậm, địa bàn quá rộng…). Khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, các nước phải cam kết tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và động thái rút vốn ra khỏi thị trường là thực hiện cam kết đó. Do vậy, đã đến lúc chúng ta phải tuân theo luật chơi: Nhà nước chỉ quản lý, điều hành nền kinh tế, còn thị trường để cho thị trường quyết định.

Sản xuất sữa tại Công ty Vinamilk. Ảnh: CAO THĂNG

Chuyên môn hóa hoạt động của Nhà nước

Việc dần rút vốn ra khỏi nền kinh tế của Nhà nước thời điểm hiện nay để phù hợp với thông lệ quốc tế, bị coi là hơi muộn. Nguyên nhân, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua thực hiện rất chậm. Kế hoạch trong năm 2015 cả nước phải cổ phần hóa hơn 400 DN, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn còn ì ạch, chưa thể đạt yêu cầu. Do vậy, rút vốn nhà nước ra khỏi những ngành không thiết yếu cần phải được đẩy mạnh. Vấn đề quan tâm không phải là chọn DN nào trước, DN nào sau, mà phải tạo được sự minh bạch, tạo cơ chế giám sát hợp lý để hoạt động thoái vốn, định giá, bán cổ phần được chính xác, đúng giá trị. Chẳng hạn, câu chuyện xác định giá trị thương hiệu là câu chuyện khó, mà lợi ích giá trị thương hiệu mang lại đôi khi gấp trăm lần tài sản vật chất của DN. Nếu không có quy định rõ ràng, giám sát chặt chẽ thì sẽ bị các nhóm lợi dụng, làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Đương nhiên, đã thoái vốn thì phải thu tiền, vấn đề người dân lo ngại là tiền này dùng để làm gì. Đó không phải là câu hỏi thông minh, vì đã là tiền của Nhà nước, nằm trong ngân sách thì hoạt động chi sẽ theo đúng Luật Ngân sách. Trong lúc cầu đường, trường học, các cơ sở y tế đang thiếu vốn đầu tư, khi Nhà nước có thêm nguồn thu chắc hẳn sẽ đổ vào đầu tư cho hạ tầng, an sinh xã hội, phục vụ nhân dân...

Khi thoái vốn xong, Nhà nước rút ra khỏi thị trường thì chắc hẳn Nhà nước sẽ tập trung chuyên môn hoạt động của mình là quản lý, điều hành nền kinh tế. Nhà nước phải đóng vai trò người dẫn dắt cuộc chơi trong cơ chế thị trường, là người quản lý nền kinh tế dưới góc độ hành chính. Mất đi một khoản thu do không tham gia kinh doanh trên thị trường, nhưng ngược lại, nhà nước sẽ thu được nhiều hơn nếu xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp, tạo môi trường thông thoáng để DN cạnh tranh bình đẳng. Khi nền kinh tế có sự cạnh tranh thì giá cả cũng sẽ giảm, người dân được lợi, đồng thời, DN làm ăn hiệu quả thì Nhà nước cũng thu thuế được nhiều hơn. Đó mới chính là lợi ích bền vững của một quốc gia.

Thoái vốn toàn bộ tại 10 doanh nghiệp, gồm:

1. Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk): Nhà nước nắm giữ 45,1% với giá trị sổ sách là 795 tỷ đồng, giá trị thực tế là 57.532 tỷ đồng.

2. Tổng Công ty CP  Bảo Minh (BMI): Nhà nước nắm giữ 50,7% vốn với giá trị sổ sách là 383 tỷ đồng và giá trị thực tế là 880 tỷ đồng.

3. Tổng Công ty CP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR): Nhà nước nắm giữ 40,4% với giá trị sổ sách là 529 tỷ đồng, giá trị thực tế là 1.270 tỷ đồng.

4. Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP): Nhà nước nắm giữ 37,1% vốn với giá trị sổ sách là 57 tỷ đồng, giá trị thực tế là 230 tỷ đồng.

5. Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP): Nhà nước nắm giữ 38,4% với giá trị sổ sách là 42,2 tỷ đồng, giá trị thực tế là 1.611 tỷ đồng.

6. Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6% - Nhà nước nắm giữ giá trị thực tế là 195 tỷ đồng).

7. Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM): Nhà nước nắm giữ 46,6% vốn với giá trị sổ sách là 29,3 tỷ đồng, giá trị thực tế là 58,7 tỷ đồng.

8. Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC): Nhà nước nắm giữ 49,9% với giá trị sổ sách là 20,8 tỷ đồng, giá trị thực tế là 182 tỷ đồng.

9. Công ty CP FPT (FPT): Nhà nước nắm giữ 6% với giá trị sổ sách là 44,3 tỷ đồng, giá trị thực tế là 1.117 tỷ đồng.

10. Công ty CP Viễn thông FPT (FTC): Nhà nước nắm giữ 50,2% với giá trị sổ sách là 625 tỷ đồng, giá trị thực tế là 3.251 tỷ đồng.

Trong đó, việc thoái vốn tại Công ty CP Sữa Việt Nam được quan tâm nhiều nhất. Tính theo thị giá, phần vốn Nhà nước tại Vinamilk hiện có giá trị khoảng 2,4 triệu USD. Nếu thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp, Nhà nước có thể thu về khoảng 4 tỷ USD.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục