Thoáng không có nghĩa là buông lỏng

ANH THƯ

3.000 hay 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật đang làm khó doanh nghiệp? Dù câu trả lời là bao nhiêu thì việc dọn dẹp “rừng” điều kiện này cũng là một nhiệm vụ không chỉ vất vả, mà còn miễn cưỡng đối với nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Chưa nói đến tâm lý níu kéo quyền sinh quyền sát để trục lợi, thì cũng vẫn còn đó nỗi lo thường trực “nếu buông là lỏng”. Chẳng thế mà không ít chuyên gia đã thẳng thắn cảnh báo về tình trạng nâng cấp các điều kiện kinh doanh trong thông tư vào nghị định, nghĩa là không có gì thay đổi về bản chất; thậm chí do nghị định là văn bản có hiệu lực cao hơn, nên việc chỉnh sửa hoặc bãi bỏ trở nên phức tạp hơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những quy định khắt khe kiểu “tiền kiểm”, nếu sau đó không được giám sát thi hành thì cũng vẫn có thể bị doanh nghiệp phớt lờ hoặc cố ý làm sai. Ngược lại, tuy bãi bỏ, sửa đổi những quy định phiền hà, không cần thiết, cơ quan nhà nước vẫn có thể có những cách thức quản lý hữu hiệu khác. Chẳng hạn, thay vì đặt ra điều kiện kinh doanh nón bảo hiểm, cơ quan nhà nước chỉ cần đưa ra bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn khoa học và chi tiết về sản phẩm này là đủ.

Tại cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật mới đây của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đều thống nhất rất cao về mục tiêu, định hướng cải cách thể chế nói chung và cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nếu có ranh giới không rõ ràng giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn, tiêu chuẩn thì thà “bỏ sót” điều kiện kinh doanh còn hơn là đưa vào nghị định để trói buộc doanh nghiệp”. Đây cũng là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Người đứng đầu Bộ Tư pháp cũng cho rằng, trong trường hợp khó phân biệt rạch ròi giữa điều kiện kinh doanh và quy chuẩn kỹ thuật thì nên thiên về quy chuẩn kỹ thuật cho tới khi làm rõ, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đồng tình với Bộ trưởng Lê Thành Long và dẫn chứng ở Mỹ, doanh nghiệp được thành lập, đi vào hoạt động rất dễ dàng, nhưng sản phẩm, dịch vụ chỉ được cung ứng ra thị trường khi thực sự đảm bảo chất lượng. Tương tự, hàng hóa muốn nhập khẩu vào nước này cũng phải đáp ứng những điều kiện rất chặt chẽ.

Song song với nỗ lực rà soát để bãi bỏ, điều chỉnh các điều kiện kinh doanh, sửa đổi đồng bộ các văn bản pháp luật có liên quan khác theo tư tưởng “hậu kiểm” cũng quan trọng không kém. Như nhiều luật gia đã chỉ rõ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều này có nghĩa là về nguyên tắc, kể từ ngày 1-7-2015, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm; kể cả trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà nhà nước chưa ban hành quy định về điều kiện kinh doanh của ngành đó. Tuy nhiên, nếu cứ thẳng băng mà làm như vậy thì rủi ro pháp lý là rất lớn, thậm chí có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự (chẳng hạn như quy định tại điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi “kinh doanh vàng tài khoản” trái phép, cho dù đây không phải là ngành, nghề bị cấm hay kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014)


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục