Thoát nghèo về kinh tế lẫn văn hóa

Giàu - nghèo trong cuộc sống, cứ ngẫm nghĩ lại, về lý thuyết mà nói giống như hai đường thẳng song song, đường ai nấy chạy và may mắn lắm mới có thể gặp nhau ở đâu đó trong thế giới phẳng vô tận.

Để có điểm cắt chung, người ta đã nghĩ ra đủ phương cách từ kêu gọi lòng hảo tâm, đánh thuế thu nhập cao và kể cả không làm cũng phát lương tháng cho người dân như Phần Lan hoặc Thụy Sĩ đang dự tính thực hiện. Nhưng tất cả đều vô vọng vì đơn giản là … đường ai nấy đi, giàu đi với giàu, nghèo sánh vai cùng nghèo, đã giàu lại muốn giàu hơn, giàu nữa giàu mãi, chỉ có nghèo là không muốn… nghèo hơn, vẫn ôm ấp tia hy vọng đổi đời. Đến mức ở nước ta, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) dịp Tết Bính Thân cũng cho phát sóng hai chương trình song song, một là ông Táo quân than thở “Ở đời giàu nó ghét, nghèo nó khinh còn thông minh nó tiêu diệt”, và một chương trình nữa có tính chất “ôn nghèo” cách đây nhiều thập niên với thông điệp có một thời thiếu thốn vậy mà tình người sao vẫn đầy ắp, vẫn đầy sự sẻ chia tình làng nghĩa xóm.

Nói thế để thấy rằng chúng ta rất khó giải bài toán giàu - nghèo nếu không có cách tiếp cận phi vật chất dựa trên nền tảng văn hóa trong ứng xử chung. Thứ nhất, không thể có GDP tăng trưởng kinh tế nếu không giữ được sự ổn định của “GDP văn hóa” và nhiều khi cái GDP phi vật thể này lại quyết định cái GDP cốt lõi kia vốn được coi là hàn thử biểu sự thịnh vượng của đất nước.

Thật lạ là khi kinh tế khó khăn trong bối cảnh chung, người đời than thở cái sự sụt giảm GDP còn 5-6 phần trăm, vì sự nghèo đi của bản thân, vì sự tính toán khi mua món đồ này kia… nhưng lại không thấy mấy ai nhắc tới cái nghèo đi của GDP văn hóa trong xã hội. Dẫn chứng thì vô vàn khi  đụng đến cái gì cũng thấy xuống cấp, môi trường thì ô nhiễm nặng nề, thở không được mà nuốt vào cũng chẳng xong; đi chợ thì ngó trước ngó sau cứ lấm lét, lật đi lật lại cái này nó thật hay giả, nó là thịt bò thật hay thịt heo giả bò giống như sân khấu thấy rặt các vở diễn về đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới đến hoa mắt chóng mặt…

Người ta cứ đùa rằng ở ta không cần phải áp dụng các biện pháp đánh chặn gần, chặn xa con virus Zika từ Nam Mỹ vì nó có vào cũng không có đường ra trong môi trường ô nhiễm đến vậy! Và quả thật ứng xử văn hóa của người Việt đang cần hàng loạt giải pháp chấn chỉnh mà đơn giản nhất vẫn là khơi gợi truyền thống “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, hay nói cách khác là sự tử tế trong lối sống. Có nó, người nông dân sẽ không phân biệt trái cây này dành riêng cho gia đình, còn cái kia - đẹp mắt hơn - tất nhiên qua ngâm tẩm hóa chất - dành cho người lạ, sẽ không còn những bi kịch gia đình nhan nhản trên các trang mạng xã hội, sẽ có trường học, bệnh viện thay cho các quán nhậu và trại giam có mặt khắp nơi…

Để có phần nào sự chân - thiện - mỹ, cần nhất vẫn là sự đầu tư cho văn hóa một cách bài bản, đầu tư có trọng điểm, đầu tư sao cho ra sản phẩm văn hóa không tì vết mang ý nghĩa giáo dục cao. Ở khía cạnh này, TPHCM đã có hướng thoát sự trì trệ kéo dài nhiều năm khi tuyên bố mục tiêu là lọt vào tốp các thành phố có chất lượng sống tốt. Đấy là sức sống tự thân của một thành phố mở khi nó dung nạp người tứ xứ với văn hóa và cách sống khác biệt nhưng cùng một chí hướng thoát nghèo, thoát nghèo cả về kinh tế lẫn văn hóa.

Chúng ta có thể thấy duy nhất ở TPHCM hàng đêm vẫn có những suất diễn sân khấu dù là sân khấu nhỏ hay sân khấu lớn, vẫn sáng đèn những quán cà phê kịch mà diễn viên chạm được vào người thưởng thức vị đắng của cà phê trong ngất ngây của nghệ thuật. Họ - lớp người trẻ từ mọi miền hội tụ - vẫn cháy hết mình trên sàn diễn bé xíu dù tiền cátsê chỉ vài chục ngàn đồng và vẫn phải nợ nần tiền thuê mặt bằng có khi lên tới cả trăm triệu đồng. Họ vẫn miệt mài thử nghiệm các vở tuồng từ chính kịch, kinh dị, tâm lý đến cả những vở mang tính triết lý cao tưởng như không thể diễn được như của Camus… và vẫn còn những khán giả đất phương Nam sẵn sàng chi trả cho nhu cầu giải trí và nuôi sống đam mê nghệ thuật của văn nghệ sĩ. Ở đây phải nói rằng, không cần Nhà nước đầu tư tiền tấn, không cần bầu sữa ngân sách, người làm văn hóa thành phố vẫn có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Chỉ cần có quyết tâm, sự minh bạch, một cơ chế thoáng của cơ quan quản lý ngành dọc là diện mạo văn hóa thành phố sẽ xứng tầm một mảnh đất từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” trước đây.

Hãy cho một cơ hội khởi nghiệp cho các nghệ sĩ, cho những người làm văn hóa nói chung. Có người nói rằng, ước gì các cấp lãnh đạo không chờ thư mời mà tự mình bỏ tiền mua vé xem phim, kịch, ca nhạc… thì chắc là nghệ sĩ sẽ có đất diễn, càng muốn hoàn thiện hơn sáng tạo nghệ thuật của mình và bộ mặt văn hóa thành phố sẽ sớm khởi sắc. Chỉ cần làm việc nhỏ như vậy là đã thấy khác, giống như khi tân Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đề cập một chuyện nhỏ là số phận con bò sữa ở Củ Chi thì tức khắc chúng ta thấy có sự chuyển mình rõ rệt trong nhận thức của các nhà quản lý vốn chỉ thích giải quyết những chuyện thật lớn. Ước gì và hy vọng!

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục