Thời của smartphone!

Mua sắm trên mạng: tiện lợi!
Thời của smartphone!

Việc bán hàng qua mạng thời gian gần đây trở thành vấn đề nóng. Chính yếu tố thuận tiện cho người tiêu dùng, buộc các nhà kinh doanh phải chạy theo kịp xu thế. Ngay các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đưa ra phương pháp quản lý, thu thuế… cho phù hợp. Theo nội dung hội thảo mới đây về thương mại điện tử (TMĐT) đã xác định xu thế mua hàng qua điện thoại di động thông minh (smartphone) đang tăng lên và vì vậy, đòi hỏi các nhà cung cấp phải cập nhật và đáp ứng yêu cầu thời đại…

Lượng khách hàng đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay trên smartphone ngày càng phổ biến

Mua sắm trên mạng: tiện lợi!

Một khảo sát mới nhất cho biết, Việt Nam có 92 triệu dân thì hơn 1/3 dân số sử dụng internet trên smartphone. Tính đến năm 2014, số truy cập internet trên smartphone chiếm 35%-40% thời lượng. Mua hàng bằng smartphone đang gia tăng, đặc biệt vào thời gian buổi tối. Việc sử dụng smartphone mua hàng nhiều nhất là đặt vé máy bay, du lịch, khách sạn, quần áo… Và, đến 72% số người được khảo sát ở Việt Nam cho rằng mua sắm trực tuyến trên mạng là tiện lợi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính xu thế phát triển bán hàng qua mạng này buộc doanh nghiệp không thể làm ngơ trước yêu cầu tối ưu hóa website cho smartphone. Một chủ trang web bán hàng online cho biết, từ năm 2012 đơn vị này bắt đầu dự án bán hàng online thì có đến 90% khách hàng thực hiện giao dịch bằng desktop, nhưng sau 2 năm, con số giảm còn 52% và ngược lại số khách hàng sử dụng smartphone để mua hàng tăng lên, đạt 40% khách hàng. “Khách hàng ưa chuộng mobile đang gia tăng, nếu doanh nghiệp không thay đổi, đáp ứng yêu cầu thì rõ ràng sẽ chậm”, ông Hoàng Anh Việt, đại diện doanh nghiệp bán hàng qua mạng internet cho biết. Doanh nghiệp này còn cho biết thêm, đa số khách hàng của doanh nghiệp đều làm văn phòng, thường xuyên lướt web vào ban ngày bằng máy tính để bàn, nhưng vẫn dùng điện thoại truy cập vào buổi tối. Việc so sánh giá cả, tìm kiếm các phiếu giảm giá từ các nhà cung cấp được khách hàng sử dụng thường xuyên qua smartphone.

Các doanh nghiệp bán hàng qua mạng cho rằng, thời gian vàng có nhiều người tiêu dùng truy cập, mua sắm trên mạng là sau 20 giờ. Do vậy, việc truy cập, mua sắm và quảng bá hàng hóa xôm tụ nhất là thời gian này. Tuy nhiên, khách hàng lại cho rằng, hiện nay hạ tầng dành cho điện thoại di động chưa tốt, nên việc đặt hàng qua điện thoại di động khó khăn so với phương thức TMĐT từ máy tính để bàn. Trong khi đó, theo thống kê của ông Lê Thiết Bảo, Công ty Deca, khi công ty này hoàn thiện phiên bản thiết bị cầm tay thông minh, thì chỉ sau 2 tuần lượng khách hàng và lượt truy cập tăng lên rõ rệt, tỷ lệ người thoát trang giảm 7%, đặc biệt giao dịch thành công tăng 30%. “Chỉ sau 2 tuần công ty giàu thêm được 30%, một con số không hề nhỏ để doanh nghiệp tính đến một phiên bản bán hàng mới cho smartphone” - ông Bảo nói.

Cần theo kịp xu thế

Tại Hội thảo “Tối ưu hóa website cho di động” vừa diễn ra mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) Nguyễn Thanh Hưng cho biết, việc dùng smartphone để truy cập website bán hàng có tỷ lệ thành công thấp, nếu truy cập 3 website thì chỉ có 1 website thành công, 2 trang khác không vào được vì chưa có phiên bản tương thích. Trước xu thế tất yếu trong việc kinh doanh TMĐT trên thiết bị di động, ông Lê Đức Anh, Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng nên hình thức này sẽ phát triển rất nhanh chóng. Vấn đề doanh nghiệp sẽ biết đặt mình ở vị trí nào trong xu hướng này.

Thế nhưng, những năm qua, các doanh nghiệp bán hàng chưa nhìn nhận đúng mức về nhu cầu mua hàng qua mạng khi cho rằng hiệu quả quảng bá không cao nên theo thống kê của Hiệp hội TMĐT Việt Nam năm 2014 chỉ có 15% doanh nghiệp có website thiết kế riêng cho smartphone. Trong khi đó, tỷ lệ khách hàng truy cập internet hàng ngày từ smartphone tăng lên, đạt 76%, cao hơn từ máy tính để bàn và laptop (chỉ 59%). “TMĐT qua điện thoại di động tại Việt Nam có tiềm năng lớn, song không nhiều doanh nghiệp biết khai thác lợi thế này”, ông Nguyễn Thanh Hưng nhận xét.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn bắt kịp xu thế phát triển TMĐT, đã đến lúc các doanh nghiệp phải quan tâm đến việc phát triển hai yếu tố là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và các đơn vị phần mềm cho smartphone. Để thực hiện thương mại trên smartphone thành công, đòi hỏi doanh nghiệp khi xây dựng phiên bản cho smartphone không nên dùng chung với phiên bản máy tính vì sẽ khiến website bị nặng, tải chậm, khách hàng nản lòng khi tải thông tin. Tốc độ truyền tải cũng là yếu tố giữ chân được người dùng ở lại hay thoát trang. Trước xu thế này, sắp tới Bộ Công thương sẽ ban hành thông tư cụ thể để hướng dẫn thi hành cũng như định hướng phát triển TMĐT trên smartphone.

Liên quan đến chất lượng của hoạt động TMĐT, theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê, trên địa bàn TPHCM, tỷ lệ người tiêu dùng lo lắng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ khi mua hàng trực tuyến năm 2011 là 55%, đến năm 2014 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 17,8% do doanh nghiệp đã áp dụng rộng rãi phương thức thanh toán COD (Cash On Delivery) - khách hàng chỉ trả tiền sau khi đã nhận và kiểm tra hàng hóa.

Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 53, Khoản 1 Điều 55 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT, thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT phải tiến hành thủ tục thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương. Theo Khoản 2 Điều 77 của nghị định này, Sở Công thương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra đối với website TMĐT.

THANH HẢI - THẢO NHI

Tin cùng chuyên mục