Trước đó, những tên tuổi lớn như Google và Microsoft cũng đang nhắm tới Việt Nam để sản xuất các dòng điện thoại, máy tính đời mới…
Tính từ đầu năm đến nay, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ và đa dạng hơn với sự hiện diện của hơn 57 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD.
Trong đó, vị trí dẫn đầu đã được thay đổi bởi nhà đầu tư đến từ Singapore với tổng vốn đầu tư cao nhất, với hơn 4,268 tỷ USD, chiếm 62,9% tổng vốn đăng ký cấp mới. Kế đến là lãnh thổ Đài Loan với 646,4 triệu USD, chiếm 9,5%. Trung Quốc cũng vươn lên vị trí thứ 3 với mức vốn đầu tư đạt 507,2 triệu USD, chiếm 7,5%. Riêng Hàn Quốc, rơi xuống vị trí thứ 5 với 376 triệu USD, chiếm 5,5%... Ngoài ra, các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nga… cũng lần lượt tăng cường sự hiện diện cũng như vốn đầu tư tại Việt Nam.
Nhìn vào làn sóng dịch chuyển đầu tư trong 5 năm qua, thấy rằng nhiều nước đã triển khai chính sách Trung Quốc + 1. Trong đó, phần lớn là “cộng” với một nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trước năm 2020, làn sóng “cộng 1” còn khá mờ nhạt do Trung Quốc vẫn là nước có môi trường đầu tư hấp dẫn; nguồn cung nguyên liệu sản xuất tại chỗ phong phú và dồi dào. Thế nhưng, những vấn đề trên đã thay đổi khi dịch Covid-19 xảy ra. Nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt gãy, nhiều nền kinh tế khốn đốn vì quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu ở một quốc gia cụ thể. Các nước thấy rằng cần thiết phải hình thành các chuỗi cung ứng kép. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển vị trí đầu tư, gia tăng đầu tư tại nước của mình, chính phủ các nước cũng sẽ hỗ trợ thiết bị và phương tiện để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ở các quốc gia thay thế khác, trong đó phải kể đến các nước ASEAN.
Việt Nam đang là ứng cử viên trong làn sóng dịch chuyển này, bởi đây là quốc gia kiểm soát rất tốt dịch bệnh và nhanh chóng triển khai kế hoạch tái khởi động nền kinh tế ngay trong tháng 5 này. Môi trường đầu tư tại Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Những chỉ số đánh giá các yếu tố như thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, lao động, tỷ lệ cung ứng nội địa, ổn định chính trị… đều lần lượt tăng cao. Đơn cử, thời gian để doanh nghiệp hoàn thành giấy chứng nhận đầu tư, mã số thuế… đã được giảm từ 60 ngày (năm 2015) xuống còn chưa tới 30 ngày (năm 2019); hơn 50% quy định kiểm tra chuyên ngành đã được lượt bỏ, cơ chế đồng chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cũng được áp dụng. Đặc biệt, quyền sở hữu trí tuệ cũng được thực thi hiệu quả hơn…
Vấn đề còn lại là Việt Nam cần sớm hoàn thiện hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp trong đó có tính đến khu công nghiệp chuyên ngành, đáp ứng tối đa yêu cầu cần đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Những chính sách thuế, phí, thông quan hải quan… cần phải minh bạch, rõ ràng và nhất quán, tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và áp dụng một kiểu. Bên cạnh đó, những tồn tại tiêu cực như doanh nghiệp phải chi những khoản chi phí không chính thức, bị thanh kiểm tra chuyên ngành trên dưới 20 lần/năm và cùng một nội dung nhưng có quá nhiều bộ cùng quản lý, kiểm tra và chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, gây khó cho doanh nghiệp… cần phải khắc phục triệt để hơn.
Ở chiều ngược lại, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, đây là thời điểm vàng để Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam cần chọn lọc trong đầu tư theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối, tránh thu hút đầu tư công nghệ thâm dụng lao động, doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ảnh hưởng đến chất lượng thu hút đầu tư và môi trường sống của người dân.