Thời thanh niên sôi nổi

Thử thách
Thời thanh niên sôi nổi

Cái máy ảnh đời cũ, keo dán, keo ép, miếng ép nhựa, vài cây viết mực đủ màu, mấy cái mộc khắc bằng gỗ cây lồng mứt, một chút khéo tay, một chút liều lĩnh và rất nhiều tình cảm dành cho cách mạng - vậy là đủ cho một “xưởng sản xuất” giấy tờ giả phục vụ cán bộ cách mạng hoạt động nội thành ra đời giữa lòng Sài Gòn thời chống Mỹ. Người đảm nhận nhiệm vụ hết sức đặc biệt đó là một đoàn viên thanh niên mới ngoài 20 tuổi… Gần 50 năm sau, người thanh niên tên Nguyễn Văn Ngó đang ngồi trước mặt chúng tôi: thương tích, bệnh tật đầy người nhưng ký ức về một thời thanh niên sôi nổi vẫn còn tươi rói.

Ông Nguyễn Văn Ngó (Út Ròm) ký lại chữ ký của Quận trưởng quận 5 thời Sài Gòn chưa giải phóng. Ảnh: Mai Hương

Ông Nguyễn Văn Ngó (Út Ròm) ký lại chữ ký của Quận trưởng quận 5 thời Sài Gòn chưa giải phóng. Ảnh: Mai Hương

Thử thách

– Đừng ngủ, té chết nghe hông mày!

Đều đều như một cái máy nhả chữ, cách chừng 5 phút, tên lính canh lại thốt ra mấy tiếng sắc gọn. Nguyễn Văn Ngó giật mình choàng tỉnh. Suýt chút nữa, trong cơn mơ màng kiệt quệ, anh đã đập đầu vào thanh sắt. Hai cánh tay đã bị trói chặt rồi bẻ quặt ra đằng sau. Hai chân bị còng. Xiên giữa hai chân là một cây sắt to và dài.

Người bị trói chỉ cần mất tập trung, đổ ập người xuống là coi như tự sát. Thần kinh anh căng như dây đàn, nửa mê nửa tỉnh. Anh gần như phát điên. “Lúc đó, tôi quên luôn tên ông già mình. Chỉ dặn với lòng: Ráng lên nghen Ngó, không được khai!”.

4 tháng sống trong tù, kinh qua đủ khám lớn, khám nhỏ, anh ngộ ra một điều: Khi đã vào tới đây rồi, muốn sống đã khó, muốn chết còn khó hơn. Chọn đúng khi người tù mấp mé giữa lằn ranh sống chết, chúng lại quăng ra một cái phao, đưa ra một sự lựa chọn: Tổ quốc hay là chết?

Trước khi nếm đòn tra tấn tâm lý này, anh đã kinh qua nhiều trận đòn thù thừa sống thiếu chết: từ treo ngược lên nóc nhà rồi thả dây cho rớt tự do xuống gần mặt đất, cho trồng cây chuối rồi dùng ma trắc quất vào gan bàn chân, chiêu lộn mề gà, móc hai bên bẹ sườn kéo căng ra rồi đánh…

Tên lính chiêu hồi được phân công tra tấn anh, sau khi giở hết mọi ngón nghề cuối cùng phải thừa nhận chịu thua “thằng nhóc 20 tuổi”. Lúc bị giặc bắt với cặp tài liệu trong người năm 1961, Nguyễn Văn Ngó đang hoạt động ở Thành đoàn, là Phó ban Cán sự khu vực các trường tư thục Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn kết án anh 3 năm tù giam.

Sản xuất “vỏ bọc”

Sau khi ra tù, đến năm 1965, Ngó được tổ chức phân công nhiệm vụ đặc biệt: Làm giấy tờ giả cho cán bộ vào thành hoạt động. Anh đi học một khóa cấp tốc 6 tháng về các nghiệp vụ cơ bản như làm mộc, khắc dấu, chụp ảnh, rửa hình, đánh máy, dán ép… Mới được 7 ngày, thầy giáo đã cho Ngó “tốt nghiệp”.

Đối tượng cần làm giấy tờ giả thường là cán bộ mới ra tù, mới vượt ngục, tù chính trị bị truy nã, cán bộ ở vùng giải phóng được điều về hoạt động thành… Việc đầu tiên của người phụ trách làm giấy tờ giả là phải tiếp xúc với người cần làm giấy.

Ông Ngó kể: “Dù hoạt động bí mật, che giấu thân phận với ai nhưng với tôi, những đồng chí ấy phải nói thật tất cả: Từ quê quán, xuất thân, bị lộ ra sao, công tác sắp tới là gì… Từ những thông tin đó, tôi mới suy nghĩ, cân nhắc mà “vẽ” ra cho họ một lý lịch mới”.

“Hồi đó, giấy in căn cước, giấy nhựa ép bị chính quyền quản chặt, khó mua lắm. Phát hiện bao đựng bút bi có chất liệu gần giống với giấy plastic ép thẻ căn cước nên tôi lấy từng cái bao đựng viết ra mài cho mỏng làm giấy bọc căn cước. Mài được một tấm giấy ép thiệt trần thân, phải mài sao cho mỏng đều, trơn láng. Để có được con dao khắc chữ trên mộc cho sắc ngọt cũng phải mài dũa thật kỹ, trung bình mỗi lần mài, mất từ một buổi đến một ngày. Không có buồng tối, tui chế ra hộp rửa hình từ lon sữa”, ông Ngó kể.

Kỳ công nhất là khâu bắt chước chữ ký. Nhìn chữ ký, phải biết người ký có thói quen cầm viết cao hay thấp, cầm lỏng hay chặt, khi viết thì để ngòi nghiêng hay thẳng đứng, độ ấn của đầu bút xuống mặt giấy là mạnh hay nhẹ. Chữ ký nào dễ thì học trong vài ngày. Chữ ký nào “độc” quá thì phải học đến vài tháng.

Ông cười: “Khó bắt chước nhất là chữ ký của Quận trưởng quận 5. Chữ ký có 3 đường gạch song song, mà đầu của mỗi góc thì không được nhọn. Chữ ký giả mà không có được những đặc điểm đó thì rất dễ bị phát hiện. Suốt 3 tháng trời, tui ký nát không biết bao nhiêu giấy mới học được”.

Thấy giấy tờ bị làm giả ngày càng nhiều, sau chiến dịch Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn ra lệnh hủy toàn bộ giấy tờ, đồng thời yêu cầu từng quận cấp cho một loại giấy mới là giấy kiểm tra. Áp dụng chiêu này, những người dùng giấy tờ giả sẽ bị lộ mặt. Lần đầu tiên, chính quyền Sài Gòn đưa vào sử dụng máy photocopy. Giấy kiểm tra được in không có độ hằn của chữ trên giấy. Điều này, không loại máy đánh chữ nào làm được.

Tuy nhiên, với sự khéo léo của mình, ông Ngó vẫn làm được một số giấy kiểm tra giả phục vụ kịp thời cho phong trào cách mạng.

* Ông Ngó bồi hồi: “Ngẫm lại một thời tuổi trẻ, điều khiến tôi nhớ nhất là cảm giác mất mát sau mỗi chuyến đi. Hồi đó, mỗi lần tới một trạm giao liên, cán bộ mình được hướng dẫn rất tận tình. Để rồi ít ngày sau trở lại, mình gặp toàn những gương mặt mới cũng trẻ măng và hồn nhiên. Người của ngày hôm trước đã ngã xuống. Có những chuyện tưởng chừng không thể, nhưng chỉ có người trẻ mới làm nổi”.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục