Đêm nay 24-9

Báo số 4 đổ bộ vào biển Đông và mạnh thêm

Báo số 4 đổ bộ vào biển Đông và mạnh thêm
  • Đà Nẵng: Còn 204 tàu, thuyền hoạt động ngoài khơi

 Chiều 23-9, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp bàn các giải pháp phòng chống cơn bão số 4. Chỉ đạo các biện pháp phòng chống bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Phải lưu ý việc thông báo cho ngư dân thường xuyên giữ liên lạc với bờ. Phải lưu ý bảo vệ mùa màng, đặc biệt khi chúng ta dự báo bão số 4 sẽ vào từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh để có các giải pháp phòng chống. Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải bố trí trực và theo dõi diễn biến của cơn bão. Chuẩn bị các phương án di dân khỏi vùng nguy hiểm”.

Báo số 4 đổ bộ vào biển Đông và mạnh thêm ảnh 1
Hình ảnh cơn bão số 4 trên biển Đông được chụp qua vệ tinh đêm 23-9

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, chiều 23-9, áp thấp nhiệt đới ở biển Đông đã mạnh lên thành bão – cơn bão số 4. Hồi 20 giờ, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 19,6 độ vĩ Bắc; 113,5 độ kinh Đông, trên khu vực Bắc biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (khoảng 62 - 74km/giờ), giật trên cấp 8 và còn tiếp tục mạnh thêm.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ ngày 24-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ vĩ Bắc; 111,2 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 30km về phía Đông. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km. Dự báo trong 48 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 16 giờ ngày 25-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ vĩ Bắc; 108,3 độ kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 70km về phía Đông - Đông Bắc. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Như vậy, từ đêm nay (24-9), ở vịnh Bắc bộ gió sẽ mạnh dần cấp 6-7, sau tăng dần lên cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam biển Đông có gió mạnh cấp 7, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng tố lốc mạnh.

Trước diễn biến mạnh lên của bão số 4, tối 23-9, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương có công điện khẩn gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh yêu cầu thông báo cho chủ các phương tiện  tàu, thuyền biết vị trí và hướng di chuyển của bão để tìm cách phòng, tránh ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, đặc biệt là khu vực từ 18 độ vĩ Bắc trở lên. Tiếp tục kêu gọi các tàu, thuyền về nơi trú ẩn an toàn, cần lưu ý việc sắp xếp tàu, thuyền tại các khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, có phương án bảo vệ lồng, bè và các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển.

t Chiều 23-9, Ban tác chiến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết: hiện Đà Nẵng vẫn còn 204 phương tiện/1.950 ngư dân đang hoạt động ngoài khơi. Trong đó, 36 tàu/823 ngư dân câu mực ở khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa, 168 tàu/1.127 ngư dân đang hoạt động đánh bắt ven biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Ngay từ sáng 23-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng đã có công điện khẩn đến UBND các quận, huyện, các sở, Đài thông tin duyên hải tại Đà Nẵng và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng chủ động đối phó với bão số 4. Theo đó, Bộ đội Biên phòng TP tiếp tục thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tình hình của bão, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi trở về và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

t Trong 4 ngày qua, mưa lớn và lốc xoáy diễn ra ở nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL, gây thiệt hại nặng cho hoa màu và diện tích lúa. Ngày 23-9, theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn Bạc Liêu, mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 15 căn nhà; trong đó có 2 người bị thương nặng. Theo dự báo, trong 5-7 ngày tới, khu vực bán đảo Cà Mau sẽ có mưa lớn kèm lốc xoáy, người dân cần tập trung chằng néo nhà cửa để đề phòng lốc xoáy. Kiểm tra việc trang bị các thiết bị liên lạc của các tàu thuyền đánh bắt thủy sản trước khi ra khơi; các khu vực tàu thuyền neo đậu trú bão... để ứng phó kịp thời khi có bão xảy ra.

L.V. - NG.KH. - C.P.

Tin cùng chuyên mục