Bão số 4 suy yếu thành ATNĐ: Có thể gây mưa lớn

Bão số 4 suy yếu thành ATNĐ: Có thể gây mưa lớn
  • Các địa phương khẩn trương đối phó với mưa lũ

Sáng 25-9, bão số 4 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 ở vịnh Bắc bộ. Đến buổi trưa, sau khi đi qua phía Nam đảo Bạch Long Vĩ, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Chiều tối 25-9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 19,8 độ vĩ Bắc; 107 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Thanh Hóa khoảng 100km về phía Đông - Đông Nam.

Bão số 4 suy yếu thành ATNĐ: Có thể gây mưa lớn ảnh 1

Phương tiện ứng phó với bão và áp thấp của tỉnh Ninh Bình được tập kết để sẵn sàng cứu hộ đê biển.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61km/giờ), giật trên cấp 7. Sau khi đi vào đất liền các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa, ATNĐ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, tiếp tục ảnh hưởng đến vùng ven biển các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6. Các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.

Sáng qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại 2 tuyến đê biển trọng điểm nằm dọc cửa Đáy và Bình Minh 2 thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Đây là một trong những tuyến đê biển xung yếu, thường xuyên hứng chịu nhiều trận bão lớn, che chắn và bảo đảm an toàn cho hàng ngàn hộ dân ở phía trong, đã được nhà nước chọn để đầu tư cứng hóa từ sau cơn bão số 7 cách đây 2 năm. Tuyến đê Bình Minh 2 có tổng chiều dài 22km, trong đó có 13km chạy sát biển.

Mặc dù bão đã suy yếu thành ATNĐ, song qua thị sát tình hình dọc tuyến đê biển, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao công tác chuẩn bị PCLB của tỉnh Ninh Bình. Trao đổi với PV SGGP, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay ở khu vực này đang gặp phải một khó khăn là hệ thống tiêu thoát nước còn yếu kém do hệ thống cống, kênh rạch đã được xây dựng từ cách đây 30 năm, đang bị xuống cấp.

Bộ trưởng chỉ đạo địa phương cần chủ động hơn trong việc tiêu úng, đặc biệt là tại những khu vực trũng, để không làm thiệt hại đến lúa vẫn chưa kịp thu hoạch và cây trồng vụ đông đã xuống giống của nông dân, bởi sau khi bão suy yếu thành ATNĐ có thể gây ra mưa lớn.

Để chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó nếu xảy ra mưa lớn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cử 3 đoàn công tác xuống các địa phương trong tỉnh để kiểm tra và chỉ đạo đối phó. Tại 17 đơn vị trực thuộc quân số thường trực là 335 người và 9 phương tiện, 7 xuồng chuẩn bị ứng cứu khi cần thiết. Tại Hải Phòng, Ban chỉ huy PCLB và TKCN TP đã kiểm tra, đôn đốc triển khai phòng chống bão, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I đã sẵn sàng 2 tàu SAR tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Toàn bộ 503 tàu đánh cá xa bờ và 2.175 tàu thuyền thủy sản gần bờ đã di chuyển về nơi trú, tránh bão tại Cát Bà: 739 tàu với 4.612 người; tại âu cảng Bạch Long Vĩ đã có 166 tàu thuyền và các địa bàn Đồ Sơn, Cát Hải, Tiên Lãng, Kiến Thụy. Tại Cát Bà, 507 lồng bè nuôi trồng hải sản đã được di chuyển về nơi trú ẩn và có biện pháp đảm bảo an toàn. Đoàn công tác của trung tướng Nguyễn Đức Soát đã làm việc với UBND TP Hải Phòng và đi kiểm tra khu vực cảng và các công trình đang xây dựng.

Tại 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình), các lực lượng thường xuyên có mặt trên đê để kiểm tra đôn đốc các xã triển khai đối phó với bão, phối hợp với bộ đội biên phòng kêu gọi các hộ ngư dân nuôi trồng thủy sản ở ngoài bãi biển vào trong đê chính. Bố trí lực lượng vật tư, phương tiện tại những vị trí đê, kè cống xung yếu để bảo vệ và xử lý kịp thời những sự cố hư hỏng do bão số 4 gây ra.

Có 297 tàu với 1.316 người đang hoạt động trên biển, trong đó 30 tàu với 235 người đang hoạt động trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Tất cả các tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định đã xuống các vị trí đê kè xung yếu kiểm tra và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh để đối phó với bão số 4. Bộ đội biên phòng tỉnh đã bắn pháo hiệu tại 4 điểm: Cồn Lu, Doanh Châu, Hải đội 2 và Ngọc Lâm.

Toàn tỉnh có 1.965 tàu đánh bắt gần bờ đã nhận được thông tin về bão qua radio và đã vào nơi trú tránh. Để chống úng do ảnh hưởng của cơn bão số 4, Chi cục Thủy lợi đang chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi tiêu rút nước đệm.

Cho đến thời điểm hiện nay, các huyện đồng bằng và ven biển của tỉnh Thanh Hóa mới chỉ thu hoạch được 40%-50% lúa mùa, một số huyện diện tích thu hoạch được còn thấp như Đông Sơn, diện tích gặt được chưa đáng kể, Nga Sơn 10%, Hoằng Hóa 20%, thị xã Bỉm Sơn 20%, Hà Trung 20%, Nông Cống 40%, Thạch Thành 40%. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCLB, Sở NN-PTNT tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp xuống các xã chỉ đạo việc gặt nhanh lúa mùa, dự tính các huyện đồng bằng ven biển 2 đến 3 ngày tới sẽ gặt xong, các huyện miền núi của tỉnh cơ bản đã gặt xong.

V.P. - M.G. - L.V.

Tin cùng chuyên mục