ĐBSCL đang bước vào cao điểm mùa lũ. Thế nhưng, triều cường đạt đỉnh lịch sử trong khoảng 50 năm qua mới là chuyện “thủy chấn” ở các đô thị trong những ngày cuối tháng 10-2013. Triều cường tràn ngập nhiều tuyến đường ở các đô thị lớn, phá vỡ nhiều tuyến đê bao lúa ở An Giang và vùng trồng mía của Sóc Trăng. Hình ảnh người dân bơi xuồng bì bõm, lướt qua các con đường hay cảnh tung chài bắt cá trên phố đang tràn ngập các trang mạng xã hội.
Đây được xem là hệ quả nhãn tiền do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. “BĐKH ngày càng phức tạp và diễn ra nhanh hơn dự báo”, là nhận định gần đây của nhiều nhà khoa học. Theo đó, các nhà khoa học đưa ra kịch bản cho những thiệt hại: Nếu nước biển dâng thêm 1m, Bến Tre sẽ mất 50% diện tích đất, kế đến là Long An (mất 49%), Tiền Giang (32,7%), Cần Thơ (24,7%)… Như vậy diện tích lúa chắc chắn sẽ bị đe dọa, sản lượng lúa sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là sự khốc liệt của BĐKH ngày một gia tăng.
Cơn “thủy chấn” vừa qua gần như song hành với những thiệt hại: sạt lở gia tăng trên sông Hậu, sông Tiền, các tuyến đê biển ở Trà Vinh, Cà Mau tả tơi. Đáng lo ngại là nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng mới xây dựng đã bị nước lũ kết hợp triều cường gây ngập nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường ở Cần Thơ, quốc lộ 1, nội ô thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), cảng Trần Đề - Sóc Trăng… chìm trong nước.
Vấn đề đặt ra là cách thức chúng ta tiếp cận để ứng phó với BĐKH hiện nay còn nhiều khập khiễng. Chuyện BĐKH và các kịch bản, dự án thích ứng với BĐKH được đề cập nhiều, nhưng chưa có giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề.
Bên lề diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) trăn trở: “2 năm qua, các cù lao trên sông Hậu thuộc địa bàn Sóc Trăng liên tục bị vỡ đê. Tình trạng này nếu gia tăng trong những năm tiếp theo, người dân sẽ làm gì để đối phó?”. BĐKH gần như ai cũng thấy nhưng không hiểu vì sao, có những công trình mới xây dựng một vài năm đã bị ngập do triều cường. Như ở Cần Thơ, công trình đường xây dựng bao quanh bờ hồ Xáng Thổi, mới hoàn thành vài năm, những ngày qua ngập nặng do triều cường. Đây chỉ là một điển hình, thực tế có nhiều công trình rơi vào dạng này.
Vậy câu hỏi đặt ra là khi xây dựng công trình, những người quy hoạch và thực hiện đã làm theo cao trình nào? Phải chăng cao trình quy định trong xây dựng hiện nay đã lỗi thời so với mức độ gia tăng BĐKH. Đây là những vấn đề mà trách nhiệm trước tiên thuộc về người lãnh đạo ở địa phương và liên đới đến Bộ Xây dựng. Thực tế người dân ở các đô thị ĐBSCL, chỉ xây dựng vài năm lại phải bỏ tiền đầu tư nâng cao nền nhà để chống chọi triều cường. Đây là một lãng phí rất lớn ở ĐBSCL, song chưa được các địa phương nhìn nhận đúng mức.
Một số chuyên gia cho rằng, Bộ Xây dựng cần rà soát và đánh giá lại những quy định về cao trình xây dựng công trình hạ tầng ở các địa phương chịu tác động trực tiếp do BĐKH gây ra. Cao trình này phải mang tính dự báo cao dưới góc độ khoa học, vì nếu không hợp lý sẽ tiếp tục bị ngập sau 1 - 2 năm đưa vào hoạt động, làm xáo trộn sinh hoạt của người dân và gây lãng phí lớn.
Một vấn đề cũng không kém quan trọng là những đánh giá và khuyến cáo cụ thể của cơ quan chức năng đối với các công trình xây dựng của người dân. Cụ thể như khi xây dựng nhà cửa ở khu vực nông thôn, đô thị, khu vực vực gần bờ sông, gần biển… phải đạt mức cao trình tối thiểu là bao nhiêu để có thể thích nghi trong thời gian dài. Có thể nói “cơn thủy chấn” vừa qua ở ĐBSCL là thông điệp “nước đã đến chân” mà BĐKH gửi đến.
CAO PHONG