Thông điệp về khát vọng sống

Shop Hoa Lê là tên gọi khá thân thiện của gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm quà lưu niệm do Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM thành lập.
Thông điệp về khát vọng sống

Shop Hoa Lê là tên gọi khá thân thiện của gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm quà lưu niệm do Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM thành lập.

Ngay tại buổi tham quan đầu tiên khi mới khánh thành, thắc mắc về tên gọi của gian hàng, cô Trần Thị Doan, nhân viên phụ trách, vui vẻ cho biết, sở dĩ ban giám đốc trung tâm quyết định đặt tên gọi ấy bởi hoa lê là một loài hoa đẹp, trắng tinh và thuần khiết như tâm hồn của những học viên khuyết tật. Khi những cánh đồng hoa lê nở trắng cũng là lúc vừa vào tháng 4 trong năm, trùng khớp với ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18-4). Với tên gọi này, trung tâm hy vọng sẽ có một khởi đầu may mắn cho việc giới thiệu các sản phẩm của người khuyết tật đến với mọi người.

Các nữ học viên khuyết tật thực hiện các mẫu tranh thêu tại Xưởng lao động hòa nhập (ESAT). Ảnh: KỲ VỌNG

Các nữ học viên khuyết tật thực hiện các mẫu tranh thêu tại Xưởng lao động hòa nhập (ESAT). Ảnh: KỲ VỌNG

Vừa nói, cô Doan vừa đưa cho khách xem một loạt mẫu quà lưu niệm khá xinh xắn như: giỏ hoa làm bằng đất sét đủ màu được uốn nắn rất khéo léo như hoa thật; những đôi dép đan bằng len tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ; những mô hình đồ chơi tĩnh; vật lưu niệm phong phú đa dạng, được tạo hình khá trau chuốt. Có lẽ sản phẩm gây sự chú ý nhiều nhất là các bức tranh thêu, tranh kết cườm và tranh vẽ đủ thể loại với nhiều ý nghĩa khác nhau được đôi bàn tay khéo léo của các học viên khuyết tật làm nên. Đứng trước một bức tranh vẽ bằng màu nước khắc họa phong cảnh làng quê Việt Nam, chúng tôi không khỏi thán phục trước cách cảm nhận màu sắc và ý tưởng về tình yêu quê hương đất nước mà người vẽ muốn gửi gắm.

Nói về nguyên nhân thành lập nên shop bán đồ lưu niệm mang nhiều ý nghĩa này, cô Doan chia sẻ, đây là công trình tâm huyết của ban giám đốc trung tâm. So với người bình thường, những sản phẩm do người khuyết tật làm ra đưa đến tận tay người tiêu dùng còn gặp rất nhiều khó khăn ở các mặt như độ tinh xảo, tính phổ biến và cách tiếp thị. Hiểu được điều đó qua nhiều cuộc thảo luận lấy ý kiến, cuối cùng trung tâm đã quyết định cho ra đời gian hàng giới thiệu các sản phẩm do người khuyết tật sản xuất với công chúng tên gọi “Shop Hoa Lê” diện tích 16m² tọa lạc tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan - Võ Thị Sáu (quận 3) thuộc khuôn viên trung tâm.

Vào cuối tháng 12-2011, cửa hàng đã chính thức mở cửa trong niềm vui hân hoan của các cán bộ, nhân viên, giáo viên Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM và nhất là hàng trăm học viên khuyết tật đang học nghề, lao động sản xuất tại đây. Tuy chỉ mới ra mắt chưa đầy 3 tháng, với các mặt hàng “chủ lực” như tranh thêu chữ thập, tranh sơn dầu, tranh kết cườm, hoa đất sét, mô hình đồ chơi… nhưng cũng đã có nhiều người tiêu dùng đến tham quan và đặt hàng.

Theo cô Hà Thị Thanh Trâm, nhân viên gắn bó nhiều năm với các lớp dạy và thực hành nghề cho học viên khuyết tật thì yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công bước đầu của gian hàng này có một phần đóng góp của Xưởng lao động hòa nhập (ESAT) được trung tâm thành lập vào tháng 9-2010. Chính từ xưởng này nhiều mặt hàng phù hợp với khả năng lao động của người khuyết tật đã được phát hiện.

Bên cạnh cơ hội được rèn luyện kỹ năng lao động, các học viên còn có được nguồn thu nhập để tự trang trải cuộc sống. Các mặt hàng làm ra tuy giá trị kinh tế chưa cao nhưng đó chính là thông điệp cuộc sống về khát vọng vươn lên hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.
Nếu ai có dịp một lần đi qua và nhìn thấy shop quà lưu niệm dễ thương này, hãy dừng chân ghé vào chọn cho mình, bạn bè hoặc người thân một món hàng lưu niệm.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục