Thông minh?

Gần đây, từ “thông minh” xuất hiện với tần suất cao trong hàng loạt đề án, sản phẩm, trong những câu khẩu hiệu; thậm chí cả trong những lời khuyến cáo của nhà chức trách (như hãy làm người tiêu dùng thông minh).

Đề cập đến giá trị của trí tuệ, TS Alan Phan đưa ra so sánh thú vị: những người sử dụng cơ bắp để kiếm tiền thì giỏi nhất ở nước Mỹ cũng chỉ kiếm được khoảng 20 - 25 USD/giờ. Trong khi đó, kiếm tiền bằng trí tuệ dường như vô giới hạn. Theo ông trí tuệ mới là tài sản mềm, là giá trị thực sự trong một nền kinh tế “đang vận chuyển theo hướng dựa trên tri thức, chứ không phải dựa trên những tài sản cứng”.

Tuy vậy, khái niệm thông minh xem ra đang bị lạm dụng. Một đề án khởi động cách đây chục năm của TP Hà Nội có tên “vé thông minh”. Một loại thẻ từ, dùng để thanh toán chi phí đi lại trên nhiều loại phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện đô thị…) để hạn chế sử dụng tiền mặt - vừa được hâm nóng lại, chưa biết bao giờ thành hiện thực.

Đề án khác, liên quan đến đại lộ Thăng Long vừa được Bộ Giao thông Vận tải chính thức bàn giao UBND TP Hà Nội quản lý, được gọi là Quản lý giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long, sau khi thực hiện tại đây, dự kiến được nhân rộng ra tất cả các tuyến cao tốc khác. Thực tế, đây chỉ là việc lắp đặt các thiết bị camera ghi hình và máy tính phục vụ tổ chức, hướng dẫn và xử lý vi phạm giao thông, được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Tiên tiến trong hoàn cảnh Việt Nam thì đúng, nhưng nói “thông minh” e chưa phải.

Quay lại câu chuyện người tiêu dùng thông minh. Ở đây, “thông minh” lại là thuộc tính của người sử dụng chứ không phải phẩm chất được tích hợp sẵn trong sản phẩm. Nhưng “thông minh” được trong hoàn cảnh này thật rất khó. Chẳng thế mà thịt ngựa giả thịt bò đang làm rúng động từ châu Âu sang châu Á. Mặc dù người dân châu Âu được coi là kỹ tính bậc nhất trong việc lựa chọn thực phẩm nói riêng và hàng tiêu dùng nói chung. Có lẽ trong vụ này, “thông minh” có thể coi như một đại lượng hữu hạn (chưa bàn chuyện đúng sai), mà những kẻ sản xuất, buôn bán vô lương tâm đã giành cả: chúng lừa đẹp các cơ quan chức năng của hàng loạt nước, thì còn đâu phần “thông minh” cho người tiêu dùng!

Có người nói vui, cứ đà này, rồi phải có những đề án “rau thông minh, gà thông minh” có khả năng tự… phát sáng nhấp nháy hay phát ra tiếng động thông báo với người mua rằng “tôi sạch”!  

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục