Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) mới đây, Bộ Công thương dự báo, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ký kết vào cuối năm nay. Theo đó, các cam kết thương mại hàng hóa trong TPP được ví ở mức WTO+ và đi xa hơn các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Theo cam kết về thương mại hàng hóa trong TPP, các nước thành viên sẽ phải xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu, trong đó khoảng 90% là xóa bỏ ngay lập tức khi hiệp định có hiệu lực. So sánh với TPP, các FTA mà Việt Nam đã tham gia không có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao đến mức 100%. Hiện nay, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan ngay lập tức trong các FTA mà Việt Nam đã ký có tỷ lệ rất thấp: khoảng 57% - 60% và thông thường, Việt Nam giảm thuế theo lộ trình rất dài, đôi khi đến hơn 20 năm. Trong khi đó, các nước tham gia TPP đều thống nhất gỡ bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu để bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng. Về thuế nhập khẩu với hàng đã qua sử dụng, TPP yêu cầu xóa bỏ thuế với tất cả các sản phẩm đã qua sử dụng, bao gồm cả ô tô cũ. Bên cạnh đó, các nước cũng đề xuất mở cửa cho hàng tân trang và đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp đặc quyền, độc quyền trong xuất nhập khẩu. Trong đàm phán TPP, Việt Nam khẳng định thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam hiện nay là 13% và để mức thuế về 0% cần có lộ trình. Thuế nhập khẩu bình quân của Hoa Kỳ trên 4%, Nhật Bản trên 3% và Australia hơn 2%. Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ đồng ý xóa bỏ thuế 100% nhưng nhất định phải có lộ trình với một số mặt hàng nhạy cảm.
THẢO TIÊN
Nhiệt điện Vĩnh Tân vận hành vào quý 4-2017
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công tác huy động vốn xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã cơ bản hoàn tất, việc xây dựng đang tiến hành thông suốt. Theo đó, dự kiến tổ máy đầu tiên của nhiệt điện này sẽ được đưa vào vận hành cuối quý 4-2017; tổ máy thứ 2 vận hành vào cuối quý 3-2018.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) làm chủ đầu tư có quy mô công suất khoảng 1.200MW gồm 2 tổ máy 600MW nằm trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện với tổng quy mô công suất lên đến 5.600MW, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, khi xây dựng xong sẽ đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung bộ và các tỉnh thành phía Nam. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1,763 tỷ USD, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số trên tới hạn đốt than nhập khẩu. Đây là công nghệ hiện đại, công suất - hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
LẠC PHONG