Thông thoáng quy định thuế cho kiều bào

Để rộng cửa thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi kiều bào về quê đóng góp cho đất nước, nhiều thông tư, nghị định mới ban hành nhằm tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính, minh bạch trong hoạt động tính thuế, xuất nhập cảnh… Mới đây, lãnh đạo TPHCM đã có buổi tiếp xúc, giới thiệu các quy định mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kiều bào đang đầu tư tại Việt Nam. Nhiều vấn đề thiết thực đã được giải quyết thỏa đáng.
Thông thoáng quy định thuế cho kiều bào

Để rộng cửa thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi kiều bào về quê đóng góp cho đất nước, nhiều thông tư, nghị định mới ban hành nhằm tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính, minh bạch trong hoạt động tính thuế, xuất nhập cảnh… Mới đây, lãnh đạo TPHCM đã có buổi tiếp xúc, giới thiệu các quy định mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kiều bào đang đầu tư tại Việt Nam. Nhiều vấn đề thiết thực đã được giải quyết thỏa đáng.

Không còn “thuế chồng thuế”

Nhiều doanh nghiệp (DN) kiều bào đặt câu hỏi: Nghe nói thuế giá trị gia tăng chỉ đánh đối với người tiêu dùng trong nước, những người mua hàng hóa trong nước mang ra nước ngoài thì được miễn loại thuế này, nhưng không biết điều kiện thủ tục ra sao? Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP, cho biết, quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện tại cửa khẩu hải quan. Tuy nhiên, hàng đó phải là hàng không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu và khách nước ngoài phải mua tại các doanh nghiệp có tên trong danh sách được phép bán hàng hoàn thuế thì mới được xét miễn thuế. Ngoài ra, còn phải thỏa các điều kiện như hóa đơn mua hàng được lập không quá 60 ngày tính đến ngày xuất cảnh; giá trị hàng hóa phải trên 2 triệu đồng…

Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Công ty V.N ở Bình Tân than phiền, mỗi năm phải đón quá nhiều đoàn cán bộ kiểm tra liên ngành như: hàng quý phải tiếp đoàn kiểm tra phòng cháy chữa cháy; đoàn kiểm tra, đo đạc môi trường… Hễ cán bộ thay đổi, cán bộ khác đến thay, lại đòi thay đổi hồ sơ, rồi nghị định, thông tư thay đổi liên tục, DN cũng bị buộc làm lại hồ sơ… Một DN khác thì bức xúc nhiều khoản chi có hóa đơn đầy đủ nhưng khi quyết toán bị loại ra khiến DN phải chịu thuế rất vô lý. Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục thuế TP, cho biết, hiện Thông tư 72/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân và Thông tư 76/2015/TT-BTC quy định chi tiết thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực kể từ ngày 30-7-2015 nhưng áp dụng cho cả chu kỳ tính thuế của năm 2015. Hai thông tư mới này có nhiều thay đổi mới, cởi mở hơn cho DN. Cụ thể, quy định trước đây khống chế chi phí tiếp thị, quảng cáo 15%, thì nay đã bỏ mức khống chế này, chỉ cần DN có hóa đơn là được đưa vào chi phí. Thông tư cũng mở rộng các khoản chi đưa vào chi phí được trừ; thu chi được hạch toán như những khoản chi quảng cáo, đồng phục, công tác phí… không bị khống chế nữa (trước đây DN chi nhiều không được đưa vào hạch toán). Nay bỏ khống chế thì doanh nghiệp được quyết toán chi theo thực tế. Ngay cả khoản chi phúc lợi, trước đây phải lấy lợi nhuận sau thuế thì nay đã sửa đổi linh hoạt hơn cho DN.

Một điểm mới khiến nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là thay vì trước đây doanh nhân, Việt kiều thành lập công ty TNHH MTV sau khi chịu thuế thu nhập doanh nghiệp rồi, lại phải nộp tiếp 5% thuế đầu tư, dẫn đến thuế chồng thuế, thì nay quy định mới đã sửa đổi, doanh nhân không phải chịu 5% thuế đầu tư nữa.

Hóa đơn: Từ khó sang khoán

Một thực tế mà ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc DevitecConsult, nêu ra khiến cả hội nghị bật cười là: “Muốn được quyết toán chi phí đi công tác thì DN buộc phải có “quyết định cử đi công tác”. Đối với công ty TNHH MTV, giám đốc muốn đi công tác thì giám đốc phải ký quyết định cử chính giám đốc đi công tác mới hợp lệ! Quy định như thế quá máy móc”. Ông Đồng cũng phản ánh, khi quyết toán thuế, cơ quan thuế đòi hỏi phải có hóa đơn chứng từ hợp pháp mới được chấp nhận, trong khi ông đi công tác nước ngoài thì các hóa đơn khách sạn, taxi ở nước ngoài chỉ là phiếu tính tiền không có con dấu, không phù hợp với quy định Việt Nam nên không được đưa vào chi phí khấu trừ.

Bà Trần Thị Lệ Nga cho biết, theo quy định trước năm 2014 thì không phân biệt vận chuyển trong hay ngoài nước nhưng buộc phải có hóa đơn của nước sở tại có ghi tên công ty trên hóa đơn mới được chấp nhận. Từ năm 2015, theo quy định của thông tư mới thì việc chi công tác phí ở các DN không bị giới hạn nữa, nhưng nếu không có hóa đơn hợp lệ thì DN có quyền khoán chi phí tổng hợp cho mỗi ngày công tác. Mức chi phí hiện nay đã được “tháo trần”, nếu trước đây mức chi công tác phí không được vượt quá 2 lần quy định công tác phí đối với công chức nhà nước thì nay DN được quyền chi công tác phí mức bao nhiêu cũng được, tùy theo khả năng của mình. Với cơ chế khoán công tác phí thì người đi công tác không cần hóa đơn vẫn được tính vào chi phí được trừ. Còn quy định về hóa đơn thì chỉ hóa đơn trên lãnh thổ Việt Nam mới được chấp nhận.

NHI HOÀNG

Đến Việt Nam làm việc trên 1 năm được miễn thuế toàn bộ đồ dùng cá nhân

(SGGP).- Theo quy định về thuế nhập khẩu hàng hóa cá nhân, người được cơ quan Việt Nam mời về Việt Nam làm việc với thời gian lưu trú từ 1 năm trở lên thì được miễn thuế nhập khẩu toàn bộ đồ dùng cá nhân mang về Việt Nam. Hết thời gian lưu trú phải tái xuất, nếu không tái xuất mà bán lại cho người trong nước thì người mua phải trả toàn bộ các loại thuế truy thu.

Đối với việc nhập khẩu xe cũ, Việt kiều hồi hương hay về nước làm ăn, có hộ khẩu cư trú rõ ràng thì được mang về 1 xe ô tô và xe mô tô, nhưng với điều kiện phải đứng tên chủ sở hữu xe nhập khẩu và xe đó đã được chạy trên 6 tháng và trên 10.000km.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục