Thông xe cầu Mỹ Lợi, rút ngắn 1 giờ di chuyển từ Bến Tre, Tiền Giang đi TPHCM

LƯƠNG THIỆN - ĐĂNG NGUYÊN
Thông xe cầu Mỹ Lợi, rút ngắn 1 giờ di chuyển từ Bến Tre, Tiền Giang đi TPHCM

(SGGPO)- Sáng 29-8, tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kết hợp với UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Long An chính thức thông xe cầu Mỹ Lợi nối thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) với huyện Cần Đước (tỉnh Long An) trên tuyến Quốc lộ 50.

Đến dự lễ thông xe có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, đại diện lãnh đạo TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang.

Cầu Mỹ Lợi nhìn từ xa. Ảnh: Đăng Nguyên

Cầu Mỹ Lợi có tổng chiều dài toàn tuyến 2,691km. Điểm đầu tại Km33+650 (thuộc địa bàn xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), điểm cuối tại Km36+543 (thuộc địa bàn xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Cầu được xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cắt ngang cầu rộng 12m gồm 4 làn xe và lan can hai bên, chiều dài phần cầu 1.422m. Cầu được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng- khai thác- chuyển giao), do Liên danh Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần Bê tông 620 Long An. Đại diện Chủ đầu tư BOT là Công ty cổ phần đầu tư cầu Mỹ Lợi. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 1-2014, hoàn thành vào tháng 8-2015. Dự kiến, cầu Mỹ Lợi bắt đầu thu phí từ tháng 11-2015 và thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng.

Người dân Bến Tre, Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL khi đi TPHCM theo Quốc lộ 50 sẽ rút ngắn thời gian gần 1giờ di chuyển và không phải chịu cảnh “lụy phà” như mọi năm.

Tuyến Quốc lộ 50 có chiều dài 88,9km, là tuyến đường trọng yếu trong mạng lưới giao thông đường bộ nối TPHCM đi vùng duyên hải phía Đông của tỉnh Long An, Tiền Giang và các tỉnh khu vực ĐBSCL và ngược lại. Mặc dù đã và đang được nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực và góp phần chia sẻ lưu lượng xe với Quốc lộ 1A, tuy nhiên tại đoạn tuyến vượt qua sông Vàm Cỏ (từ Km33+650 đến Km36+543) từ trước đến nay phải dùng phà để đưa các phương tiện giao thông qua sông. Đây là điểm trở ngại lớn, gây chậm trễ và hạn chế năng lực thông xe trên toàn tuyến, hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực lân cận.

Thông xe cầu Mỹ Lợi. Ảnh: Đăng Nguyên

Ông Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang cho biết, cầu Mỹ Lợi có ý nghĩa quan trọng đặc biệt và tác động rõ nét đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Nhờ đó thị xã Gò Công trở nên gần gũi với TPHCM và các tỉnh miền Đông hơn, biến vùng đất lâu nay chỉ chuyên sản xuất nông nghiệp và nuôi thuỷ sản thành một khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ đầy tiềm năng, hướng tới một trung tâm kinh tế- xã hội, công nghiệp - dịch vụ mới, một đô thị đầy triển vọng của vùng duyên hải ĐBSCL. Ngay khi nắm được thông tin dự án cầu Mỹ Lợi sẽ khởi công, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ngay lập tức hướng về khu vực này. Tính đến nay đã có gần 6.000 ha đất ở các địa phương ven biển quanh năm nghèo khó như Tân Thành, Vàm Láng, Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân… được đăng ký thuê để xây nhà máy đóng tàu, bến cảng, kho bãi dịch vụ, khu đô thị mới, khu công nghiệp hoá dầu, cụm công nghiệp và dịch vụ du lịch biển. Hiện tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin đã tiếp nhận 280ha đất để xây nhà máy đóng tàu biển và đang san lấp hơn 100 ha.

LƯƠNG THIỆN - ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục